Mở trường, mở ngành đào tạo mới: Không thể 'bóc ngắn, cắn dài'
Hệ quả từ việc đua nhau thành lập trường, mở ngành đào tạo mới thời gian qua làm nhiều trường, nhiều ngành đào tạo buộc phải “đóng cửa” vì không có người học. Các chuyên gia cho rằng, quy mô đại học mở rộng trong khi chất lượng chưa tương xứng sẽ khiến người học quay lưng.
Lo ngại theo trào lưu
Thời gian qua, việc mở trường đại học, mở ngành đào tạo ồ ạt kéo theo đó là chất lượng đào tạo không tương xứng. Đã có thời điểm, giáo dục đại học phát triển nóng về số lượng, trung bình cứ gần hai tuần, cả nước lại có một trường đại học, cao đẳng ra đời. Đó là giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2009 với 312 trường đại học, cao đẳng được thành lập.
Điều bất hợp lý là trong khi quy mô đào tạo được tăng lên thì những điều kiện cơ bản để các trường vận hành tốt như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, giáo trình cơ bản… lại ít được quan tâm.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên, ông Dương Văn Bá, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Hòa Bình cũng chỉ ra thực trạng này. Giai đoạn trước đây, nhiều địa phương thành lập trường nhưng không có đủ điều kiện về tài chính, quỹ đất.
“Sở dĩ có tình trạng trên bởi các quy định thành lập trường còn dễ dãi, nhà đầu tư chỉ cần cam kết bằng văn bản. Vì vậy, có nhiều trường thành lập xong không xây dựng được, cũng không có cơ sở vật chất, phải thuê ngoài, kéo theo đó là không bảo đảm chất lượng đào tạo”, ông Bá cho hay.
Bên cạnh đó, nhiều năm trở lại đây, các trường đại học hướng tới đào tạo đa ngành. Với xu hướng phát triển đó, nhiều trường không ngừng mở mới ngành nghề đào tạo. Theo thống kê của Bộ GDĐT, từ năm 2020 đến 30/7/2021, có 562 ngành đào tạo đã được mở mới, trong đó có 413 ngành do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở, 149 ngành do Bộ GDĐT mở.
Đa phần các ngành mới mở được đánh giá là ngành “hot” trong các mùa tuyển sinh. Xu hướng này cho thấy rõ trong mùa tuyển sinh 2021, trong đó có trường tuyển trên 10 ngành và chuyên ngành mới.
Xu hướng đầu tư mở ngành học mới chứng tỏ rằng, các trường chuyển mình từ đào tạo những gì mình có sang đào tạo những gì thị trường cần. Nếu đảm bảo điều kiện chất lượng, đó là tín hiệu tốt, song thực tế, không phải ngành mới nào mở ra cũng bảo đảm chất lượng. Không ít trường có ngành mới mở ra liên tục trong vài năm không tuyển được người học buộc phải “đóng cửa”.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) nhìn nhận, việc các trường mở ra quá nhiều ngành mới có thể dẫn đến tình trạng một số ngành không đủ sinh viên để tổ chức đào tạo, dẫn tới nhiều ngành nghề sau khi tốt nghiệp rất khó xin việc vì không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Cần tính toán lâu dài
PGS.TS Trần Văn Tớp, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng cho rằng, thời gian trước, việc thành lập trường đại học dễ dàng. Các trường mở ra chưa quan tâm tới chất lượng mà chủ yếu quan tâm tới việc thành lập trường. Sau khi thành lập, do không tính toán hết hoặc chạy theo lợi nhuận nên dẫn tới là có trường phát triển tốt, có trường phát triển chưa tốt, thậm chí rất hoạt động khó khăn.
Có thể thấy, một vài năm trở lại đây, không có nhiều trường đại học thành lập mới. Việc thành lập trường đại học không dễ dàng bởi các quy định về điều kiện thành lập trường, hơn nữa là duy trì hoạt động với tình hình hiện nay là một việc khó.
Thế nên, theo PGS.TS Trần Văn Tớp, các nhà đầu tư chuyển hướng mua lại trường cũ thay vì đầu tư thành lập trường đại học.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Văn Tớp nhấn mạnh rằng: “Đầu tư cho đại học là đầu tư lâu dài. Khi mới đi vào hoạt động, trường đại học có thể tuyên truyền tốt nhưng để tạo được uy tín phải có thời gian, ít nhất 4 năm cho một khóa học.
Tôi không bàn tới với những nhà đầu đầu tư thành lập trường để bán “lướt sóng”, “ăn sổi ở thì”, còn với những nhà đầu tư lâu dài cần phải bảo đảm các khoản đầu tư, chú trọng chất lượng ngay từ những ngày đầu tiên. Trường đại học mà không quan tâm tới chất lượng thì thực chất là “tự sát””.
Về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho hay, đầu tư cho giáo dục cũng là một hình thức kinh doanh, nhưng không phải nhà đầu tư nào bỏ tiền ra cũng mang lại siêu lợi nhuận.
Trong bối cảnh cạnh tranh mở trường đại học, mở ngành đào tạo, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nhà đầu tư nên xem đào tạo ngành nghề gì, cho thị phần nào. Tức là, bán dịch vụ sản phẩm cho ai, giá cả như thế nào. Trước khi quyết định thành lập trường, nhà đầu tư cần tính toán lâu dài tới vài chục năm sau để tạo ra những sản phẩm khác biệt, chứ không thể “bóc ngắn, cắn dài” như thời gian vừa qua.
TS Hoàng Ngọc Vinh cũng đặc biệt lưu ý tới việc mở ngành đào tạo. Chuyên gia này nhìn nhận, việc các trường có xu hướng mở ngành đào tạo mới ồ ạt trong một vài năm nay dẫn tới tình trạng chồng chéo gây lãng phí nguồn cung, đặt biệt là nguồn lực.
Trước thực trạng này, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng: “Cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn chặt chẽ, đặc biệt là quy trình và thủ tục mở ngành phải làm đúng từng bước một và phải có minh chứng, cam kết bằng lòng tin với người học”.