Đẩy nhanh xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực
Qua xét xử, TP Hồ Chí Minh đã thu hồi được hơn 1.300 tỷ đồng từ các vụ án lớn về tham nhũng, tiêu cực, với nhiều cựu quan chức vào vòng lao lý, như Tất Thành Cang - cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; các cựu Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài, Trần Vĩnh Tuyến, Nguyễn Hữu Tín;… Dù vậy, tiến độ xác minh, xử lý, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án lớn ở TP HCM vẫn được yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ do tính chất nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài và đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Trong số các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn tại TP HCM đang được đẩy nhanh tiến độ xử lý, vụ sai phạm trong giao “đất vàng” số 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TP HCM) đã xét xử 2 cấp đối với một số cựu quan chức liên quan, trong đó cựu Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài lĩnh án 8 năm tù; cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đào Anh Kiệt lĩnh án 5 năm tù; cựu Bí thư Quận ủy Quận 2 Nguyễn Hoài Nam chịu án 3 năm tù cùng về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ngoài các cựu quan chức, nhiều lãnh đạo, cán bộ tại các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu tại dự án là Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm, Công ty cổ phần đầu tư Lavenue,... cũng đã bị tuyên các mức án nghiêm minh.
Liên quan đến vụ sai phạm trong giao “đất vàng” số 8-12 Lê Duẩn, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM vừa tiếp tục xem xét, thi hành kỷ luật đối với một số cán bộ, đảng viên. Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy đã xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với 3 đảng viên. Trong đó, ông Trần Nam Trang - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính bị kỷ luật do thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật trong vụ án. Ngoài ra, ông Trang còn được xác định có hành vi thiếu trách nhiệm trong vụ hoán đổi tài sản đất công giữa 2 khu “đất vàng” số 57 đường Cao Thắng (quận 3) để đổi lấy tài sản tại số 185 đường Hai Bà Trưng (quận 3). Việc này đã tạo điều kiện cho nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp thực hiện hành vi chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của Nhà nước. Một số cựu quan chức khác như ông Huỳnh Kim Phát - nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố; Nguyễn Thanh Nhàn - nguyên Phó Giám đốc Sở TNMT đều thiếu trách nhiệm trong tham mưu, không chỉ đạo rà soát, kiểm tra thông tin về pháp lý các khu đất nên đã không phát hiện được một tài sản đã bị thế chấp vay vốn. Hậu quả đã giúp cho “siêu lừa” Dương Thị Bạch Diệp đã thực hiện trót lọt hành vi dùng tài sản 57 Cao Thắng (đã thế chấp ngân hàng) để hoán đổi lấy nhà đất 185 Hai Bà Trưng (trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM), nhờ đó chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của nhà nước. Bản thân bị cáo này đã bị tuyên mức án tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quá trình rà soát xác minh, xử lý, điều tra đối với vụ án tham nhũng, tiêu cực tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI, đã xét xử và tuyên án), Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM cũng vừa xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy SAGRI nhiệm kỳ 2015-2020 đối với ông Nguyễn Thanh Nhựt - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy SAGRI. Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM, cá nhân ông Nhựt có liên quan đến quá trình thông qua kế hoạch tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cho cán bộ, công nhân viên của SAGRI nhưng mục đích để hợp thức hóa hồ sơ, gây thất thoát nhiều tỷ đồng của SAGRI.
Liên quan đến sai phạm tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ quan nước ngoài, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐTV của công ty này. Bà Nhung bị kỷ luật do đã ký duyệt các chứng từ khống và một số tài liệu liên quan mà không kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, dẫn đến gây thất thoát tài sản nhà nước. Trước đó, vào tháng 4/2022 Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM cũng đã thi hành kỷ luật đối với 9 đảng viên thuộc Đảng ủy công ty này do vi phạm quy định pháp luật hình sự, tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hiện nay, trong số các vụ án tham nhũng, lãng phí đưa vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, TP HCM có 12 vụ việc và vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn. Quá trình đẩy nhanh xử lý các án này, ông Nguyễn Sỹ Quang - Phó Giám đốc Công an TP HCM cho biết, các cơ quan tố tụng đã thu hồi về cho nhà nước số tiền trên 1.300 tỷ đồng. So với tổng số tiền 1.600 tỷ đồng cần thu hồi trong các vụ án tham nhũng, lãng phí thì đây là một kết quả rất đáng ghi nhận.
Việc Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM tiếp tục rà soát, xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ, đảng viên liên quan đến 5 vụ án làm thất thoát tài sản nhà nước, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng kể trên nhằm tiếp tục thực hiện chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý, điều tra, truy tố và xét xử của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.