MTTQ Hà Tĩnh tiên phong trong vai trò đỡ đầu xây dựng nông thôn mới
Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh vừa chủ trì, phối hợp với các tổ chức, đơn vị khác ký kết chương trình đỡ đầu, tài trợ xã biên giới Hương Liên (huyện Hương Khê) xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là xã thuộc “tốp cuối”, đặc biệt khó khăn của Hà Tĩnh.
“Cú hích” mới cho Hương Liên
Hương Liên là xã biên giới, vùng sâu, vùng xa của huyện Hương Khê. Xã có diện tích đất tự nhiên 5.103ha; dân số toàn xã (5 thôn và 1 bản dân tộc) là 679 hộ với 2.414 nhân khẩu. Đời sống nhân dân nhìn chung còn khó khăn, thu nhập bình quân ở mức thấp so với mặt bằng chung toàn huyện. Xã có 85 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,5% tổng số hộ dân; 125 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 18,4% tổng số hộ dân.
Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hiện xã Hương Liên còn 12 tiêu chí chưa đạt, gồm: Quy hoạch; giao thông; trường học; cơ sở vật chất văn hóa; nhà ở dân cư; lao động; tổ chức sản xuất; y tế; văn hóa; hộ nghèo đa chiều; môi trường và an toàn thực phẩm; khu dân cư mẫu và vườn mẫu. Theo rà soát, Hương Liên cần khoảng 14,131 tỷ đồng để hoàn thiện các tiêu chí NTM.
Với mong muốn làm “đòn bẩy” giúp Hương Liên cán đích xã NTM vào cuối năm nay, tỉnh Hà Tĩnh giao Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo đỡ đầu, tài trợ các thôn và xã Hương Liên xây dựng NTM.
Ngay sau khi được giao đỡ đầu xã Hương Liên xây dựng NTM, đầu tháng 6/2022, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị phối hợp kiểm tra, khảo sát thực tế tình hình kết quả, tiến độ xây dựng NTM ở các thôn, xã Hương Liên. Từ đó, kế hoạch đỡ đầu được vạch ra một cách chi tiết, bài bản. Ngoài ra, tổ công tác đặc biệt về việc đỡ đầu xã Hương Liên xây dựng NTM cũng ra đời nhằm tạo “cú hích” giúp Hương Liên sớm đáp đích.
Ông Trần Văn Lượng - Trưởng ban Tuyên giáo - Phong trào, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trên cơ sở kết quả rà soát, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì, cùng với các đơn vị được giao đỡ đầu tổ chức ký kết công tác phối hợp đỡ đầu, tài trợ các thôn, xã Hương Liên xây dựng NTM, trọng tâm tập trung vào các nội dung: Vận động các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ các nguồn lực giúp các thôn, xã Hương Liên hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Khâu nối, phối hợp với các cơ quan chức năng cấp tỉnh, cấp huyện giúp các thôn, xã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Phối hợp với các sở, ngành phụ trách tiêu chí hướng dẫn xã, thôn tổ chức thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn. Điều động lực lượng hỗ trợ ngày công tham gia cùng thôn, xã trong thực hiện các công trình, phần việc cụ thể… Mục tiêu là cuối năm 2022 đưa xã Hương Liên đạt chuẩn NTM.
Theo ông Lượng, Ủy ban MTTQ tỉnh phụ trách chung, chủ trì, khâu nối với các đơn vị được giao đỡ đầu, tài trợ cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững... huyện Hương Khê thực hiện hiệu quả công tác đỡ đầu, tài trợ trên địa bàn xã Hương Liên. Ngoài ra, còn vận động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở, các công trình hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, các hoạt động an sinh xã hội.
Các đơn vị phối hợp đỡ đầu xã Hương Liên được giao phần việc cụ thể, gắn với từng thôn, gồm thôn 1, 3, 4 và 5. “Điều quan trọng mà MTTQ tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị phối hợp đỡ đầu đã làm được đó là đưa người dân, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể vào đường găng xây dựng NTM, làm thay đổi hoàn toàn nhận thức, ý thức về phong trào xây dựng NTM ở xã biên giới Hương Liên” - ông Lượng nói.
Đổi thay ở vùng biên
Quả thực, ngay sau khi có sự tác động của các đơn vị đỡ đầu, toàn dân xã Hương Liên tham gia tích cực vào phong trào xây dựng NTM. Với sự trợ giúp, hướng dẫn của lực lượng biên phòng, các đoàn viên, hội viên tại các tổ chức đoàn thể, người dân Hương Liên xắn tay vào chỉnh trang vườn hộ, dọn dẹp vệ sinh, trồng cây xanh, hiến đất, hiến tài sản, chung sức làm đường bê tông…
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hương Liên Phan Thanh Dũng phấn khởi chia sẻ: Sau khi Ủy ban MTTQ tỉnh và các đơn vị đỡ đầu vào cuộc giúp nhân dân Hương Liên xây dựng NTM, ý thức, nhận thức của người dân đã thay đổi, không còn tình trạng trông chờ, ỷ lại như trước đây. Đặc biệt, tại các thôn 1, 3, 4 và 5, nhiều hạng mục đã và đang được thực hiện có hiệu quả, tiến triển theo từng tuần, các phần việc khó khăn vì thế bắt đầu chuyển biến tích cực.
Cũng theo ông Dũng, đối với người dân xã Hương Liên hiện nay, khó khăn nhất vẫn là xây dựng nhà vệ sinh. Hầu hết hệ thống nhà vệ sinh của người dân đang tạm bợ, trong khi kinh phí để xây dựng khá lớn, điều kiện kinh tế của người dân còn hạn hẹp.
Bà Hoàng Thị Lan (thôn 3, xã Hương Liên) cho hay, bây giờ người dân trong xã không còn nghĩ xây dựng NTM là của cấp trên nữa mà là do mình tự chủ, tự thực hiện và được hưởng lợi. Các cấp, các ngành chỉ hỗ trợ được phần nào hay phần đó. Khoảng 20 ngày trở lại đây, toàn xã tích cực hẳn, bộ mặt nông thôn thay đổi nhiều.