Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kỷ luật nghiêm minh, không lo thiếu cán bộ làm việc
Về ý kiến cho rằng kỷ luật nhiều cán bộ như vậy thì lấy ai để làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri: Dân gian có câu “con chị nó đi, con dì nó lớn”, không lo không có cán bộ làm việc. Cán bộ không chỉ vi phạm pháp luật mà sai cả về đạo lý thì không thể không xử.
Ngày 23/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các ĐBQH đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Phạm Thị Hồng Sim (phường Quán Thánh, Ba Đình) cho biết, nhân dân rất ủng hộ, đồng tình với nhiều giải pháp về kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai.
Do đó mong muốn Trung ương tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng về quản lý đất đai, thể chế đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để có thể sử dụng hiệu quả, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai.
Bà Sim cũng đề nghị, phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, có năng lực, phẩm chất chính trị, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đấu tranh chống lại tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai để tránh thất thoát nguồn thu của quốc gia.
Quan tâm tới các chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ các cấp. Đồng thời phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai.
Liên quan đến việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bà Sim cho rằng, cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác, điều kiện làm việc phù hợp, tương xứng với vị thế, vai trò của Ban chỉ đạo, và thực sự phát huy hết sức mạnh của từng thành viên Ban chỉ đạo và sức mạnh tổng hợp của tập thể Ban chỉ đạo tại địa phương, trở thành "cánh tay nối dài" của Ban chỉ đạo Trung ương trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo cử tri Nguyễn Vy Yên (phường Ngọc Khánh, Ba Đình) thời gian qua, nhiều vụ việc lớn được xử lý như vụ Việt Á, vụ việc ở Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao, vụ thao túng thị trường chứng khoán được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh được nhân dân rất đồng tình vì Đảng thể hiện quyết tâm cao hơn trong lãnh đạo, triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, làm trong sạch bộ máy, thu hồi tài sản tham nhũng, tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước.
Trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ý kiến cử tri 3 quận tuy ngắn gọn nhưng đề cập trúng các vấn đề, đóng góp ý kiến rất có trách nhiệm.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không khí làm việc của Quốc hội ngày càng đổi mới, sôi nổi, thực chất hơn; đã thực hiện đúng tinh thần là không nói lý thuyết chung chung, mà bám sát vào đời sống thực tế, bàn những vấn đề thiết thực, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng.
“Dù chỉ làm việc trong ít ngày, nhưng kỳ họp đã hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ: Thông qua 5 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Kỳ họp để lại dư âm, dư luận rất tốt; Quốc hội đã cho thấy vai trò thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Qua đó, Tổng Bí thư đề nghị HĐND các cấp cũng phải phát huy tinh thần đổi mới của Quốc hội, làm đúng vai là cơ quan đại diện của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở địa phương; đề ra được các chính sách phù hợp với lòng dân, để huy động sức mạnh nhân dân phục vụ xây dựng đất nước.
Trao đổi về một số nội dung cụ thể cử tri nêu, trước hết là vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Quan điểm nhất quán của Trung ương là phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách kiên trì, nhân văn, bài bản và thuyết phục.
Quy trình xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện chặt chẽ, bài bản từ xử lý về mặt Đảng, đến xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định pháp luật; từng bước đều được cân nhắc một cách dân chủ, công bằng theo nguyên tắc của Đảng và các quy định pháp luật. Nhờ cách làm này mà ngay cả người vi phạm cũng nhận ra sai phạm, hứa sẽ khắc phục khuyết điểm.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, công tác phòng chống tham nhũng rất kiên trì, rất nhân văn, có lý, có tình. “Vừa rồi 2 đồng chí này đều là Uỷ viên Trung ương Đảng. Như ông Chu Ngọc Anh còn là 3 khóa nhưng đã bị xử lý. Đã từng là Bộ trưởng và về làm Chủ tịch UBND TP nhưng đã khai trừ ra khỏi Đảng, bãi nhiệm. Còn anh Long cũng là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế. Đang lúc dịch dã như thế này phải tập trung chống dịch nhưng tại sao lại bị khai trừ ra khỏi Đảng, cách chức Bộ trưởng, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội” - Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: Sau khi có kết luận của Uỷ ban Kiểm tra thì Bộ Chính trị họp xem xét 2 trường hợp này và đã thảo luận rất kỹ, 100% biểu quyết yêu cầu kỷ luật cả 2, cách tất cả các chức. Hôm sau triệu tập Ban chấp hành Trung ương họp bất thường và thảo luận, hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Bộ Chính trị. Bộ Chính trị cũng bỏ phiếu gần như tuyệt đối phải khai trừ ra khỏi Đảng.
Còn ngay sáng ngày hôm sau họp Quốc hội, đưa ra bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đồng thời, cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế. Cả 2 lúc đầu chưa nhận thức hết nhưng cuối cùng đều nhận hết, hứa hẹn sẽ sửa chữa.
Sau khi mất hết chức Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng thì ngay chiều hôm đó cơ quan Công an đã khởi tố, bắt tạm giam, và hiện nay đang trong giai đoạn điều tra.
Tổng Bí thư cũng cho biết, cuối tháng này, Trung ương sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng để nhìn lại giai đoạn từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị. Hội nghị nhằm tổng kết kết quả, hạn chế từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng cho giai đoạn mới.
Đây là cơ sở để tổ chức hoạt động đồng bộ, thống nhất, hoạt động hiệu quả từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xuống Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, bảo đảm ở đâu cũng “đúng vai, thuộc bài”, hướng tới giai đoạn phát triển mới về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khi cán bộ không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng.
Tổng Bí thư một lần nữa khẳng định rõ quan điểm xử lý nghiêm cán bộ sai phạm là nhằm làm bài học răn đe chung, cảnh tỉnh để những người khác không vi phạm; đúng như Bác Hồ từng dạy là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, cắt một vài cành sâu để cứu cả cây.
Còn về ý kiến cho rằng kỷ luật nhiều cán bộ như vậy thì lấy ai để làm việc? Dân gian có câu “con chị nó đi, con dì nó lớn”, không lo không có cán bộ làm việc. Cán bộ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn sai cả về đạo lý thì không thể không xử. Quan trọng là phải chọn đúng cán bộ thay thế, phải làm thật chính xác, chín chắn, không được vội.