Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cán bộ Mặt trận, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ TP HCM

THÀNH LUÂN - ĐOÀN XÁ 21/06/2022 15:05

Chiều 21/6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM tiếp xúc cử tri là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, các vị nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào, dân tộc, giới văn nghệ sĩ tại TP HCM để tiếp tục lắng nghe ý kiến cử tri sau kỳ họp thứ ba, QH khoá XV nhiệm kỳ 2021-2025

Dự buổi tiếp xúc còn có ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM; ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM; bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM; bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP HCM và đại diện 200 nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào, dân tộc, giới văn nghệ sĩ tại TP HCM.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp xúc cử tri TP HCM vào chiều 21/6. (Ảnh: Đoàn Xá).

Thông tin kết quả kỳ họp Quốc hội vừa qua, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho biết, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã xem xét một khối lượng công việc rất lớn không chỉ riêng năm 2022 mà cho cả giai đoạn đến 2025 và những năm tiếp theo.

Trong đó, Quốc hội thông qua các nội dung quan trọng liên quan đến Luật Điện ảnh; Luật Kinh doanh Bảo hiểm; Luật Thi đua Khen thưởng; Luật Sở hữu Trí tuệ (sửa đổi, bổ sung); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra Quốc hội cũng cho ý kiến về 6 Dự án Luật.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi sức khỏe và trao đổi với đại diện cử tri là chức sắc Phật giáo tại buổi tiếp xúc cử tri (Ảnh: Thành Luân).

Chủ tịch nước đã bày tỏ sự quan tâm và rất mong muốn được lắng nghe ý kiến tâm huyết của đại biểu là các vị nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào, dân tộc, giới văn nghệ sĩ...Theo Chủ tịch nước, đây là dịp để Đoàn ĐBQH TP HCM lắng nghe và ghi nhận thêm những ý kiến chuyên sâu, đầy tâm huyết của các nhân sĩ, trí thức, là những người có uy tín và trình độ kiến thức cao trong xã hội.

Chia sẻ tâm tư với Chủ tịch nước, có hơn 20 ý kiến đại diện nhân sĩ, trí thức, giới văn nghệ sĩ và đại diện các chức sắc tham gia ý kiến về nhiều vấn đề, lĩnh vực kinh tế - xã hội bức xúc của TP HCM và cả nước. Phát biểu tại đây, Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân Trần Đông A, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đã góp ý về nhiều vấn đề thời sự trong lĩnh vực khoa học công nghệ ứng dụng trong ngành y tế. "Đại dịch Covid-19 vừa qua đã để lại rất nhiều bài học cho chúng ta. Dịch bệnh cũng giúp ngành y tế Việt Nam nhận thấy được nhu cầu hết sức cấp thiết là cần phải đầu tư bài bản cho toàn ngành, nhất là y tế cơ sở".

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với đại biểu bên lề buổi tiếp xúc cử tri vào chiều 21/6. (Ảnh: Hồng Phúc).

Bởi vì theo GS Trần Đông A thì hiện nay y tế cơ sở vừa thiếu vừa yếu, đã khiến ngành y tế dù đã rất nỗ lực, quyết tâm cao để hạn chế thiệt hại thấp nhất trong đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư, nhưng nhiều khó khăn, bất cập cũng đã vấp phải, cần rút kinh nghiệm.

Các vấn đề về y tế cơ sở cũng thu hút sự quan tâm của nhiều cử tri tại buổi tiếp xúc và tại buổi tiếp xúc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với cử tri quận 1, TP HCM vào sáng cùng ngày (21/6). Tại đây, một trong những vấn đề cử tri TP HCM đang đặc biệt quan tâm, kiến nghị là sự "phình to" đô thị khiến cơ chế hiện nay đối với TP HCM không còn phù hợp. Chính vì vậy, cử tri Trần Bá Hà (phường Bến Nghé, quận 1) cho biết, có tình trạng cán bộ, công chức, viên chức và cả các cán bộ y tế cơ sở đã xin nghỉ việc vì nhiều lý do, phần đông là do áp lực quá lớn với khối lượng công việc hiện nay, trong khi thu nhập của đội ngũ này còn rất thấp.

Trong khi đó, cử tri Phạm Quang Lâm (phường Đa Kao, quận 1) nói về các sai phạm trong vụ công ty Việt Á và sai phạm của các cán bộ, lãnh đạo trong ngành y tế đã khiến giảm đi niềm tin, nhiệt huyết của đội ngũ y bác sĩ, cũng như giảm sút lòng tin của người dân, cử tri. Cử tri này muốn Đảng, Nhà nước, các địa phương cần sớm có biện pháp cụ thể, nghiêm minh, quyết liệt để ổn định bộ máy của ngành y tế, lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Thông tin các vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của TP HCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, vấn đề y tế cơ sở nói chung và giữ chân nhân lực ngành y tế đã được thành phố bàn rất sâu tại kỳ họp HĐND TP HCM vừa qua. Tại đây, HĐND TPHCM đã thông qua một số chính sách tăng thu nhập, tuyển thêm người cho trạm y tế nhằm giúp cán bộ y tế cơ sở ổn định cuộc sống.

Từ các cơ sở đó, hiện nay UBND TP HCM đang đánh giá để triển khai các biện pháp giải quyết những khó khăn của y tế cơ sở như cử tri phản ánh và có mô hình phát triển lâu dài đối với ngành này.

Về lâu dài, để tháo gỡ cho những vấn đề về cơ chế hiện nay, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP đang nghiên cứu đề xuất Quốc hội có nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Nếu thuận lợi, cuối năm 2022, TP HCM sẽ hoàn tất để báo cáo trung ương và trình Quốc hội về tổng kết Nghị quyết 54 và xin thông qua Nghị quyết thay thế để phù hợp hơn với tình hình thực tế của thành phố.

Chia sẻ với băn khoăn của các cử tri quận 1, TP HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong cả nhiệm kỳ này Chủ tịch nước đã dành phần lớn thời gian để lắng nghe được nhiều ý kiến của cử tri các địa phương, chứ không riêng tại đơn vị ĐBQH ở Hóc Môn và Củ Chi (TP HCM).

Về các vấn đề cử tri quan tâm, Chủ tịch nước cũng đã đề nghị UBND TP HCM tiếp tục có chương trình cụ thể để củng cố hệ thống y tế cơ sở, có chính sách chăm lo các cán bộ y tế cơ sở, chăm lo tốt hơn cho y tế cơ sở và đội ngũ y bác sĩ, các hộ nghèo, gia đình chính sách trong bối cảnh giá cả gia tăng, kinh tế - xã hội khó khăn.

THÀNH LUÂN - ĐOÀN XÁ