Thủ tướng Hun Sen cảm ơn Việt Nam về công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc
Ngày 20/6, tại ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm lần thứ 45 “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen (20/6/1977 - 20/6/2022).
Dự lễ kỷ niệm còn có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Tháp tùng Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen có 6 Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, tướng lĩnh quân đội, lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương liên quan và Đại sứ Campuchia tại Việt Nam.
Tại Miếu thờ Cây Độc lập - điểm đầu tiên khi Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đặt chân lên lãnh thổ Việt Nam 45 năm trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen thắp hương để tưởng nhớ hành trình đưa nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.
Sau đó, Thủ tướng hai nước đã trồng cây lưu niệm và cùng tiến về tấm bia đá của cụm công trình X16 - nơi ghi dấu hành trình 45 năm tìm đường cứu nước lịch sử của Thủ tướng Hun Sen và cũng là dấu mốc thể hiện tình cảm hữu nghị cao quý của hai dân tộc.
Cũng ngay tại bia đá lưu niệm này, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã có những phút trò chuyện thân mật cùng nhân dân Việt Nam - những người bạn chí tình đã giúp đỡ và đưa ông đến gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Hai Thủ tướng đã cùng trồng cây lưu niệm tại địa danh lịch sử X16, là một trong các địa danh như Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen từng nói "là đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình và góp phần thay đổi đất nước Campuchia sau này".
Nói chuyện với nhân dân địa phương tỉnh Bình Phước, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen ôn lại một số kỷ niệm không thể quên về khởi đầu gian nan của hành trình cứu nước; nhấn mạnh ý nghĩa của tình đoàn kết, hữu nghị gắn bó giữa nhân dân hai nước; đồng thời cảm ơn sự giúp đỡ của quân đội và nhân dân Việt Nam đối với ông và nhân dân Campuchia trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại tự do, hòa bình và hồi sinh đất nước Chùa Tháp.
Thủ tướng Campuchia cho biết, ở thời điểm đó, nếu không có sự giúp đỡ của phía Việt Nam thì ông có thể đã mất tính mạng và chưa biết tương lai của đất nước Campuchia sẽ như thế nào.
Ông nhắc lại việc đặt chân lên đất Việt Nam lúc 2h sáng và tới chiều tối ngày 21/6, ông lần đầu tiên được ăn bữa cơm sau hơn 1 năm - một bữa ăn mà ông coi là "vô giá", một bữa ăn "bằng hàng ngàn, hàng vạn tấn gạo ngày nay".
Theo Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen, 45 năm qua, quan hệ giữa hai nước đã ngày càng phát triển.
"Xin gửi lời cảm ơn tới những người dân Việt Nam có mặt tại đây, tới những người không có mặt hôm nay và tới cả linh hồn những người đã hy sinh để cứu giúp tôi và giúp đỡ người dân Campuchia. Chúng ta quen biết nhau, giúp đỡ nhau từ lúc khó khăn, khi đó đã biết ai là bạn tốt", Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen xúc động chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Lễ kỷ niệm ngày 20/6/1977 có ý nghĩa hết sức quan trọng kỷ niệm 45 năm bắt đầu hành trình đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen, đưa đất nước Campuchia hồi sinh, thể hiện sự hợp tác và đoàn kết đặc biệt giữa hai nước, lại càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra trong bối cảnh hai nước sắp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967 - 24/6/2022) và Campuchia vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng xã phường khóa V ngày 5/6/2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam đã chia sẻ khó khăn, hết lòng giúp đỡ để xây dựng lực lượng cho cách mạng Campuchia; đồng thời hỗ trợ và phối hợp với lực lượng nổi dậy Campuchia đấu tranh chống lại Tập đoàn phản động Pol Pot.
Đáp lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, sau khi thực hiện quyền tự vệ chính đáng, chặn đứng hành động gây chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây Nam Việt Nam của Tập đoàn phản động Pol Pot; Việt Nam đã giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc khỏi nạn diệt chủng, khôi phục, xây dựng lại đất nước.
Đến năm 1989, theo thỏa thuận giữa hai Nhà nước, Việt Nam rút hết quân tình nguyện về trong niềm tự hào, vinh quang, với những tình cảm lưu luyến, thắm thiết nghĩa tình của nhân dân Campuchia anh em, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả, vẻ vang, trong sáng, hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế.