Cứu san hô chết ở khu bảo tồn Hòn Mun: Muộn còn hơn không
Liên quan đến hàng loạt rạn san hô chết, bị hư hại ở quanh Khu bảo tồn Hòn Mun, thuộc vùng lõi của vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) mà Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh trên số báo Chủ nhật (ra ngày 12/6), ngay sau đó, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã yêu cầu UBND tỉnh làm rõ tình trạng, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục rạn san hô khu bảo tồn Hòn Mun, báo cáo kết quả cho Tỉnh ủy trước ngày 19/6.
Tăng cường kiểm tra, bảo vệ
Xin nhắc lại, những hình ảnh và video clip mà du khách yêu thích lặn biển đã quay được quanh khu vực đảo Hòn Mun cho thấy các rạn san hô ở đây đã bị chết, hoặc bị hư hại hàng loạt. Tiếp đó, một số cơ quan báo chí cũng đã trực tiếp khảo sát và công bố những bức ảnh cho thấy một thực tế rất đáng lo ngại, khi rạn san hô bị phủ trắng, gãy đổ dồn đống dưới lòng biển.
Như chúng ta đã biết, Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang bao gồm các đảo như: Hòn Mun, Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Cau, Hòn Vung… và vùng nước xung quanh. Tổng diện tích khoảng 160 km2, bao gồm 122 km2 vùng nước xung quanh các đảo. Trong đó, Hòn Mun là vùng bảo vệ nghiêm ngặt vì ở đây có hệ sinh thái phong phú đa dạng bậc nhất Việt Nam. San hô ở vịnh Nha Trang, đặc biệt là trong khu vực Khu bảo tồn biển Hòn Mun, đã được khảo sát quốc tế là rất phong phú, có đến khoảng 380 loài.
Trước hiện trạng san hô chết hàng loạt, ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang thông tin: Ban quản lý vịnh cùng một số đơn vị liên quan, các nhà khoa học đã đi khảo sát các khu vực san hô hư hại trong vịnh Nha Trang. Đoàn kiểm tra xác định phần lớn san hô ở Hòn Mun bị hư hại.
Trước thực tế trên, nhiều ý kiến của du khách bày tỏ sự lo lắng về môi trường biển ở vịnh Nha Trang. Bên cạnh đó, việc kiểm tra chủ yếu ở phía trên mặt nước mà không thường xuyên lặn xuống để theo dõi, xem san hô sinh trưởng như thế nào cũng là nguyên nhân để hàng chục km2 san hô chết, bị hư hại nghiêm trọng rồi mới được phát hiện.
Theo ông Huỳnh Bình Thái, hiện nay, Ban quản lý vịnh Nha Trang chỉ có 1 chiếc tàu tuần tra và 6 thành viên làm nhiệm vụ, không được trang bị dụng cụ hỗ trợ. Lực lượng mỏng, trong khi diện tích tuần tra lớn với hơn 296km2 trên toàn vịnh nên nhiều trường hợp vi phạm phải nhờ đến Biên phòng kết hợp mới xử lý được.
Song song với việc tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, ông Thái cho biết, sắp tới tại khu vực Hòn Mun, Ban quản lý vịnh Nha Trang sẽ lắp camera toàn bộ nơi đây để quan sát hình ảnh tàu thuyền. Nếu tàu vào khu vực cấm sẽ trích xuất camera để đề nghị lực lượng biên phòng xử phạt khi không có lực lượng tuần tra tại chỗ. Đồng thời, sẽ thường xuyên phối hợp các câu lạc bộ lặn thực hiện lặn đúng vùng biển, không giẫm lên san hô; nhờ sự chung tay của các doanh nghiệp để nâng cao ý thức của khách du lịch trong việc bảo vệ các rạn san hô trong vịnh.
Điều quan trọng để bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô trong vịnh chính là các cấp cần thực hiện các hoạt động cải thiện sinh kế; nâng cao chất lượng đời sống nhân dân cho cộng đồng cư dân sống bên trong và xung quanh vịnh Nha Trang.
Có thể phục hồi?
Trong khi chờ báo cáo chính thức của UBND tỉnh Khánh Hòa để nắm rõ nguyên nhân và đưa ra những biện pháp khắc phục, câu chuyện làm sao để hồi sinh hệ san hô cho vịnh Nha Trang cũng thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học.
Ông Nguyễn Tấn Thành - Giám đốc Công ty TNHH MTV Rùa Lặn Đại Dương (Turtle Drive) là người có gần 30 năm lặn biển Hòn Mun. Theo ông Thành, hoàn toàn không bất ngờ với thông tin san hô ở Hòn Mun bị “tẩy trắng”, bị chết. Cách đây hơn 20 năm, ông đã có những cảnh báo về việc hệ sinh thái san hô ở Hòn Mun nói riêng và vịnh Nha Trang nói chung có thể biến mất vì tác động của con người.
