Kiến nghị hai phương án phân cấp nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án cao tốc trọng điểm
Nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án cao tốc trọng điểm nằm trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, hai phương án phân cấp được kiến nghị lên Chính Phủ. Theo đó, việc phân cấp sẽ được thực hiện trong các năm 2022 và 2023.
Theo nguồn tin của Đại Đoàn Kết Online, Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phân cấp cơ quan chủ quản thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, tại Tờ trình, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho hay, sau khi tổng hợp ý kiến và báo cáo về năng lực, kinh nghiệm hiện 11/14 địa phương liên quan tự đánh giá Ban Quản lý Dự án thuộc địa phương mình có đủ năng lực kinh nghiệm để tổ chức thực hiện các dự án thành phần.
Song, dự án thành phần khi được phân cấp, nếu đồng ý nhận làm cơ quan chủ quản sẽ phải cam kết đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Bên cạnh đó, vẫn còn 3/14 địa phương như: Đắk Lắk, An Giang, Hậu Giang tự đánh giá Ban Quản lý Dự án chưa đủ năng lực, kinh nghiệm nhưng vẫn thống nhất làm cơ quan chủ quản.
Trong trường hợp được giao vẫn sẽ cam kết kiện toàn nhân sự, đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý, thực hiện dự án thành phần phân đoạn đi qua địa phận tỉnh hoặc lựa chọn tư vấn Quản lý Dự án để triển khai đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và các quy định hiện hành.
Theo đó, Bộ Kế hoạch – Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hai phương án phân cấp thực hiện các dự án giao thông.
Theo phương án 1, quyết định phân cấp cho 14 UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản của 14/16 dự án/dự án thành phần; 2/16 dự án thành phần còn lại do Bộ GTVT.
Cụ thể: phương án 1, Bộ GTVT sẽ làm cơ quan chủ quản 2 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 2 (Km32+000-Km69+500) cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và dự án thành phần 2 (Km16-Km34+200) cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Phương án 2, quyết định phân cấp cho 11 UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản của 11/16 dự án; 5/16 dự án thành phần còn lại do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản.
Theo phương án 2, Bộ GTVT sẽ làm cơ quan chủ quản 5 dự án thành phần, gồm: dự án thành phần 2 từ (Km32+000 - Km69+500) cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km57+200) và dự án thành phần 3 (Km94+400-Km 131+300) cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Dự án thành phần 2 (Km32+000-Km69+500) và dự án thành phần 3 (Km69+500-Km117+500) cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Theo đó, để đảm bảo hiệu quả của việc phân cấp, Bộ Kế hoạch – Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT hướng dẫn quy trình triển khai dự án; hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tăng cường năng lực chuyên môn (kinh nghiệm chung của tổ chức, kinh nghiệm riêng của cá nhân và chứng chỉ cần thiết...) cho các địa phương.
Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, trong vòng 5 năm (2021 - 2025), Chính phủ sẽ phải hoàn thành trên 2.000 km (gấp gần 2 lần so với giai đoạn trước) với tổng mức đầu tư khoảng 605.667 tỷ đồng.
Mặt khác, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT được giao nhiệm vụ đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông vận tải với số vốn đầu tư công rất lớn, khoảng 304.000 tỷ đồng.
Chương trình phục hồi phát triển Kinh tế - Xã hội dự kiến bố trí thêm khoảng 87.430 tỷ đồng, tạo ra áp lực lớn về quản lý, tổ chức thực hiện với Bộ GTVT trong 4 năm tới.
Vì vậy, nếu không có các giải pháp điều hành giảm tải, Bộ GTVT sẽ vượt quá năng lực hiện có, ảnh hưởng đến tiến độ chung và không đảm bảo mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển Kinh tế - Xã hội theo tinh thần của Nghị quyết số 43/2022/QH15.