Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vì sao lỗ?
Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán 2021, năm đầu tiên doanh nghiệp quản lý hệ thống đường sắt đô thị của Thủ đô ghi nhận doanh thu sau khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành.
Theo, Hanoi Metro cho biết, cả năm ngoái doanh thu đạt hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lên tới gần 60 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp 54 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cho nhân công chiếm phần lớn cơ cấu chi phí khi vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Bên cạnh đó, cộng thêm chi phí quản lý doanh nghiệp, Hanoi Metro lỗ ròng 64 tỷ đồng trong năm ngoái. Vào năm 2020, công ty báo lỗ 23 tỷ đồng khi chưa vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Hiện tại, Hanoi Metro đang lỗ lũy kế tổng cộng 160 tỷ đồng.
“Theo quy định, báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty đã được cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán, Công ty đã gửi cho Sở Tài chính Hà Nội tổng hợp báo cáo thành phố và công khai thông tin theo nghị định của Chính phủ” - đại diện Hanoi Metro cho biết.
Theo vị Đại diện Hanoi Metro chia sẻ, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đường sắt đô thị là lĩnh vực dịch vụ công nên giá do thành phố quyết định (Với mức giá rẻ có trợ giá của thành phố) để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng đi lại, giảm dần phương tiện cá nhân, giúp giảm thiểu hóa ùn tắc, ô nhiễm môi trường do phương tiện cá nhân gây ra.
Bởi vậy, đối với lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cũng như đường sắt đô thị thì thu từ vé không đủ bù đắp chi phí nên được thành phố trợ giá.
Đối với xe buýt của Hà Nội đã được trợ giá từ nhiều năm nay và hiện nay vẫn đang thực hiện. Còn đối với ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông là tuyến đầu tiên đưa vào vận hành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết cho áp dụng các chính sách khuyến khích như xe buýt hiện nay, việc trợ giá cho ĐSĐT được quy định trong Luật Đường sắt.
Vị đại diện Hanoi Metro nhấn mạnh: “Số liệu báo cáo năm 2021, Công ty bắt đầu vận hành từ 6/11/2021 là số liệu chưa có trợ giá của thành phố (Vì chưa có đặt hàng). Trong thời gian vừa qua, nhờ có sự hỗ trợ của Sở, Ban ngành và sự nỗ lực của Công ty, chúng tôi đã xây dựng đơn giá tạm thời và đã được thành phố phê duyệt”.
Theo Hanoi Metro dự kiến năm nay, Hanoi Metro đặt mục tiêu vận hành thêm đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, chạy tổng cộng hơn 89.000 lượt tàu, phục vụ hơn 7,9 triệu hành khách. Bình quân mỗi ngày, Hanoi Metro phải phục vụ gần 21.800 lượt khách với gần 250 lượt chạy tàu để hoàn thành chỉ tiêu nói trên.
Với những con số ước tính về vận hành nói trên, Hanoi Metro đặt kế hoạch doanh thu 476 tỷ đồng, lãi ròng 14 tỷ đồng sau thuế. Tuy nhiên, doanh thu vận tải hành khách bằng đường sắt đô thị dự kiến chỉ đạt 76 tỷ đồng.
Đồng thời, dưới sự hướng dẫn tích cực của các sở, ban, ngành, Công ty đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để thành phố đặt hàng cho tuyến Cát Linh - Hà Đông 2 tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022.
Sau khi doanh thu của năm 2021 được cộng thêm trợ giá theo đặt hàng của thành phố, chắc chắn bức tranh tài chính sẽ khác so với báo cáo tài chính hiện nay. Trợ giá của thành phố không chỉ bù đắp phần thiếu hụt do doanh thu không đảm bảo chi phí mà còn có lãi định mức theo quy định.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài 13,05 km với 12 ga đi toàn bộ đi trên cao, điểm đầu là ga Cát Linh và điểm cuối là ga Yên Nghĩa, khu Depot tại Phú Lương, quận Hà Đông.