Tổng thống Putin: Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ kết thúc khi Nga đạt mục tiêu
Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine là quyết định từ một quốc gia có chủ quyền, dựa trên quyền bảo vệ an ninh lãnh thổ.
Những thiệt hại quân sự tại Ukraine
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Vladimir Karpenko cho biết, quân đội Ukraine đã mất tới một nửa số lượng trang thiết bị quân sự kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.
Ông nói rõ: “Tôi chỉ đang đề cập đến vũ khí hạng nặng. Ngày hôm nay, những thiệt hại về thiết bị của Ukraine trong các cuộc giao tranh hạng nặng hiện tại lên tới khoảng 30 - 40%, thậm chí có khi lên tới 50%”.
Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguồn cung vũ khí của phương Tây chỉ đáp ứng chưa đến 15% nhu cầu tổng thể của đất nước ông.
“Chúng tôi đang nhận được vũ khí với số lượng lớn. Nhưng, rất tiếc, với việc sử dụng quá nhiều, các viện trợ chỉ đủ đáp ứng 10-15% tổng thể nhu cầu của chúng tôi. Ukraine cần pháo, đạn, xe bọc thép chở quân và xe tăng. Đặc biệt là hệ thống phòng không và hệ thống tên lửa phóng loạt”, ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một số lực lượng Ukraine cố thủ trong nhà máy hóa chất Azot ở Severodonetsk đã bắt đầu đầu hàng, một sĩ quan dân quân của Lugansk đưa tin hôm 17/6.
“Trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại khu vực công nghiệp Azot ở thành phố Severodonetsk, một số lực lượng Ukraine đã đưa ra quyết định chính xác và bắt đầu đầu hàng”, Trung tâm Thông tin Lugansk dẫn lời sĩ quan.
Như đã báo cáo trước đó, có tới 2.500 binh sĩ, trong đó có tới 1/4 là lính đánh thuê nước ngoài, có thể bị giam giữ trong khu công nghiệp Severodonetsk.
Công cuộc đàm phán và ngoại giao
Pháp và Đức sẽ không tổ chức các cuộc đàm phán đình chiến ở Ukraine với Nga thay cho Kiev, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố trong một cuộc họp báo ở thủ đô Kiev, được truyền trực tiếp bởi Điện Elysee ngày 16/6.
Theo đó, Pháp và Đức cũng sẽ không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào thay mặt Ukraine hoặc thảo luận về vấn đề đàm phán với Nga.
Ông nhấn mạnh, thế cục phụ thuộc vào chính Ukraine trước quyết định về thời điểm và những điều kiện nối lại các cuộc đàm phán với Moscow.
Ông Macron nói rõ: “Khi đến thời điểm tập trung tại bàn đàm phán, châu Âu sẽ thảo luận về các vấn đề đảm bảo an ninh từ các thỏa thuận quốc tế, điều mà Tổng thống Ukraine luôn theo đuổi thay mặt cho quốc gia. Đó là những gì sẽ chi phối các cuộc đàm phán trong tương lai với Nga”.
Theo ông Macron, an ninh ở toàn bộ lục địa châu Âu hiện đang bị đe dọa. Pháp, cũng như Italy, Romania và Đức, những quốc gia cùng đến thăm Kiev ngày 16/6, sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine “miễn là cần thiết”.
Tổng thống Macron cam kết sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa. Bởi châu Âu không muốn kích động một cuộc xung đột toàn cầu, đó chính là lý do tại sao họ tự giới hạn mình trước những biện pháp trừng phạt kinh tế và hỗ trợ chính trị cho Kiev.
Tổng thống Pháp bày tỏ sẵn sàng tiếp tục hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, đồng thời lưu ý rằng ông muốn thảo luận về vấn đề an ninh lương thực ngoài Ukraine.
Theo nhà lãnh đạo Pháp, hiện tại cả Kiev và Moscow đều không thể hiện sự thiện chí nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp.
Phát biểu về các cuộc tiếp xúc thường xuyên với nhà lãnh đạo Nga, ông Macron nhấn mạnh rằng “những cuộc thảo luận này luôn mang tính chiến lược và nhằm tránh chiến tranh, tìm ra con đường dẫn tới hòa bình”.
Đồng thời nhấn mạnh: “Nhưng chưa bao giờ chúng tôi liên lạc thay mặt cho Ukraine”.
Tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin
Thế giới sẽ không bao giờ trở lại như cũ và con người cũng sẽ không thể “chờ đợi” giữa những thay đổi hỗn loạn hiện nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ngày 17/6 tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg.
“Đây là những tiến trình khách quan, thực sự mang tính cách mạng, những thay đổi kiến tạo về địa chính trị, nền kinh tế toàn cầu, trong lĩnh vực công nghệ, trong toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế, cùng vai trò của các quốc gia và nhiều khu vực năng động với triển vọng phát triển đáng kể. Sẽ không thể bỏ qua lợi ích của họ lâu hơn nữa”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Đối với Tổng thống Putin, hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine là quyết định từ một quốc gia có chủ quyền, dựa trên quyền bảo vệ an ninh lãnh thổ. Rất khó để thực hiện, nhưng đây chính là điều bắt buộc và thực sự cần thiết.
Ông nói thêm rằng, đó cũng là “một quyết định nhằm mục đích bảo vệ công dân của chúng tôi, những cư dân của các nước cộng hòa nhân dân Donbass, những người đã 8 năm chịu nạn diệt chủng bởi chế độ Kiev và tân Quốc xã”.
Nhìn chung, thế giới hiện đại “đang trải qua một kỷ nguyên của những thay đổi cơ bản”. Trật tự thế giới đơn cực đã biến mất vĩnh viễn. Kỷ nguyên này đã kết thúc bất chấp mọi nỗ lực hồi sinh và bảo tồn bằng bất cứ giá nào, nhà lãnh đạo Nga lưu ý.
Hoạt động viện trợ
Các nước phương Tây đã đồng ý không cung cấp cho Ukraine xe tăng và máy bay tấn công nhằm tránh đối đầu quân sự với Nga, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định trước phóng viên Ukraine trong chuyến thăm Kiev ngày 16/6.
“Châu Âu đang giúp Ukraine tự vệ, nhưng chúng tôi sẽ không gây chiến với Nga. Vì vậy, một thỏa thuận không cung cấp một số loại vũ khí cho Ukraine, chẳng hạn như máy bay tấn công hoặc xe tăng, đã được chấp thuận. Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã biết về thỏa thuận này”, ông nói rõ.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã viết trong một bài báo cho rằng, việc bơm cho chính quyền Kiev vũ khí do Mỹ sản xuất chính là con đường dẫn đến cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai siêu cường hạt nhân lớn nhất thế giới.
“Rõ ràng đây là con đường dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân lớn, đầy những hậu quả khó lường”, ông Antonov nhấn mạnh.