Rung lắc với giá vàng
Những ngày gần đây giá vàng liên tục lao dốc sau thời gian neo cao khiến nhiều nhà đầu tư đua nhau bán tháo, dù trước đó giới chuyên gia đã khuyến cáo không nên đu theo “sóng” vàng bởi thị trường này có nhiều điểm bất ổn từ đầu năm. Trong hai phiên chất vấn Quốc hội vừa qua, giá vàng cũng làm nóng nghị trường khi nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng về chính sách quản lý độc quyền vàng miếng SJC trong thời gian qua.
Đảo lộn quy luật cung cầu
Từ đầu năm tới nay, thị trường vàng, đặc biệt là vàng miếng đã thiết lập hàng loạt kỷ lục không mong muốn như: Chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và quốc tế lên tới gần 20 triệu đồng/lượng, có thời điểm biến động giá lên tới 6 triệu đồng trong ngày, chênh lệch giữa mua vào, bán ra lên tới 3 triệu đồng/lượng… những động thái này được cho là nguyên nhân tạo ra một thị trường méo mó, gây những hệ lụy cho nền kinh tế, đồng thời gây lo lắng và tâm lý bất an cho người dân.
Nhìn lại giá vàng từng lập đỉnh 74 triệu đồng/lượng hồi tháng 3. Mức giá quy đổi chênh lệch với giá thế giới lên đến gần 20 triệu đồng/lượng. Hiện giá SJC rao bán mức gần 70 triệu đồng/lượng, nhưng những ngày gần đây bất ngờ giảm mạnh hơn 1,1 triệu đồng trong ngày 13/6.
Trong sáng ngày 14/6, giá vàng SJC tiếp tục giảm thêm khoảng 350.000 đồng mỗi lượng, niêm yết giá ở chiều bán ra là 68,3 triệu đồng/lượng, chiều mua vào là 67,5 triệu đồng/lượng.
Sáng 15/6, SJC Hà Nội mua vào 67,5 triệu đồng/lượng, bán ra 68,32 triệu đồng/lượng. Sáng 18/6, vàng miếng SJC giảm 100.000 đồng mỗi lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn mua vào còn 67,85 triệu đồng/lượng và bán ra 68,65 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội giữ nguyên 67,90-68,70 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng lại lao dốc không phanh khiến nhiều người bán tháo, làm náo loạn thị trường.
Là một nhà đầu tư nhỏ lẻ, chị Hoàng Ngọc Lan (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), dõi theo từng “nhịp thở” của vàng, chị cho biết: Từ đầu tuần giá vàng xuống dốc không phanh khiến những người đầu tư nhỏ như chúng tôi đang đứng ngồi không yên bởi đã cầm chắc lỗ nặng. Mặt khác, trong khoảng thời gian này chúng tôi dù có kinh nghiệm buôn bán lâu năm nhưng cũng rất khó đoán định “đường đi” của vàng.
Còn chủ một cửa hàng kinh doanh vàng tại phố Lương Định Của, phường Phương Mai, quận Đống Đa bày tỏ: Giá vàng lên xuống thất thường khiến lượng khách giảm hẳn, thi thoảng có người tới mua sắm trang sức cưới, cửa hàng có ngày không khách hàng giao dịch. Kinh doanh nhiều năm nhưng tôi thấy rất ít có thời điểm thị trường vàng mà người mua cũng như người bán lại rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như hiện nay.
Nhìn nhận thực trạng trên, chuyên gia kinh tế - luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, giá vàng trong nước không theo quy luật cung cầu, hiện nay không có quy định nào liên quan tới chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hay chênh lệch giá mua - bán vàng. Thị trường vàng trong nước và thế giới về bản chất là không liên thông với nhau, luôn có độ trễ nhất định.
Ông Trương Thanh Đức khuyến cáo nhà đầu tư không nên đu theo “sóng” vàng, không bị cuốn theo thị trường khi giá biến động mạnh để tránh thiệt hại.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng các nhà đầu tư trong nước không nên mua vàng để “lướt sóng” bởi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã quá cao. Nếu “găm” vàng, người mua phải trả với mức giá đắt so với giá thế giới, chưa kể giá vàng tăng nhanh nhưng giảm cũng nhanh, người mua sẽ thiệt đơn thiệt kép.
