Khơi thông 'dòng chảy' hạt gạo Việt Nam

TUỆ YÊN - TOÀN CẢNH 22/06/2022 19:38

Tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ, chủ động liên kết, chia sẻ kinh nghiệm để hạt gạo Việt Nam được nâng tầm, nâng giá trị trên thương trường.

Ngày 22/6, tại TP Cần Thơ, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ phối hợp với Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức hội thảo “Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam”.

Tại đây, các diễn giả cùng nhau trao đổi, thảo luận, nhận diện những điểm nghẽn, đồng thời tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ, chủ động liên kết, chia sẻ kinh nghiệm để hạt gạo Việt Nam được nâng tầm, nâng giá trị trên thương trường quốc tế; người nông dân an tâm với đồng ruộng, ngành lúa gạo phát triển theo hướng bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành lúa gạo Việt Nam thời gian tới.

Quang cảnh hội thảo.

Ông Trần Duy Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn cho biết: Việt Nam được biết đến là cường quốc xuất khẩu gạo với sản lượng xuất khẩu khoảng 6,3 triệu tấn gạo/năm. Gạo Việt Nam đã có mặt tại trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tính cạnh tranh của thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa cao và việc chen chân vào thị trường cao cấp để bán với giá cao cũng chưa được thuận lợi.

Theo ông Phương, hạt gạo Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chủ nghĩa bảo hộ lương thực và lạm phát gia tăng trên khắp các nền kinh tế, đặc biệt cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến cho giá cả nhiều loại hàng hóa, trong đó, giá xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu...tăng cao chưa từng có.

Ông Trần Duy Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn phát biểu tại hội thảo.

Trong bối cảnh đó, người nông dân vẫn phải bám đồng ruộng để làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và duy trì sản lượng gạo xuất khẩu. Trong 5 tháng đầu năm, hạt gạo Việt Nam không chỉ đủ nuôi 100 triệu dân mà còn xuất đi 3 triệu tấn, mang về 1,4 tỷ USD.

Ông Phương cho rằng, để Việt Nam giữ ngôi vị xuất khẩu gạo hàng đầu, chất lượng hạt gạo cao, giá gạo cạnh tranh, mang lại lợi ích cao hơn cho quốc gia và cao hơn cho doanh nghiệp, cho người nông dân, vấn đề đặt ra cho ngành lúa gạo chính là cần khơi thông được những “điểm nghẽn” như: Giống lúa, an toàn thực phẩm, logistics, chi phí vật tư sản xuất đầu vào và công nghệ, vốn cho sản xuất và xuất khẩu...

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ Trần Thái Nghiêm thông tin: TP Cần Thơ với 77 ngàn ha đất canh tác lúa, hệ số vòng quay đất khoảng 2,8 với diện tích gieo trồng trên 220 ngàn ha hàng năm và sản lượng lúa đạt trên 1,3 triệu tấn. Một số vùng sản xuất tiên tiến, điều kiện thuận lợi trên 55 ngàn ha…

“Hiện nay, thành phố đang phát triển xây dựng mô hình tiên tiến để phát triển nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng phụ phẩm lúa gạo góp phần tăng dinh dưỡng cho đất, tăng thêm thu nhập cho người trồng lúa. Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn được khuyến cáo. Mô hình Cánh đồng lớn được mở rộng cùng với thực hiện mô hình liên kết góp phần hạn chế rủi ro cho người trồng lúa. Đồng thời, sản xuất lúa chất lượng cao để xuất khẩu chuyển đổi vùng sản xuất bất lợi trên địa bàn và nghiên cứu ứng dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn như lúa - màu, lúa - thủy sản nhằm tăng nguồn thu nhập cho người trồng lúa” - ông Nghiêm cho biết.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ Trần Thái Nghiêm phát biểu tại hội thảo.

Chia sẻ thông tin tổng quan về thay đổi của ngành lúa gạo Việt Nam trong thời gian qua và dự báo về triển vọng xuất khẩu trong thời gian tới, ông Phạm Quang Diệu, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo nhận định: Gạo là ngành kinh doanh rất biến động nên các lĩnh vực khác như logistics tài chính càng hiểu gạo sẽ càng giúp ngành gạo kinh doanh tốt.

Ông Diệu cũng cho rằng, bên cạnh những dấu hiệu tích cực, ngành lúa gạo đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào tăng cao, lạm phát trên diện rộng, khủng hoảng năng lượng, chiến sự giữa Nga và Ukraine, năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu…

“Theo đó, thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh với lúa, mì, ngô… thị trường vật tư phân bón tăng mạnh. Tuy nhiên, thị trường lúa gạo chưa chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vì nguồn cung dồi dào” - ông Diệu nhấn mạnh.

Nói về thực trạng ngành lúa gạo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản cho biết: Để phát triển nông nghiệp nông thôn, Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược quan trọng, ngay từ đầu năm 2022 Chính phủ cũng đã đề ra những chiến lược đột phá cho ngành nông nghiệp, trong đó gạo cũng được xác định là ngành chiến lược.

“Do đó, tôi nghĩ rằng, không chỉ khơi thông những gì đang tắc nghẽn, chúng ta cần phải khơi thông cả những kỳ vọng, mong muốn đối với ngành lúa gạo Việt Nam. Tôi hy vọng hạt gạo Việt Nam không chỉ dừng ở doanh số xuất khẩu 3 tỷ USD mỗi năm mà còn hướng đến việc giảm số lượng xuất khẩu nhưng tăng giá thành, giá trị xuất khẩu” - ông Toản nhấn mạnh.

Thảo luận tại hội thảo, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đối với ngành lúa gạo, như: Thu nhập người nông dân từ việc sản xuất lúa; nâng cao năng lực cạnh tranh cùng với phát triển bền vững ở những thị trường chiếm thị phần tiêu thụ lớn; Cần xem xét thêm về vấn đề phối hợp giảm chi phí vận chuyển bởi hiện nay chi phí vận tải đang chiếm tỉ trọng cao; Có chiến lược dài hạn để phát triển lĩnh vực logistics để thuận tiện vận chuyển hàng hoá trong vùng ĐBSCL…

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận, đóng góp ý kiến, đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân của TP Cần Thơ nói riêng và các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung trong việc lựa chọn giống lúa được ưa chuộng trên thị trường, giải pháp xử lý khi giá phân bón đang tăng, phương pháp chế biến, giảm thất thoát sau thu hoạch và một số vấn đề liên quan đến vốn, logistics, thương mại…

TUỆ YÊN - TOÀN CẢNH