Những đứa trẻ mất tương lai
Thông tin từ Hội nghị toàn cầu lần thứ 5 về xóa bỏ lao động trẻ em tổ chức tại thành phố cảng Durban, tỉnh KwaZulu-Natal, Nam Phi mới đây cho biết, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, gần 1/10 số trẻ em trên thế giới trở thành lao động kiếm sống. Các em phải chịu các hình thức lao động trẻ em tồi tệ, phải làm việc trong môi trường độc hại và nhiều em trong số đó đã mất tương lai.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho rằng, thế giới lần đầu tiên ghi nhận sự gia tăng của lao động trẻ em trong 2 thập kỷ qua, đẩy thêm hàng triệu trẻ ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” vào cuộc mưu sinh.
Cũng cần nhắc lại, Liên hợp quốc đã đề ra mục tiêu phát triển bền vững về chấm dứt tình trạng lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2021, và hạn chót đạt mục tiêu này là năm 2025.
Tính theo khu vực, gần một nửa số lao động trẻ em ở châu Phi (72 triệu trẻ), tiếp theo là châu Á và Thái Bình Dương (62 triệu trẻ). Lao động trẻ em cũng không giới hạn ở các nước nghèo. Có khoảng 84 triệu lao động trẻ em sống ở các nước có thu nhập trung bình, và 2 triệu lao động trẻ em ở các nước thu nhập cao. Đáng lo ngại khi báo cáo của ILO chỉ ra sự gia tăng đáng kể lao động trẻ em trong độ tuổi từ 5-11.
Các chuyên gia của ILO cũng cho rằng trẻ em nam bị ảnh hưởng nhiều hơn, chiếm tới 97% trong tổng số khoảng hơn 170 triệu lao động trẻ em. Số trẻ em trong độ tuổi từ 5-17 phải làm những công việc được cho là nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển, giáo dục và sức khỏe tăng mạnh như khai mỏ hoặc làm trong những ngành với máy móc, công cụ nặng.
Hầu hết lao động trẻ em tập trung ở khu vực nông nghiệp, chiếm tỷ lệ đến 70%. Khoảng 20% lao động trẻ em làm việc trong lĩnh vực dịch vụ và 10% số lao động trẻ em làm việc trong các ngành công nghiệp.
“Lao động trẻ em dẫn đến các chu kỳ đói nghèo luẩn quẩn giữa các thế hệ. Tương lai của những đứa trẻ phải lao động sớm để nuôi sống bản thân đã bị đánh mất. Nghèo đói, an sinh xã hội yếu kém, những tập quán cổ hủ đã đẩy trẻ em vào đời sớm và chính những đứa trẻ ấy lại tạo ra một vòng luẩn quẩn của đói nghèo”- Michaell Lee, chuyên gia về các vấn đề xã hội nhận xét.
Vị chuyên gia này cũng dẫn ra câu chuyện về những thanh chocolate ngon lành nhưng lại thấm đẫm mồ hôi của những đứa trẻ. Đầu thế kỷ 19, các trang trại trồng ca cao ở châu Phi chủ yếu là quy mô nhỏ với những chủ sở hữu nghèo. Thu hoạch và chế biến ca cao đòi hỏi nhiều lao động và để tiết kiệm chi phí, họ thuê trẻ em - thường là từ 10 đến 12 tuổi, có cả những bé chỉ mới 5 tuổi.
Để cắt một trái ca cao thì buộc phải dùng dao rựa nên công việc này khá nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em. Lũ trẻ phải làm việc quần quật từ 14 đến 16 giờ mỗi ngày. Những lao động nhí này phải mang vác các bao quả ca cao nặng và bị đánh nếu vấp ngã.
Mới đây, tờ The Guardian đã có bài phân tích dựa trên một bộ phim tài liệu, cáo buộc các chủ đồn điền sử dụng lao động trẻ em tại các trang trại cacao cho chuỗi cung ứng của họ. Những đứa trẻ này được nhận tiền công 3 USD/1 ngày và hầu như không được nhận thêm bất cứ điều gì từ chủ.
“Sự thật là những đứa trẻ đang thu hoạch ca cao dưới nắng gió kia lại chưa từng được nếm hương vị thơm ngon của những thanh chocolate”- bình luận của kênh truyền hình Anh Channel 4 Dispatches.
Để đảo ngược xu hướng gia tăng lao động trẻ em do đại dịch Covid-19, ILO và UNICEF kêu gọi thực hiện bảo trợ xã hội đầy đủ, bao gồm các phúc lợi phổ cập cho trẻ em, nhưng đại dịch vẫn khiến thế giới phải chứng kiến những bước thụt lùi trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng gia tăng lao động trẻ em.
Tổng giám đốc ILO, ông Guy Ryder, nhấn mạnh lao động trẻ em là “tước đi tuổi thơ, tiềm năng và phẩm giá của trẻ em”.
Còn theo bà Jacqueline Mugo - Phó Chủ tịch khu vực của Tổ chức người sử dụng lao động quốc tế, cột mốc vào năm 2025 do Liên hợp quốc đặt ra với mục tiêu xóa bỏ mọi hình thức lao động trẻ em lúc này cần phải coi là hành động tập thể toàn diện cần thiết, để đảm bảo không có trẻ em nào bị cướp đi tuổi thơ, để các em có cơ hội bước ra khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo và “có một tương lai tốt hơn”.