Giá vàng “nóng” tại nghị trường
Tại phiên chất vấn ở nghị trường Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề bất cập về thị trường vàng miếng SJC trong thời gian qua. Cụ thể, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề việc độc quyền của Nhà nước trong quản lý vàng đã khiến cho giá vàng SJC đắt một cách “phi lý”.
Câu chuyện quản lý vàng cũng ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, thắc mắc về góc khuất của việc kinh doanh vàng tại Việt Nam, và đặt nghi vấn liệu có sự bắt tay thao túng vàng miếng SJC hay không?
Chính sách quản lý vàng hiện nay đang được thực hiện theo Nghị định 24 Chính phủ ban hành năm 2012, ở thời điểm bối cảnh kinh tế vĩ mô cũng có nhiều điểm khác biệt so với hiện nay. Thị trường vàng khi đó biến động rất mạnh, tồn tại những hạn chế gây bất ổn kinh tế vĩ mô nên chủ trương của Chính phủ là “chống vàng hóa”.
Từ khi nghị định này đi vào thực tế, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng chính sách quản lý nhà nước được thực hiện hiệu quả, giúp ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Trong Nghị định 24 này có chính sách Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, nên thuê SJC gia công. SJC được lựa chọn vì tại thời điểm đó, thương hiệu này chiếm 90% trên thị trường, quen thuộc với người dân.
Trả lời băn khoăn mà các đại biểu Quốc hội nêu, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Còn với mức giá quá cao của SJC hiện nay, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để can thiệp thị trường khi giá quá cao nhưng là “trong trường hợp cần thiết”. Bà Hồng thông tin thêm, qua tổng hợp số liệu của các tổ chức kinh doanh vàng cho thấy người dân không có nhu cầu mua vàng miếng nhiều.
Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012 quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Trong nhiều năm qua, cơ quan quản lý không can thiệp khi giá vàng SJC tăng và tăng liên tục. Mức chênh lệch giá vàng ngày càng cao so với vàng trong nước và cả vàng thế giới.
Cũng tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022 ngày 15/6, cho biết quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về ý kiến cho rằng sau 10 năm áp dụng để chống “vàng hóa” nền kinh tế, Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần được sớm sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu hiện nay, cần có thêm thương hiệu vàng khác để cạnh tranh với SJC.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trước đây khi xây dựng Nghị định 24/2012/NĐ-CP để áp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Trong suốt 10 năm qua, không chỉ Ngân hàng Nhà nước mà các báo cáo, đánh giá, nhìn nhận đều cho thấy câu chuyện quản lý vàng đã tạo được sự ổn định trong quản lý kinh tế vĩ mô, từ đó kiểm soát lạm phát, kiểm soát được thị trường vàng, không tác động đến mặt bằng giá cả và các chỉ tiêu khác.
Tuy nhiên, cũng theo ông Tú, sau 10 năm, có những tác động của tình hình kinh tế thế giới, tác động của hàng hóa vàng thế giới với Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã và đang cử các đoàn nghiên cứu, vừa đi kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh vàng hiện nay, vừa đánh giá câu chuyện vàng bạc thực tế trong nền kinh tế, nhu cầu thực của người dân là thế nào, vừa đánh giá xem câu chuyện giữa các thương hiệu vàng hiện nay ra sao?…
Không phải Quốc hội đặt vấn đề Ngân hàng Nhà nước mới nghiên cứu mà việc này các lực lượng chức năng đã nghiên cứu hàng năm nay. Nghiên cứu một cách thấu đáo và cũng đặt ra lộ trình xem xét để sửa đổi Nghị định 24/2012 trong thời gian tới sao cho phù hợp, để đạt mục tiêu lớn và vẫn bảo đảm nhu cầu thị trường đối với vàng miếng cũng như vàng trang sức.
Làm gì để bình ổn thị trường?
Với diễn biến giá vàng thất thường trên thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm đưa ra những giải pháp nhằm ổn định thị trường kim loại quý này.
Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng (VGTA) cho biết từ năm 2012 đến nay, theo Nghị định 24/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước không cấm nhập vàng nguyên liệu nhưng cơ quan này vẫn quản lý, khi nào cần thiết mới cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng để chế tác nữ trang.
Việc này nhằm kiểm soát nhập khẩu vàng, tránh tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế. Nhưng do vàng miếng SJC là thương hiệu uy tín, chiếm tới 95% thị trường vàng miếng đồng thời để tiết kiệm chi phí sản xuất và tránh xáo trộn trong hoạt động kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, điều này khiến cho vàng miếng SJC có giá trị hơn các loại vàng khác. Ngoài ra, trong các giao dịch vàng, người dân cũng có tâm lý ưa chuộng vàng miếng SJC hơn các loại vàng khác.
