Đã đến lúc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu
Xăng dầu tiếp tục tăng giá là đề tài được bàn luận trong những ngày qua. Dễ hiểu, bởi xăng dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều lĩnh vực đời sống. Xăng dầu tăng khiến giá vận tải tăng, thậm chí mớ rau con cá cũng tăng. Trong những mối băn khoăn của dư luận, câu hỏi được đặt ra là làm sao để kìm đà tăng của xăng dầu? Quỹ bình ổn xăng dầu thời gian qua hoạt động như thế nào? Và căn cơ hơn, câu chuyện dự trữ xăng dầu mang tầm quốc gia cần phải sớm được thực thi…
6 lần tăng liên tiếp
Đầu tuần qua (chiều 13/6), giá xăng một lần nữa “lập đỉnh” mới sau khi liên Bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh theo chu kỳ. Với đợt tăng thứ 6 liên tiếp, xăng E5 RON 92 tăng lên 31.110 đồng/lít, còn xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 800 đồng/lít, lên mốc 32.370 đồng/lít.
Thống kê từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 12 đợt. Riêng xăng RON 95 tăng 8.494 đồng/lít; xăng E5 RON 92 tăng 7.951 đồng/lít, mức tăng liên tục và cao nhất trong lịch sử.
Với giá xăng RON 95 hiện tại 32.375 đồng/lít, người dùng các mẫu xe phổ thông cần chi tối thiểu khoảng 120.000 đồng để đổ đầy bình xăng. Còn nếu ai sử dụng xe Honda Lead với dung tích bình xăng là 6 lít thì cần xấp xỉ 200.000 đồng mới đầy bình; xe Honda SH 150 thì phải chi 252.000 đồng cho mỗi lần đổ đầy bình xăng.
Câu hỏi đặt ra là, hiện quỹ bình ổn xăng dầu của chúng ta đang hoạt động ra sao, và có phải đã “hết phép” nhiệm màu?
Thực tế, từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã có 12 lần tăng và 3 lần giảm giá. Đối với xăng RON 95, cơ quan điều hành đã có 6 lần chi và 9 lần trích quỹ bình ổn, trong đó, mức chi cao nhất là 1.000 đồng/lít vào kỳ điều hành ngày 11/3 và mức trích cao nhất là 650 đồng/lít vào kỳ điều hành ngày 12/4. Những phân tích gần đây cho thấy, trong 12 kỳ tăng giá từ đầu năm đến nay, liên bộ đã phải liên tục ngừng trích và tăng chi sử dụng quỹ để "hãm" đà tăng giá xăng dầu.
Theo số liệu của cơ quan quản lý, trong quý đầu năm nay, số tiền các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trích lập vào quỹ là gần 602 tỷ đồng, tuy nhiên, số tiền quỹ phải chi ra để bình ổn giá xăng dầu trên thị trường lên tới 1.671 tỷ đồng.
Theo quy định, quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng quỹ để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý quỹ theo quy định.
Bản chất của quỹ này chính là một khoản thu trước của người dân trích ra từ giá xăng dầu để cơ quan điều hành sử dụng làm công cụ điều chỉnh giá. Song, thực tế khi giá xăng tăng, quỹ bình ổn phải chi mạnh khiến nhiều doanh nghiệp âm quỹ lớn; còn khi giá giảm, cơ quan điều hành phải trích quỹ, bù đắp cho phần âm quỹ trước dẫn đến mức giảm "nhỏ giọt" như 3 kỳ điều chỉnh vừa qua.
Nếu bỏ thuế, giá xăng còn khoảng 23.000 đồng/lít
Trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” khi giá xăng dầu tăng cao, đã có nhiều tranh luận liên quan. Thậm chí, câu chuyện giá xăng ở Malaysia chỉ khoảng 13.000 đồng/lít cũng được dư luận quan tâm. Theo ông Trần Việt Thái - Đại sứ Việt Nam tại Malaysia nêu trong công văn trả lời Bộ Công thương, giá xăng dầu trên thị trường Malaysia hiện nay được trợ giá nên tương đối ổn định.
Xăng RON 95 tại thị trường này hiện là 2,05 ringgit/ lít; dầu diesel có giá 2,15 ringgit/ lít. Với tỷ giá quy đổi 5.400-5.800 đồng 1 ringgit, thì giá xăng tại Malaysia tương đương 11.000-13.000 đồng/ lít.
Từ câu chuyện này, nhiều người thắc mắc, vậy nếu không phải gánh các loại thuế, phí, thì giá xăng ở Việt Nam là bao nhiêu? Theo Bộ Công thương, nếu không có thuế, phí (hiện chiếm 30-32% trong cơ cấu giá), thì giá xăng của Việt Nam hơn 20.000 đồng/lít.
Đi sâu phân tích, mỗi lít xăng RON95-III có giá bán lẻ hiện hành là 32.370 đồng/lít. Trong đó, giá nhập về đến cảng là 22.389 đồng. Sau đó, giá được cộng thêm bởi thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng 10% (trên giá bán), thuế bảo vệ môi trường với xăng 2.000 đồng, số còn lại là các chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn.
Tính ra, riêng 4 loại thuế nói trên, 1 lít xăng bán ra, người tiêu dùng đã phải trả hơn 9.400 đồng, tương đương hơn 29%. Nếu cộng thêm các chi phí kinh doanh, lợi nhuận và trích lập quỹ, tổng cộng các loại thuế phí đánh vào một lít xăng chiếm hơn 34%.