“Thiên tai năm nào cũng có, nếu cứ đổ cho bão lũ hay biến đổi khí hậu thì dễ quá”, ông Thành nói, đồng thời chia sẻ, sự tác động của con người dù không gây hại nhanh, rộng cho san hô bằng thiên tai, nhưng cái nguy hiểm hơn là nó tạo ra sự chủ quan cho các nhà quản lý. Tuy vậy, không có nghĩa là bây giờ buông xuôi. Muộn còn hơn không. Nếu không quản lý chặt chẽ thì e rằng 5-10 năm nữa, du khách sẽ không ai đến Nha Trang để lặn ngắm san hô nữa.
PGS.TS Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng, việc phục hồi các rạn san hô hư hại ở Hòn Mun là “có thể làm được”. Bởi trong số 380 loài san hô ở vịnh Nha Trang có những loài phát triển rất chậm nhưng cũng có nhiều loài san hô sinh trưởng, phát triển nhanh (khoảng 1,6 cm/năm).
Tuy nhiên, phải tổ chức cho các chuyên gia đi kiểm kê, đánh giá lại hiện trạng các vùng bảo tồn có san hô và đa dạng sinh học bị suy giảm để xác định nguyên nhân, xác định loài san hô bị chết thì mới đề xuất được giải pháp khắc phục. Song nhìn chung là tốn nhiều thời gian và tiền bạc.
Việc phục hồi bảo tồn không đơn giản là thả giống con này con kia xuống biển, mà về lâu dài, ông An cho rằng, chúng ta cần nhanh chóng thay đổi chính sách về bảo tồn, phát huy tài nguyên biển ngay từ bây giờ một cách khoa học, hợp lý để những tài nguyên biển như ở vịnh Nha Trang được bảo vệ nghiêm túc, được phát triển hết tiềm năng của nó.
Đồng tình với việc cho rằng sinh kế cho người dân rất quan trọng, PGS.TS Nguyễn Tác An nhấn mạnh, cần phải có chiến lược tuyên truyền việc bảo vệ khu bảo tồn; tạo sinh kế ổn định cho dân, chỉ khi cuộc sống ổn định, người dân mới xem tài nguyên biển là của chính họ và tự bảo vệ. “Trước mắt, cần dừng ngay việc khai thác tài nguyên biển khu vực trong vịnh Nha Trang, kiểm soát chặt các dự án san lấp biển để làm sạch khu vực. Sau đó, mời các nhà khoa học lập dự án có tính lâu dài, bền vững”, ông An chia sẻ.
Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - chuyên gia hàng đầu về tài nguyên môi trường biển của Việt Nam, san hô ở Hòn Mun bị chết trắng một phần là do con người, phần còn lại là do thiên nhiên. Để phục hồi hệ sinh thái này, cần phải điều tra, đánh giá để đưa ra các biện pháp bảo vệ, phục hồi căn cơ để vừa giải quyết tình thế trước mắt vừa khắc phục trong dài hạn.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đề xuất, trước mắt nên đóng cửa biển khu vực Hòn Mun cho “biển nghỉ” một vài năm để rạn san hô tự hồi phục. Song song với đó cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát…
San hô ở danh thắng quốc gia Hòn Yến bị đe dọa
Những ngày gần đây, một số tài khoản mạng xã hội chia sẻ hình ảnh cũng như “tâm tư” khi một số nhiếp ảnh gia, người chụp ảnh tìm về quần thể san hô độc đáo ở danh thắng quốc gia Hòn Yến (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Điều đáng lên án là một số người đã đi cả dép nhựa leo hẳn lên trên một rạn san hô lớn, cắm chân máy để chụp ảnh. Nhiều khách du lịch cũng mang theo các dụng cụ chụp ảnh tìm về “check in” với san hô.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, san hô ở Hòn Yến được ghi nhận có 17 loài (với 2 dòng san hô cứng và san hô mềm). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ngoài tác động của thiên tai mưa bão, sóng biển, nhiều người dân, du khách đã ngang nhiên giẫm đạp làm vỡ, chết nhiều loại san hô khiến hệ sinh thái san hô ở Hòn Yến đang bị hư hại, suy giảm nghiêm trọng.
Đặc biệt, vào mùa hè, cứ đầu tháng và giữa tháng, khi thủy triều rút, san hô nổi lên, là các nhà nhiếp ảnh và du khách khắp nơi tìm đến đây tham quan, săn ảnh ít nhiều gây hư hại các rạn san hô tuyệt đẹp ở Hòn Yến.
Lê Thúy Hà