Vườn kỷ vật chiến tranh của người cựu chiến binh

XUÂN THI 20/06/2022 14:00

Nép mình bên cánh đồng lúa trải dài ở bờ sông Nhật Lệ là vườn kỷ vật chiến tranh của cựu chiến binh Trần Văn Quận (thôn Quyết Tiến, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Giữa vườn cây, hàng chục vỏ bom, đạn phế liệu các loại đã được người cựu chiến binh kỳ công sắp xếp, trưng bày, diễn tả sinh động… đã lôi cuốn mọi người tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Một góc vườn kỷ vật chiến tranh của cựu chiến binh Trần Văn Quận

Khu vườn đặc biệt

Ngày cuối tuần, vợ chồng anh Nguyễn Thế Anh (ở thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch) cùng các con đến tham quan vườn kỷ vật chiến tranh của cựu chiến binh Trần Văn Quận. Anh Thế Anh cho biết: Qua theo dõi trên mạng xã hội, tôi rất thích khi biết được ở ngay bên bờ Nhật Lệ có một địa điểm trưng bày các hiện vật chiến tranh rất bổ ích. Vì vậy, cả gia đình tôi đã tìm đến “khu vườn đặc biệt” này để nhìn tận mắt, sờ tận tay những vỏ bom, vỏ đạn cối… qua đó giúp các con tìm hiểu thêm về lịch sử, về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc qua các cuộc chiến tranh.

Đến tham quan vườn kỷ vật chiến tranh, chị Nguyễn Thị Hiệp (vợ anh Thế Anh) chia sẻ: “Tôi thấy đây là một công trình tâm huyết của cựu chiến binh Trần Văn Quận. Vườn được bố trí rất khéo léo, hài hòa giữa kỷ vật chiến tranh và quang cảnh thiên nhiên. Nếu như ở các bảo tàng, các hiện vật chiến tranh thường được trưng bày đơn giản nhưng ở đây qua bàn tay khéo léo của người cựu chiến binh, những vỏ bom, đạn… được tái hiện rất sinh động và hữu ích. Bên cạnh đó, khi tới vườn kỷ vật chiến tranh, mọi người không chỉ được tham quan miễn phí mà còn được ông chủ vườn nhiệt tình thuyết minh, giới thiệu rõ các kỷ vật vô giá nên chúng tôi rất thích và hiểu rõ hơn về các kỷ vật chiến tranh”.

Không chỉ riêng vợ chồng anh Thế Anh mà nhiều người khi đến tham quan vườn kỷ vật chiến tranh của cựu chiến binh Trần Văn Quận đều trầm trồ khen ngợi tính kiên trì, chịu khó và sáng tạo trong cách sắp xếp, bố trí, tôn tạo các hiện vật.

Ngay lối đi trước sân, ông Quận đã bố trí những vỏ bom lớn thành hàng dài để có thể làm thành trụ sàn che mát. Buổi tối, vỏ của những quả bom này được chiếu sáng bằng hệ thống đèn led tạo nên không gian thân thiện. Ở lối vào vườn kỷ vật chiến tranh, người cựu chiến binh này trưng bày những chậu hoa cảnh được trồng trong thân những quả bom và đặt chúng ngay ngắn trên đuôi các quả bom xếp lại. Càng lôi cuốn, thích thú hơn khi ông Quận đã sử dụng những vỏ bom để làm chậu nuôi cá cảnh.

Giải thích về điều thú vị này, bà Hà Thị Hiên (vợ ông Quận) cho biết: Những ngày đầu khi chồng tôi ôm về một mớ vỏ bom, vỏ đạn phế liệu là tôi can ngăn ngay. Nhưng rồi từ những lời giải thích, tỉ tê “mưa dầm thấm lâu” của ông ấy, dần dần tôi hiểu ra, nghe theo. Nhưng tôi cũng đưa ra yêu cầu “ông làm gì thì làm nhưng phải chừa chỗ đất để tôi còn trồng rau, trồng màu”.

