Bắt được cá nước ngọt lớn nhất thế giới ở Campuchia
Các nhà khoa học Campuchia và Mỹ xác nhận ngư dân Campuchia vừa bắt được con cá nước ngọt lớn nhất thế giới trên sông Mê Kông.
Ngư dân Moul Thun, 42 tuổi, bắt được con cá đuối gai độc khổng lồ dài gần 4 m, nặng khoảng 300 kg, chiều dài từ đầu vây bên này sang đầu vây bên kia là 2,2 m vào tối 13/6 gần hòn đảo xa trên sông Mê Kông ở vùng Stung Treng, theo tuyên bố của Wonders of the Mekong (dự án nghiên cứu hợp tác Campuchia - Mỹ), ngày 20/6.
Sau khi bắt được con cá đuối lớn chưa từng thấy, ông Moul Thun đã báo cho nhóm các nhà khoa học của Wonders of the Mekong - những người đã công bố rộng rãi công việc bảo tồn tự nhiên của mình trong các cộng đồng dọc bờ sông
Cư dân địa phương đặt biệt danh cho cá đuối gai độc là "Boramy" (có nghĩa "trăng tròn" trong tiếng Khmer vì hình dạng giống củ hành) đã được thả trở lại sông sau khi được gắn thẻ điện tử để cho phép các nhà khoa học theo dõi chuyển động và hành vi của nó.
Các nhà khoa học đã đến vài giờ sau khi nhận được một cuộc gọi lúc nửa đêm, và họ rất ngạc nhiên về những gì trước mắt. “Đúng vậy, khi bạn nhìn thấy một con cá có kích thước như thế này, đặc biệt ở nước ngọt, là điều rất khó tin. Vì thế cả đội ngũ của chúng tôi đều kinh ngạc", ông Zeb Hogan, cũng là trưởng nhóm dự án "Những kỳ quan sông Mekong", nói.
Con cá đuối gai nói trên đã phá kỷ lục thiết lập bởi một con cá da trơn khổng lồ nặng 293 kg được đánh bắt ở thượng nguồn ở miền bắc Thái Lan vào năm 2005. Theo các nhà khoa học đến từ Campuchia và Mỹ, "Boramy" là con cá nước ngọt lớn nhất thế giới từng được ghi nhận.
Theo Hãng tin AP, cá nước ngọt được định nghĩa là những loài cá sống cả đời trong nước ngọt, trái ngược với các loài sinh vật biển khổng lồ như cá ngừ vây xanh và cá marlin hoặc cá di cư giữa nước ngọt và nước mặn như cá tầm beluga khổng lồ.
Theo chuyên gia Hogan, việc bắt được con cá đuối khổng lồ không chỉ thiết lập một kỷ lục mới. Ông Hogan nhấn mạnh: "Việc cá vẫn có thể đạt được khối lượng lớn như thế này là một dấu hiệu đầy hy vọng cho sông Mê Kông". Ông cũng lưu ý tuyến đường thủy này phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường.
Sông Mê Kông chảy qua các nước bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Con sông là ngôi nhà của một số loài cá nước ngọt khổng lồ nhưng áp lực môi trường đang gia tăng. Nhiều nhà khoa học lo ngại kế hoạch xây dựng đập thủy điện lớn trong những năm gần đây có thể phá vỡ nghiêm trọng bãi đẻ trứng của các sinh vật.
Ông Hogan cho biết: "Cá lớn trên toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Chúng là những loài có giá trị cao và mất nhiều thời gian để sinh trưởng. Do đó nếu bị đánh bắt trước khi trưởng thành, chúng sẽ không có cơ hội sinh sản".
Theo các nhà nghiên cứu, đây là con cá đuối khổng lồ thứ tư được ghi nhận ở cùng khu vực trong hai tháng qua, tất cả đều là con cái. Họ cho rằng đây có thể là điểm nóng sinh sản của loài này. Báo Khmer Times đưa tin vào đầu tháng 5, ngư dân tỉnh Stung Treng cũng bắt được con cá đuối nước ngọt khổng lồ nặng 180 kg.
Cá đuối nước ngọt khổng lồ là một trong những loài cá hiếm, kích thước lớn nhất tại Đông Nam Á. Nếu trúng mồi câu của ngư dân, loài cá này có thể chống trả rất quyết liệt, mất nhiều giờ để kéo được nó lên thuyền. Dù không phải là loài cá hung dữ nhưng phần gai đuôi cá đuối có thể dễ dàng xuyên qua cả xương, truyền độc tố vào vết thương.