Theo ông Khánh, hiện nay thị trường vàng được điều tiết bằng Nghị định 24/NĐ-CP quy định vàng miếng do nhà nước độc quyền sản xuất, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được Chính phủ giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.
Ngoài ra, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Nghị định này đã tồn tại gần 10 năm và được xem là lỗi thời, khiến cho giá vàng trong nước lúc nào cũng cao hơn giá vàng thế giới.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, Nghị định 24 đã góp phần chống “vàng hóa” nền kinh tế. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh hiện nay thì quy định về độc quyền sản xuất vàng miếng không còn phù hợp, nguồn cung đang không đủ cầu đã khiến chênh lệch giá quá lớn làm rủi ro bị đẩy về phía người dân mua vàng. Giá vàng còn là một trong những loại hàng hóa có vị trí lớn trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi.
Nên nếu để giá vàng tăng quá cao sẽ ảnh hưởng đến các chỉ số kinh tế, gia tăng lạm phát. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần thay đổi cách điều hành, nên để thị trường tự vận hành dưới sự quản lý cơ bản của nhà nước để bình ổn thị trường.
Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu: Thận trọng khi tham gia vào thị trường vàng
Hiện nay, thị trường vàng Việt Nam hầu như tách biệt với thị trường vàng thế giới, và người Việt Nam đang phụ thuộc hoàn toàn vào sự làm giá của các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước. Dĩ nhiên, doanh nghiệp sẽ chỉ quan tâm tới lợi nhuận của họ, đẩy hết rủi ro về phía người tiêu dùng.
Theo tôi, đây là sự quá đà của một thị trường tự do, không phải là chủ trương mà Nghị định 24 hướng đến, vì Nghị định 24 ra đời với mục tiêu là ổn định thị trường vàng, chống vàng hóa nền kinh tế, chứ không phải tạo điều kiện kiếm lời cho các nhà kinh doanh vàng. Nhưng với những biến động chính trị và kinh tế toàn cầu vừa qua, rõ ràng thị trường đang được tạo cơ hội cho việc đầu cơ vàng, làm “loạn” thị trường.
Với người đầu tư, hãy thận trọng, hết sức thận trong khi tham gia vào thị trường vàng. Tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng người mà có cách tham gia thị trường phù hợp, song không nên vay tiền để mua vàng.
Thứ hai, không tham, không gồng lãi và chấp nhận cắt lỗ hay chốt lời khi cần thiết. Thứ ba, cần phải nắm bắt thông tin, bám sát giá cả cũng như diễn biến về chính trị kinh tế trên thế giới để đưa ra quyết định mua bán phù hợp.
Chuyên gia vàng Trần Thanh Hải: Trả lại giá vàng miếng SJC theo giá thế giới
Việc trả lại giá vàng miếng SJC theo giá thế giới là phù hợp thực tiễn. Thế nhưng, nếu Việt Nam nhập khẩu vàng chỉ góp phần hạ nhiệt nhất thời giá vàng SJC, còn về lâu dài chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước vẫn không giải quyết được vì nhập bao nhiêu người ta cũng mua hết. Chưa kể, việc nhập khẩu vàng có thể tạo ra siêu lợi nhuận cho các đầu mối nhập khẩu.
Với xu hướng chuyển đổi số hiện nay, Nghị định 24 có thể sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng giao dịch vàng online theo giá vàng thế giới. Nghĩa là pháp luật cho phép Ngân hàng Nhà nước thành lập sàn giao dịch vàng “giấy” với tỉ lệ ký quỹ cao nhằm hạn chế tình trạng “đánh bạc” và giao cho ngân hàng thương mại điều hành hoạt động của sàn này. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước được phép phát hành chứng chỉ vàng để thu hút người sở hữu vàng “giấy” lẫn vàng miếng. Các chứng chỉ vàng được làm tài sản thế chấp mua trái phiếu Chính phủ, vay vốn ngân hàng…
Khi đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ vừa đáp ứng được nhu cầu đầu tư và cất giữ vàng của người dân, vừa thu hẹp khoảng cách giữa vàng trong nước và thế giới. Việc còn lại là Ngân hàng Nhà nước xem xét thời điểm phù hợp để nhập khẩu vàng nguyên liệu cung ứng cho nhu cầu chế tác nữ trang.