Từ ngày 20/6, các biển cảnh báo cầu Long Biên yếu, đang sửa chữa bắt đầu dược đặt trên hai đầu đầu phía quận Long Biên và quận Hoàn Kiếm. Các tấm nhựa chắn đường cũng được tận dụng để tránh trường hợp những tài xế vô ý thức, bất chấp cảnh báo vẫn di chuyển lên cầu. Đợt tu sửa mới đât nhất vào cuối năm 2021, một số thanh mối nối đã được hàn lại cùng với quét lên một lớp sơn cho các thanh lan can rỉ sét lâu ngày. Tuy nhiên vẫn còn những mối nối trên thành cầu chưa được hàn gắn kịp thời. Bà Nguyễn Thị Sáu (người dân tại Ngọc Thụy, Long Biên) cho biết: "Ngày trước tôi còn dám đi bộ trên cầu, nhưng bây giờ mỗi khi có một đợt xe lớn đi qua, cầu rung lắc nhiều hơn và các thanh bê tông ở hai bên lối đi bị kênh, hở những lỗ to rất nguy hiểm". Trên mặt cầu, có nhiều đoạn vá chằng chịt. Có những chỗ lõm, nứt, người dân phải căng sức ra bẻ lái né đi. Theo lý giải từ Cục Đường sắt Việt Nam, lượng phương tiện lưu thông trên cầu lớn, trong khi đó phần đường bộ xuống cấp quá nhanh. Kinh phí duy trì hạn hẹp dẫn đến việc chỉ còn những giải pháp tạm thời để đợi sửa chữa. Hiện nay, một số ít người thợ vẫn đang làm nhiệm vụ kiểm tra và gia cố phần đường sắt trên cầu Long Biên. Biển cảnh báo cùng các rào chắn đang trở thành một biện pháp tình thế trong quá trình kiểm tra sơ bộ, đánh dấu những vị trí có nguy cơ xung yếu. Đồng thời, các tấm thép cũng được chuẩn bị để kê tạm thời lên những đoạn hở, cập kênh giữa tấm đan trên lối đi bộ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông. Theo quan sát của phóng viên trong những ngày đầu lắp biển và rào chắn, lượng phương tiện xe thồ, xe ba gác, xe máy chở nặng đã lập tức phải quay đầu và đi lối khác.
Đức Huy