Sức mạnh của báo chí trong bảo vệ di sản
Trong nhiều năm qua, báo chí đã cùng cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, quảng bá và kịp thời phát hiện, cảnh báo, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực xâm hại đến di sản.
Phản ánh, ngăn chặn hành vi xâm hại
Thời gian qua, báo chí đã phản biện, phản ánh về hiện tượng xâm hại di sản văn hoá xảy ra tại một số địa phương. Báo Đại Đoàn Kết và nhiều cơ quan báo chí khác đã có nhiều bài phản ánh Trưởng thôn Vàng và một số người dân ngang nhiên tự ý chặt cây, phá tường chùa Vàng, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Vụ việc kéo dài từ cuối năm 2020 đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý hình sự hay xử phạt hành chính. Ngày 22/6, một số người dân thôn Vàng cho biết: Trong mấy ngày này, Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang về chùa Vàng làm việc, trong đó có nội dung liên quan đến việc bảo vệ khu vực II của di tích.
Năm 2018, báo chí vào cuộc tích cực đã phanh phui vụ công trình Panorama tại đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang). Tiếp đến việc một công trình du lịch mọc lên ngay vùng lõi Khu Di sản văn hoá và Thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình); Pho tượng Bà Chúa Xứ thứ hai được doanh nghiệp thi công “chui” trên núi Sam (An Giang); Di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) bị xâm hại nghiêm trọng do sự khai thác quá mức của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước… Từ những phản ánh này đã giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở xử lý, giải quyết kịp thời các vi phạm theo quy định Luật Di sản văn hoá.
Khẳng định “Báo chí với Di sản văn hóa” là một chủ đề rất lớn, nội hàm rất rộng, PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam cho rằng, nói đến vấn đề này không chỉ nói một chiều từ phía báo chí, mà còn cần phải nói đến chiều ngược lại là các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa trong mối quan hệ hữu cơ, trong sự tương tác lẫn nhau vì sự nghiệp chung.
Giới chuyên gia văn hóa nhấn mạnh, báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần bảo tồn di sản và phát huy giá trị của di sản văn hoá. Báo chí đã đưa di sản văn hóa trong nước thế giới đến với công chúng, người dân dù không có điều kiện đến tận nơi các di sản văn hóa nhưng vẫn có thể chiêm ngưỡng, hiểu rõ giá trị của các di sản văn hóa thông qua báo chí.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu khẳng định: "Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý, khoa học và báo chí. Vai trò báo chí thể hiện ở nhiều phương diện như góp ý cho hoạt động của đơn vị; truyền thông và quảng bá, giá trị di tích đến cộng đồng. Đơn cử, mỗi mùa thi cử, phụ huynh và học sinh thường đến dâng hương. Báo chí đã góp phần định hướng du khách thay đổi hành vi không xoa đầu rùa, hương khói quá nhiều để các hoạt động mang tính văn hóa rõ hơn".
Có thể thấy, trong thời gian qua, chính sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, báo, đài qua các tin tức, bài viết đi sâu điều tra, nêu rõ sai phạm liên quan đến các di tích lịch sử, văn hóa... đã góp phần quan trọng phản ánh thực tế về việc, có sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong các khâu quản lý và tổ chức hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích ở một số địa phương.
Thông tin chất lượng
Sự vào cuộc kịp thời và đeo bám đến cùng của các cơ quan báo chí đã phản ánh, nêu rõ sai phạm liên quan đến công tác bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được, hoạt động báo chí và công tác truyền thông về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Dung lượng và thời lượng dành cho di sản văn hóa ở các cơ quan báo chí còn khiêm tốn; nhiều tờ báo chưa thực sự quan tâm hoặc chưa mạnh tay trong việc bảo vệ di sản của dân tộc…
Phó Tổng Biên tập Báo Văn hoá Phan Thanh Nam chia sẻ: “Không chỉ là những thông tin mang tính chất phản ánh, các bài viết đã kịp thời cảnh báo, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực. Đặc biệt trong bối cảnh đời sống kinh tế thị trường, những tác động mặt trái đã tạo ra thách thức không nhỏ đối với công tác bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị nguyên gốc của các di tích, di sản. Các bài viết cũng góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cùng chung tay gìn giữ di sản. Nhờ sự phát hiện kịp thời của báo chí truyền thông và vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, những vi phạm trong quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích đã được xử lý nhanh và hiệu quả”.
Về phía cơ quan quản lý văn hoá, Giám đốc Sở VHTTDL Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải mong muốn những người làm báo cũng cần phải được trang bị kiến thức sâu sắc về di sản văn hóa. Vì vậy, đội ngũ phóng viên báo chí cần được trang bị đầy đủ những kiến thức, hiểu biết cơ bản liên quan đến lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần cung cấp thông tin chính xác, rõ ràng và kịp thời đối với báo chí trong truyền thông quảng bá giới thiệu về di sản cũng như phối hợp trao đổi thông tin, nhất là các vấn đề nóng về xâm hại di tích, ảnh hưởng môi trường cảnh quan...
Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, với sự phát triển của báo chí đa phương tiện, biết tận dụng, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí và quản lý văn hóa sẽ mang lại hiệu quả cao về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc trước những thách thức của quá trình hội nhập hiện nay.