Như để chứng minh lời bà Hiên, ở vườn kỷ vật chiến tranh, ông Trần Văn Quận đã mày mò sáng tạo nên những “tác phẩm nghệ thuật hiện thực” khi gắn chốt ở đầu những quả bom tạo độ nghiêng, xoay vòng mô phỏng cảnh thực tế khi giặc ném bom trong chiến tranh... ngay trên những luống rau, luống hoa khiến người đến xem ai cũng ngạc nhiên về sáng tạo đầy thẩm mỹ của ông Quận.

Cựu chiến binh Trần Văn Quận giới thiệu các kỷ vật chiến tranh cho người xem.

“Có đam mê thì mới làm được”

Cựu chiến binh Trần Văn Quận chia sẻ, tôi rất mê lịch sử nên qua sách báo, tôi đọc được thư khen của Bác Hồ nhân dịp quân và dân Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 của đế quốc Mỹ vào ngày 14/7/1965. Đọc thư của Bác nên tôi suy nghĩ “mình là người lính thì phải biết gìn giữ kỷ vật chiến tranh” và càng trăn trở trước thực tế các thiết bị, kỷ vật thời chiến dần dần mai một theo thời gian. Đặc biệt, từ sự kiện năm 1972, khi ngôi nhà của gia đình bị trúng bom, người bị thương, người bị mất nên từ lâu trong thâm tâm tôi ao ước lập một vườn kỷ vật chiến tranh.

Niềm ao ước đó dần dần trở thành hiện thực, kể từ năm 2018 đến nay, từ số tiền tiết kiệm được, ông Quận đã đi dọc đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn từ Nghệ An vào tới Phú Yên, đến các điểm thu mua phế liệu để mua các thiết bị, phương tiện, vỏ bom, đạn vô hại còn sót lại sau chiến tranh. Đó là những quả bom, hòn đạn không còn tính chất cháy nổ, không còn khả năng gây sát thương thì mới được ông Quận mang về.

Sau mỗi chuyến đi dài ngày, lúc trở về nhà, ông Quận mang theo nào là vỏ bom, đạn nặng trịch, nào là những chiếc ăng gô, mũ cối, bi đông đựng nước, có khi là đèn măng xông, cái phích nước được làm từ mảnh nhôm máy bay… Từ các nguồn sưu tập khác nhau có thể mua ở quầy phế liệu, có thể từ đồng đội trao tặng, người mến mộ hỗ trợ, đến nay, vườn kỷ vật chiến tranh của ông Quận khá đa dạng các bộ sưu tập về vỏ bom, đạn và nhiều món đồ giá trị khác. Không chỉ tự sưu tầm, người cựu chiến binh này còn tự mình lắp đặt, tôn tạo các hiện vật tại vườn kỷ vật chiến tranh.

Mặc cho cái nắng tháng 6 gay gắt, vợ chồng ông Quận vẫn mải mê trộn bê tông làm trụ đỡ để lắp đặt những quả bom vừa mới sưu tầm được. Không ngừng nghỉ tay, ông Quận mở máy gò hàn làm mới lại cái đuôi của những quả bom bị bẹp dí, cong queo… Những vỏ bom, đạn vô hại từ quầy phế liệu, qua bàn tay đục đẽo, gò hàn, chải chuốt của người cựu chiến binh đã trở thành những kỷ vật chiến tranh mang nhiều ý nghĩa.

Nghỉ tay khi lưng áo đầm đìa mồ hôi, ông Quận chia sẻ, nếu không đam mê thì không thể làm được công việc nặng nhọc, cơ cực này. Tôi muốn tự đôi tay mình xây dựng nên vườn kỷ vật chiến tranh với ý tưởng tái hiện lại cảnh người dân Quảng Bình “chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi” trong chiến tranh để mọi người, nhất là thế hệ trẻ khi đến tham quan được chiêm ngưỡng, được chạm tay vào những kỷ vật chiến tranh, để kết nối với lịch sử.

XUÂN THI