Chuyên gia dự báo giá cả có thể tiếp tục tăng từ nay tới cuối năm
Về dự báo tình hình giá cả 6 tháng cuối năm 2022, theo các tổ chức kinh tế quốc tế và kết hợp với tình hình ở trong nước cho thấy, đây là 1 giai đoạn còn tiếp tục nhiều khó khăn bởi kinh tế thế giới tuy có hồi phục nhưng không đồng đều và cũng chưa đạt được mức phát triển trước đại dịch.
Qua tình hình thực tế hiện nay, một điều dễ dàng thấy được rằng giá xăng dầu, nguyên vật liệu cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tăng mạnh dẫn đến sự leo thang của giá cả hàng hoá trên thị trường nội địa. Sự phát triển của doanh nghiệp và đời sống của người dân đang gặp những khó khăn cần phải có những giải pháp tức thời và mạnh mẽ hơn. Trong đó tác nhân tạo nên những khó khăn nhất đó chính là giá xăng dầu, vậy nếu muốn cởi nút thắt về giá hiện nay chỉ có thể tìm cách giảm thuế phí xăng dầu, soát xét lại chi phí, lợi nhuận định mức trong chuỗi kinh doanh xăng dầu, cộng thêm với các biên pháp khác như các nghị quyết của Chính phủ đã ban hành trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022.
Dư luận đòi hỏi các bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sớm nhận ra những khó khăn nêu trên và sớm đưa ra các giải pháp để đề xuất với Chính phủ, thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Kể từ khi các chuyên gia có ý kiến về giảm thuế phí xăng dầu cho đến nay đã gần 3 tháng, tuy nhiên mới có thuế môi trường giảm 2.000 đồng/lít (giảm 50%) còn lại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, chi phí kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức vẫn chưa có đề xuất của 2 Bộ.
Trả lời câu hỏi tại kì họp tháng 6/2022 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công Thương nói là đang tiếp tục nghiên cứu rồi sẽ đề xuất với Quốc hội xem xét. Hiện nay giá xăng dầu tại Việt Nam đã tăng đến 60% so với thời kì trước đại dịch, trong khi đó, dư luận coi việc này là cấp bách, cần phải giảm thuế phí để cứu cả nền kinh tế và giảm bớt những khó khăn trong chi tiêu của các gia đình Việt Nam hiện nay. Từ tình hình chậm trễ đề xuất giảm thuế phí của 2 Bộ, dư luận mong muốn đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong thẩm quyền của mình, nếu thấy việc giảm thuế phí là hợp lý thì sớm chỉ đạo 2 Bộ xây dựng các phương án để sớm có quyết định ngay trong tháng 6/2022.
Về dự báo tình hình giá cả 6 tháng cuối năm 2022, theo các tổ chức kinh tế quốc tế và kết hợp với tình hình ở trong nước cho ta thấy đây là 1 giai đoạn còn tiếp tục nhiều khó khăn bởi kinh tế thế giới tuy có hồi phục nhưng không đồng đều và cũng chưa đạt được mức phát triển trước đại dịch. Chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn còn tiếp diễn, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy chưa khôi phục hoàn toàn.
Tình hình lạm phát ở các nước hầu hết ở mức cao, giá lương thực, nguyên nhiên vật liệu đã tăng ở 1 mặt bằng mới, cộng thêm với những khó khăn do chính sách ngừng xuất và tạm ngừng xuất dầu ăn, lúa mì, phân bón, thức ăn gia súc,… càng làm cho giá cả hàng hoá thế giới bị đẩy lên cao, trước hết là từ nay tới cuối năm. Điều mà Việt Nam đáng quan tâm là những mặt hàng trên Việt Nam vẫn phải nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, nguy cơ chúng ta phải chịu đựng tác động của nhập khẩu lạm phát vẫn đang hiện hữu.
Ở trong nước nếu chúng ta không có những giải pháp quyết liệt để kiềm chế việc tăng giá của xăng dầu, đưa giá mặt hàng này về một mức tương đối hợp lý, đồng thời ổn định được giá cả những mặt hàng thiết yếu cho đời sống tiêu dùng, CPI những tháng cuối năm sẽ có tốc độ tăng mạnh hơn những tháng đầu năm, thì việc thực hiện chỉ tiêu 4% là rất khó khăn. Chính vì vậy Chính phủ và các Bộ ngành cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp cơ bản sau đây:
Đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện kết nối lại các chuỗi cung ứng trong nội địa cũng như mối quan hệ xuất nhập khẩu với các nước khác. Tiếp tục thúc đẩy sản xuất bền vững, cung ứng trước hết cho thị trường nội địa và hàng hoá xuất khẩu.
Thực hiện tốt chính sách tài khoá và tiền tệ. Đảm bảo thu ngân sách đầy đủ, cần dung dưỡng nguồn thu, khuyến khích doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Chi ngân sách tiết kiệm hiệu quả, chống lãng phí. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm chi phí về hành chính, tiền bạc, thời gian cho doanh nghiệp. Thực hiện chính sách tín dụng tích cực, thu hút vốn nhàn rỗi, sử dụng hiệu quả vốn vay ngân hàng.
Quản lý chặt chẽ thị trường chứng khoán, trái phiếu bất động sản đi đôi với đó khôi phục sức cầu nội địa, tổ chức kiểm soát thị trường giá cả chống đầu cơ buôn lậu nâng giá bất hợp lý kể cả những mặt hàng mà trước đây không thuộc nhà nước định giá như chỉ đạo của Chính phủ mấy ngày gần đây, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh của các gia đình Việt Nam.
Ngoài việc giảm chi phí đầu vào cho hàng hoá vật tư, nguyênnhiên vật liệu cần tổ chức tốt hệ thống phân phối quốc gia, giảm trung gian bất hợp lý và những biểu hiện dựa vào thế mạnh của doanh số và thương hiệu để ép chiết khấu các nhà cung ứng của một số đơn vị bán lẻ thao túng thị trường làm thiệt hại cho người sản xuất và cả người tiêu dùng xã hội.
Làm tốt hơn nữa công tác thống kê sát với tình hình thực tế để làm cơ sở chỉ đạo kịp thời góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Nếu làm được tốt những yêu cầu trên, khả năng lạm phát năm nay chỉ ở mức 4% như chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 làm tiền đề phát triển nhanh và vững chắc cho những năm tiếp theo.