Chống thất thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản
Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường chống thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (BĐS), qua đó, đã tăng thu cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.
Thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS tăng khoảng 6.600 tỷ đồng
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, (Tổng cục Thuế) thời gian qua, cơ quan thuế các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền chính sách thuế và chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS để người dân, doanh nghiệp (DN) hiểu và tuân thủ đúng. Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng và đăng tải các nội dung tuyên truyền về chủ đề này.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, cục thuế các tỉnh tham mưu với UBND tỉnh xây dựng bảng giá đất, hệ số điều chỉnh; xây dựng dữ liệu giá giao dịch BĐS để công khai tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Đồng thời ban hành nhiều công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ Công an; Bộ Tư pháp để phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng BĐS.
Tại các địa phương, cục thuế đã chỉ đạo các chi cục thuế, các phòng chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là các quy định về xử lý vi phạm đối với hành vi trốn thuế trong pháp luật hình sự và chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Chủ động kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh BĐS theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, theo bà Lan Anh, cơ quan thuế còn thực hiện một số biện pháp để thu thập chứng cứ xác minh giá chuyển nhượng, như xác minh với các văn phòng công chứng về hợp đồng đặt cọc, hợp đồng với giá khác giá khai thuế, phụ lục hợp đồng với giá điều chỉnh; xác minh qua ngân hàng thông tin về giao dịch liên quan chuyển nhượng nhà đất, vay để mua BĐS. Phối hợp với Sở tư pháp chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn người dân kê khai đúng thực tế giá mua bán trong các giao dịch chuyển nhượng BĐS, với lưu ý, trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện hành vi vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Năm 2021 số thu từ Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) từ chuyển nhượng BĐS tăng hơn 4,9 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 30% so với năm 2020. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022 số thuế TNCN dự kiến tăng 6,6 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 68,6% so với cùng kỳ năm trước” - bà Lan Anh nói.
Đáng chú ý, tại Chi cục Thuế TP Thủ Đức (TPHCM), địa bàn có lượng hồ sơ chuyển nhượng BĐS lớn thời gian qua, trong 5 tháng cơ quan thuế đã tiếp nhận trên 21.500 hồ sơ; đã ra thông báo thuế với 18.040 hồ sơ, trong đó hơn 2.000 hồ sơ bị trả lại do sai, thiếu thông tin... Qua công tác tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân kê khai đúng giá chuyển nhượng, cơ quan thuế đã thu về cho ngân sách trên 120 tỷ đồng.
Ngăn chặn khai báo 2 giá
Theo quy định, giá chuyển nhượng với chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.
Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng sẽ được xác định theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.
Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Đất đai 2013, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất 5 năm một lần và hàng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất. Trong khi thực tế giá thị trường lại biến động liên tục, vì vậy dẫn đến việc giá quy định không sát với giá của thị trường BĐS, gây thất thu ngân sách.
Dù vậy trong quá trình siết thu thuế chuyển nhượng nhà đất lại nảy sinh tình huống cán bộ, công chức thuế “ngâm” hồ sơ hoặc lúng túng xác định giá trị thật của BĐS khiến người dân thêm bức xúc. Theo phản ánh, có hồ sơ giải quyết kéo dài đến 3 - 4 tháng.
Để tiếp tục triển khai công tác chống thất thu trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, đảm bảo thời gian xử lý hồ sơ đúng quy định, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ của cơ quan thuế khẩn trương phối hợp các sở, ban, ngành địa phương để báo cáo, tham mưu UBND các tỉnh, thành phố ban hành bảng giá đất và hệ số điều chỉnh theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính.
Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố quán triệt đến từng Chi cục thuế không được kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ; thực hiện tính thuế theo đúng quy định tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ và Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính. Trường hợp phát hiện rủi ro thì chuyển sang thực hiện thanh, kiểm tra sau theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thời gian qua, việc khai báo 2 giá khi chuyển nhượng bất động sản đã gây ra nhiều bất cập cho thị trường này. Nói về việc lách luật khai báo 2 giá khi chuyển nhượng bất động sản để tránh nghĩa vụ thuế, Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco cho rằng việc này đã tồn tại từ rất lâu. Giai đoạn này việc khai báo 2 giá được biết đến nhiều hơn vì Bộ Tài chính và cơ quan nhà nước có quan tâm nhiều hơn, đó không chỉ là chống gian lận thuế nữa mà cơ quan quản lý muốn tăng cường, kỷ cương quản lý nhà nước đối với nghĩa vụ thuế.
Ông Phong cho rằng, để chống gian lận thuế trong các hoạt động chuyển nhượng tài sản, cần có giải pháp đồng bộ. Thời gian qua đã làm rất quyết liệt bằng việc tuyên truyền, phổ biến, điều tra, tuy nhiên muốn có hiệu quả bền vững hơn cần thì cần phải quản lý dòng chảy đồng tiền trong xã hội. “Với sự phát triển của chuyển đổi số rất cần thực hiện quyết liệt việc thanh toán không tiền mặt” - ông Phong nói.