Đừng bắt người bệnh phải 'trả giá'

Hà Trọng Nghĩa 22/06/2022 08:47

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế có các giải pháp đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19; tháo gỡ khó khăn, không để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Như vậy, Chính phủ đã xác định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế về vấn đề này.

Tính đến ngày 17/6/2022, Việt Nam đã tiêm được hơn 225,2 triệu liều vaccine phòng Covid-19 (tỷ lệ sử dụng đạt 98,6%). Trong đó, nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm các mũi 1,2,3,4 tương ứng là 100%, 100%, 64,5% và 11,5%. Trong tháng 5/2022, cả nước triển khai được khoảng 3 triệu liều mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Đáng chú ý, nếu tiến độ tiêm mũi 3 trong tháng 6/2022 chỉ đạt khoảng 3 triệu liều như trong tháng 5/2022 thì đến hết quý II/2022 dự báo chỉ đạt khoảng gần 70%. Riêng đối với nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi, tiến độ triển khai tiêm rất chậm, có khả năng không sử dụng hết số vaccine đã tiếp nhận.

Qua 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát suốt hơn 2 năm, mọi người đã cùng thừa nhận vai trò “lá chắn bảo vệ” của vaccine, và ngược lại, nếu chậm hoặc không tiêm sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng tai hại.

Thế nhưng, khi dịch Covid-19 về cơ bản được kiểm soát, các biện pháp phòng, chống được nới lỏng thì đã xuất hiện tâm lý quan. Thậm chí, gần đây với việc tiêm mũi 4, truyền thông còn nêu vấn đề: Khi Covid-19 đã được kiểm soát thì có cần tiêm nữa không? Kiểu thông tin nghi vấn này là cảm tính, thiếu trách nhiệm, không có căn cứ khoa học. Vì rằng, không chỉ các chuyên gia y tế Việt Nam, mà cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới đều khẳng định tiêm mũi 4 là cần thiết.

Nhìn ra thế giới, các quốc gia Âu - Mỹ, hay là Nhật Bản, Hàn Quốc - những quốc gia có nền y học tiên tiến, có hệ thống y tế hiện đại thì họ vẫn tiếp tục đề cao vai trò của vaccine như một “lá chắn thép” bảo vệ sức khỏe con người, kể cả khi đại dịch Covid-19 đã dần trở thành bệnh cúm thông thường.

Vậy thì, với Việt Nam, bài học đau xót hơn 40 nghìn người thiệt mạng vì dịch Covid-19 càng nhắc nhở chúng ta không một giây phút nào được chủ quan. Việc chậm tiêm mũi 4 có phần tâm lý người dân, nhưng cũng có phần trách nhiệm của ngành y tế và chính quyền các địa phương. Thật khó hiểu khi một số tỉnh, thành đã đề nghị trả lại (hoặc chuyển), không tiếp nhận vaccine ngừa Covid-19.

Về thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế, gần đây không chỉ các cơ sở y tế mà cả người dân cũng cho biết đang rất thiếu. Đây phải coi là vấn đề nghiêm trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Thật đáng lo ngại khi không phải do thiếu tiền mua sắm mà do ngại, sợ sai nên không dám tổ chức đấu thầu mua sắm. Nếu như vậy, chỉ để “an toàn” cho mình, các cơ sở y tế đã chối bỏ trách nhiệm cao cả là trị bệnh cứu người.

Và còn đáng trách hơn, trong khi bệnh viện thiếu thuốc thì các nhà thuốc bên ngoài vẫn rất nhiều. Điều đó có nghĩa là người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế không được sử dụng đầy đủ, người bệnh phải “trả giá” theo đúng nghĩa đen của từ này nếu muốn có thuốc điều trị. Người bệnh bị đẩy ra khỏi hệ thống phúc lợi xã hội, kể cả quyền lợi chính đáng họ phải được hưởng từ bảo hiểm y tế; phải bỏ tiền túi ra mua thuốc bên ngoài với giá cao để chống chọi với bệnh tật.

Có ý kiến cho rằng, đó là cách y tế đang “gây sức ép”. Không, không thể như vậy! Ngành Y, các thầy thuốc luôn được xã hội tôn vinh. Những sai phạm trong ngành Y thời gian qua bị xử lý là đúng quy định của pháp luật. Đó là lẽ công bằng. Nếu đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế công khai, minh bạch, không bắt tay nhau để trục lợi, thì làm sao phải vướng vòng lao lý. Một số đối tượng vi phạm pháp luật bị xử lý không thể là lý do làm tê liệt hoạt động của cả một ngành.

Vì thế, việc Chính phủ nêu rõ Bộ Y tế phải có giải pháp đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19; không để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế là điều rất cần thiết. Vấn đề còn lại là hành động của lãnh đạo Bộ Y tế ra sao mà thôi.

Hà Trọng Nghĩa