Hà Nội thiếu trầm trọng bãi đỗ xe
Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện diện tích các điểm, bãi đỗ xe mới chỉ chiếm 0,12% diện tích các quận nội thành, đáp ứng chỗ đỗ cho khoảng 10% tổng nhu cầu đỗ xe. Công tác đầu tư các bến bãi đỗ xe còn chậm chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển…
Thiếu khoảng 90% nhu cầu bãi đỗ xe
Thực hiện Kế hoạch số 06/KH-BĐT ngày 11/5/2022 của Ban Đô thị - HĐND TP Hà Nội khảo sát về đầu tư xây dựng các bến xe, bãi đỗ xe theo quy hoạch trên địa bàn, trong đó có đề nghị các Sở, ngành có báo cáo các nội dung liên quan theo chuyên ngành quản lý để phục vụ công tác khảo sát.
Tổng quan về tình hình tổ chức thực hiện quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn Thành phố thời gian qua, giai đoạn trước năm 2011 (trước khi đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), thực hiện theo đồ án quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 165/2003/QĐ-UB ngày 02/12/2003.
Theo Sở GTVT, giai đoạn từ năm 2011 đến nay xây dựng theo quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Quy hoạch do Thành phố phê duyệt và các đồ án quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn, quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, Trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sở GTVT cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 08 bến xe chính với tổng diện tích khoảng 17,7 ha bao gồm các bến: Giáp Bát, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Gia Lâm, Nước Ngầm, Sơn Tây, Trỗi, Phùng. Các bến xe khách Đông Anh, Cổ Bi hiện đang triển khai dự án đầu tư xây dựng.
Các Bến, bãi xe tải trên địa bàn thành phố có 04 bến xe tải với diện tích khoảng 5,74ha gồm các bến: Xuân Phương, Yên Viên, Ngũ Hiệp, Thanh Trì và 06 bãi đỗ xe tải với diện tích khoảng 5,28ha gồm các bãi: Tam Trinh, Đền Lừ, Gia Thụy, Long Biên, Liên Ninh, Hải Bối, Dốc Vân.
“Tổng diện tích các điểm, bãi đỗ xe mới chỉ chiếm 0,12% diện tích các quận nội thành, đáp ứng chỗ đỗ cho khoảng 10% tổng nhu cầu đỗ xe (còn lại gần 90% số phương tiện có nhu cầu đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện, tại các khu đất trống của các dự án...); Công tác đầu tư các bến bãi đỗ xe còn chậm chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; Nhiều khu vực đã được định hướng trong quy hoạch là bến, bãi đỗ xe nhưng chưa được nghiên cứu hình thành dự án”- Sở GTVT đánh giá.
Giải thích về việc Hà Nội hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% tổng nhu cầu đỗ xe của người dân, Sở GTVT cho rằng: “Việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông tĩnh (đặc biệt là hệ thống bãi đỗ xe trong khu vực đô thị trung tâm) còn chậm chưa đáp ứng được nhu cầu đỗ xe.
Số lượng dự án có nhà đầu tư quan tâm, tham gia là khá lớn nhưng thực tế số lượng dự án đầu tư đã hoàn thành còn khiêm tốn (trong tổng số 107 dự án đang nghiên cứu, chỉ có 57 dự án đã hoàn thành. Hầu hết các dự án đều phải gia hạn thời gian thực hiện và điều chỉnh chủ trương đầu tư).
Việc đầu tư xây dựng Bến, bãi đỗ xe hầu hết vẫn chủ yếu sử dụng nguồn vốn xã hội hóa (trong khoảng thời gian qua chỉ có Bến xe Yên Nghĩa được đầu tư bằng nguồn vốn ODA và tại thời điểm hiện nay chưa có dự án bến, bãi đỗ xe nào được nghiên cứu, triển khai đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách)”.
Theo Sở GTVT, một số dự án dù đã đôn đốc nhưng nhà đầu tư không phối hợp có báo cáo thực hiện đến mức phải đề xuất xem xét kiến nghị thu hồi (07 dự án đã được Sở KH&ĐT nêu tại văn bản số 6012/KH&ĐT ngày 07/12/2020).
Bên cạnh đó, năng lực tài chính một số nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu dự án còn hạn chế; Nhiều nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu chỉ mang tính chất định hướng giữ đất không thực sự đầu tư.
Thu hồi các dự án treo
Trước tình trạng nêu trên, Sở GTVT Hà Nội kiến nghị với các cơ quan Trung ương ủng hộ, tạo điều kiện cho UBND Thành phố sớm hoàn thành việc rà soát, trình phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô làm cơ sở hoàn thiện, khớp nối đồng bộ các đồ án quy hoạch quy hoạch liên quan, trong đó có đồ án quy hoạch giao thông vận tải và đồ án quy hoạch bến bãi đỗ xe.
Bên cạnh đó, sớm thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô để triển khai đầu tư và phục vụ kết nối giao thông cho các bến xe theo quy hoạch khu vực Vành đai 4.
Đặc biệt, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ bố trí vốn ngân sách trung ương cho Thành phố Hà Nội để đầu tư phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông khung trên địa bàn Thành phố theo quy hoạch.
Ngoài ra, Sở GTVT cũng kiến nghị HĐND TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các Sở ngành, đơn vị liên quan tổ chức tổng rà soát, giám sát, đánh giá đầu tư toàn bộ danh mục các dự án đã được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cho phép nghiên cứu dự án nhưng đến nay vẫn chưa triển khai đôn đốc triển khai thực hiện, tổng hợp toàn diện các khó khăn vướng mắc hiện nay cũng như đề xuất, kiến nghị của các chủ đầu tư/nhà đầu tư.
Đồng thời, đôn đốc triển khai thực hiện, tổng hợp toàn diện các khó khăn vướng mắc hiện nay cũng như đề xuất, kiến nghị của các chủ đầu tư/nhà đầu tư. Hướng dẫn các nhà đầu tư/chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ trong thời gian qua, trong trường hợp việc chậm trễ triển khai thực hiện dự án thuộc trách nhiệm chính của nhà đầu tư/chủ đầu tư hoặc các nhà đầu tư/chủ đầu tư không phối hợp, Sở KHĐT có trách nhiệm tham mưu đề xuất UBND Thành phố thu hồi dự án.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra định kỳ việc tổ chức triển khai thi công của nhà đầu tư/chủ đầu tư theo giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp, kịp thời phát hiện và đề xuất xử lý sai phạm (nếu có).