Đó rõ ràng là một con số không nhỏ. Vì thế, nhiều ý kiến bày tỏ, các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra những quyết sách phù hợp, chẳng hạn bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và tạm ngưng thu thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu, giá xăng từ hơn 32.000 đồng sẽ về khoảng 23.000 đồng/lít.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm góp phần kiềm chế lạm phát tới đây. Theo đó, nếu giảm 50% thuế bảo vệ môi trường còn lại (trước đó, từ ngày 1/4/2022 đã giảm 50%), sẽ giảm thêm từ 1.000 đồng/lít đối với dầu và 2.000 đồng/lít với xăng.
Mặc dù con số này không phải lớn, không chiếm nhiều trong tổng số 34% các loại thuế phí, song nó cũng góp phần giảm đà tăng của giá xăng dầu, giúp người dân, doanh nghiệp đỡ được một phần chi phí.
Nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu
Mới đây, Bộ Tài chính triển khai lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó kiến nghị Chính phủ xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng đã được nhiều chuyên gia kinh tế nêu quan điểm trong thời gian qua, đồng thời trên một số diễn đàn, người dân cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Tuy nhiên, từ phía Bộ Công thương, Thứ trưởng Nguyễn Thắng Hải khẳng định: "Nếu nói bỏ thì đơn giản lắm. Tôi cũng nói nhiều lần, bỏ quỹ này, nhưng vấn đề tác động như thế nào thì phải xem xét".
Theo ông Hải, quỹ bình ổn giá xăng dầu ai cũng được hưởng lợi. Còn nếu bỏ đi thì phải đánh giá xem tác động như nào? Giá tăng sốc khi bỏ quỹ như ngày 13/6, giá xăng tăng sốc 4.000 đồng đến 5.000 đồng/lít thì sẽ ra sao? Phải đánh giá tác động. "Quan trọng khi đưa ra chính sách phải có tính khả thi, tác động lan tỏa và thực sự đến người dân, doanh nghiệp, CPI và nền kinh tế", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu quan điểm.
Trước câu chuyện này, các chuyên gia kinh tế đã bày tỏ những quan điểm trái chiều. PGS.TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế đồng tình với quan điểm rằng nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì tác động của quỹ này không làm giảm giá xăng.
Theo phân tích của vị chuyên gia này, bản chất của quỹ bình ổn giá xăng dầu là nếu làm tốt thì sẽ ổn định giá, bằng cách thu tiền của người dân khi giá thấp cho vào quỹ và khi giá xăng tăng cao thì dùng tiền đó bù lại. Như vậy, người dân không được lợi gì từ quỹ bình ổn, nghĩa là không được bù chi phí, vì đó chính là tiền của họ trích lập trước rồi chi trả sau.
“Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải thể hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nó là làm cho giá xăng ổn định quanh một mức trung bình nào đó, không bị tăng quá sốc hoặc không giảm quá mạnh. Nếu làm tốt sẽ không gây ra cú sốc cho nền kinh tế mỗi khi thị trường có biến động lớn, còn về mặt dài hạn là không làm giảm chi phí xăng dầu cho người tiêu dùng. Vì vậy, việc bỏ hay không bỏ quỹ bình ổn phải dựa trên mục tiêu của quỹ và xem cách thức vận hành tốt không. Theo đánh giá của tôi trong giai đoạn vừa qua, quỹ này chưa thực hiện tốt việc ổn định giá xăng, trong khi điều đó phụ thuộc nhiều vào dự báo giá xăng dầu thế giới. Đồng thời, việc trích quỹ chưa có sự nhịp nhàng, khi giá xăng thấp thì xả quỹ, còn lúc giá xăng dầu lên cao lại trích quỹ”, PGS Phạm Thế Anh nói.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, hiện chưa phải là lúc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi nếu muốn bỏ quỹ này thì cơ quan quản lý phải có một cơ chế khác để điều chỉnh. Theo ông Thịnh, quỹ bình ổn giá xăng chỉ có tác dụng giảm đà tăng sốc của giá xăng dầu. Vấn đề quan trọng là làm sao thực hiện đúng các quy định nhà nước về việc trích lập cũng như xử lý quỹ bình ổn này.
Dự trữ quốc gia, tại sao không?
Liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn nguồn lực xăng dầu cho quốc gia, câu chuyện dự trữ xăng dầu cũng được nêu ra, và một số chuyên gia khẳng định, điều đó có ý nghĩa quan trọng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dẫn chứng, ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, giá xăng dầu lên xuống hàng ngày theo biến động thị trường và nhà nước có kho dự trữ rất lớn, muốn tác động giá sẽ xả các kho này. Còn ở Việt Nam, kho dự trữ xăng dầu quốc gia rất mỏng và vẫn gộp chung với kho dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối.
Trong khi đó, TS Vũ Đình Ánh cũng đã nhiều lần nhấn mạnh đã đến lúc Việt Nam cần đặt ra vấn đề dự trữ chiến lược, dự trữ quốc gia. Để bình ổn thị trường bền vững, góp phần ngăn chặn đứt gãy nguồn cung xăng dầu thì không thể không có dự trữ quốc gia.
“Dự trữ quốc gia về xăng dầu là sự thay đổi chiến lược của ngành năng lượng quan trọng, để làm được cần nguồn lực tài chính rất lớn, phải có hệ thống kho lưu trữ, kỹ thuật bảo quản, xây dựng được cơ chế vận hành, quản lý hệ thống và liên quan đến an ninh quốc phòng… Vì thế, chỉ riêng Bộ Công thương không thể làm được mà phải có chủ trương, chỉ đạo từ Chính phủ để xây dựng một chiến lược bài bản”, TS Vũ Đình Ánh bày tỏ.