Người dân kém 'mặn mà' với vaccine mũi 4: Vì sao?

LÊ ANH 20/06/2022 07:10

Dù Sở Y tế TP HCM kéo dài chiến dịch cao điểm tiêm mũi 4 vaccine Covid-19 đến hết tháng 6/2022, thế nhưng trên thực tế vẫn có rất ít người dân quan tâm đến việc phòng ngừa dịch bệnh so với thời điểm tiêm đại trà mũi 3 trước đó. Vì sao vậy?

Các Đội/tổ tiêm chủng mũi 4 vaccine ngừa Covid-19 của quận Bình Thạnh ưu tiên đến tiêm tận nhà cho người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Nhiều người sinh tâm lý chủ quan

Dù đã được trạm Y tế phường thông báo về chiến dịch tiêm mũi 4 vaccine Covid-19 một tuần nay, thế nhưng anh Nguyễn Văn Hoàng (32 tuổi, chủ quán cà phê Coffee Time, TP Thủ Đức) cho biết, anh và gia đình vẫn chưa có kế hoạch đăng ký tiêm.

Ở khu phố 4, phường Bình Trưng Đông (TP Thủ Đức) vào thời cao điểm từng ghi nhận một số điểm tiêm chủng lên tới hàng trăm lượt người đăng ký mỗi ngày, nhiều người phải đợi nhiều đợt mới có thể được tiêm mũi 3 theo danh sách đăng ký. Thế nhưng, kể từ đầu chiến dịch tiêm đợt 4 có rất ít người dân quan tâm đến đăng ký tiêm.

Ông Nguyễn Xuân Minh (67 tuổi) cùng ở phường Binh Trưng Đông cho biết, nhiều người giờ không còn mặn mà với tiêm mũi 4 như trước. Theo ông, nếu không nghe được thông báo từ xe lưu động tuyên truyền của phường thì ông và gia đình cũng không nắm được chủ trương tiêm mũi 4 vaccine Covid-19 của thành phố.

Có mặt tại điểm tiêm phường 25, quận Bình Thạnh, dù là nơi tổ chức lễ phát động của chiến dịch tiêm chủng mũi 4, thế nhưng chúng tôi ghi nhận số lượt người đăng ký tiêm chủng rất khiêm tốn so với nhu cầu tiêm mũi 3 chỉ cách đây vài tháng. Theo bà Thái Thị Hồng Nga - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, không chỉ riêng điểm tiêm chủng của phường 25 mà quận đã nâng số lượng các điểm tiêm chủng tại cả 20 phường để đảm bảo không bỏ sót nhóm người có nguy cơ cao trên địa bàn.

Kể cả nếu những người dân không đi lại được do sức khoẻ yếu, UBND quận Bình Thạnh cũng chỉ đạo các phường chủ động triển khai các đội tiêm lưu động đến từng nhà, để đạt được mục tiêu tiêm mũi 4 cho những người thuộc nhóm có nguy cơ cao (ưu tiên).

Chia sẻ về đợt tiêm chủng này, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trong cả đợt dịch bệnh Covid-19, thành phố luôn là địa phương được quan tâm ưu tiên về số lượng vaccine Covid-19 cho nhu cầu tiêm chủng của người dân. Thế nhưng, so với đợt cao điểm cao trước đây thì hiện nay nhiều người xuất hiện tâm lý chủ quan do dịch bệnh đã được kiểm soát cơ bản ở thành phố.

“Sau khi dịch ổn định nhiều người có suy nghĩ chủ quan không đi tiêm nhắc lại (mũi 4)” - lãnh đạo Sở Y tế TPHCM thông tin. Cũng vì lý do này, TPHCM đã tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền chiến dịch tiêm mũi 4 để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, đồng thời cũng nhắc nhở người dân về kế hoạch tiêm chủng để bảo vệ sức khoẻ của chính mình và người thân.

Triển khai từ cuối tháng 5 đến nay, TPHCM ghi nhận số lượt người tiêm nhắc lại lần 2 (mũi 4) vaccine phòng Covid-19 rất thấp so với mục tiêu đặt ra. Số liệu thống kê đến ngày 3/6, cả thành phố mới có hơn 5.690 người tiêm mũi 4.

Theo BS Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, sở dĩ dịch Covid-19 được kiểm soát tốt như hiện nay là nhờ hiệu quả của 3 mũi vaccine đã được tiêm ngừa. Tuy nhiên, khi dịch được kiểm soát thì người dân lại có tâm lý chủ quan không còn mặn mà với việc tiêm ngừa Covid-19.

Cũng theo BS Tâm, nhóm tiêm mũi 4 được thành phố ưu tiên là nhóm người từ 50 tuổi trở lên, dự kiến số lượng là 1.873.428 người, kế đến là người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch, cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch, công nhân, người làm việc các khu công nghiệp, khu chế xuất….

Chủ động “mục tiêu kép”

Là người theo dõi thường xuyên chủ trương tiêm chủng vaccine Covid-19 của TPHCM, điều dưỡng Ngô Thị Phượng - Bệnh viện Quân y 175 nhìn nhận, so với điểm của dịch bệnh trước đây thì hiện nay nhu cầu tiêm mũi 4 vaccine Covid-19 của người dân đã giảm mạnh. Tuy nhiên, không chỉ xuất phát từ ý thức chủ quan của đại bộ phận người dân, theo điều dưỡng Phượng còn có cả sự lơ là từ phía từng địa phương.

“Chúng ta ra đường hàng ngày quan sát rất ít người còn đeo khẩu trang để phòng bệnh. Ngoài cơ sở bệnh viện vẫn yêu cầu bắt buộc bệnh nhân và người nhà phải đeo khẩu trang thì tại hầu hết các hoạt động khác như đi lại, mua sắm, cơ sở ăn uống,… không có lực lượng để kiểm tra hoặc nhắc nhở các biện pháp phòng bệnh như trước đây” - bà Phượng cho biết.

Đơn cử trường hợp các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu Công nghệ cao TPHCM (tại TP Thủ Đức), ông Henry Phạm - đại diện Công ty Nidec Sankyo cho biết, đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp này vẫn rất lúng túng trong việc có hay không việc tiếp tục kiểm soát công nhân, người lao động đeo khẩu trang để phòng bệnh Covid-19?

Theo đại diện doanh nghiệp này, hiện nay hầu hết mọi người đã sinh hoạt bình thường và không ít công nhân đã không còn thói quen đeo khẩu trang như trước đây. “Vì vậy chúng tôi rất mong địa phương và cơ quan y tế cho biết về có còn quy định công nhân phải đeo khẩu trang đến nơi làm việc nữa hay không để doanh nghiệp có kế hoạch chủ động trong công tác phối hợp phòng, chống dịch”, ông Henry Phạm nói.

LÊ ANH