Giảm thuế để hạ giá xăng!
Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm thêm 1.000 đồng/lít thuế Bảo vệ môi trường nhằm giảm giá xăng trong nước. Vậy nhưng, theo quan điểm của giới chuyên gia và phần đông người dân, nên giảm sắc thuế này về 0 khi giá xăng liên tục lập đỉnh.
Giá xăng dầu tăng cao tác động tới nhiều lĩnh vực
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 16 lần với giá xăng tăng 13 lần và giảm 3 lần, trong đó có 2 lần giảm sau khi thực hiện giảm mức Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất vào chiều ngày 21/6, giá xăng đã chính thức lập đỉnh lịch sử, lên 32.870 đồng/lít. Trong hơn 6 tháng qua, giá xăng RON95 tăng 8.657 đồng/lít, xăng E5 tăng 8.152 đồng/lít và dầu diesel tăng 11.596 đồng/lít.
Hiện, trong cơ cấu giá xăng hiện nay của Việt Nam, các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32% (tương đương 10.000-11.000 đồng/lít). Như vậy, nếu không tính thuế phí thì giá xăng của Việt Nam sẽ khoảng 20.000 đồng/lít (tương đương 0,86 USD/lít).
Với việc giá dầu thô thế giới vẫn đang tiếp tục duy trì trên 100 USD/thùng, giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Giá xăng dầu tăng tác động lớn đến các doanh nghiệp (DN), nhất là các DN vận tải; tác động mạnh vào giá thành sản xuất các lĩnh vực khác, từ đó sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19.
Để giảm mức tăng của giá xăng, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục điều chỉnh mức Thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 như sau:
Xăng dự kiến giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay dự kiến giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Dầu diesel dự kiến giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn dự kiến giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Mỡ nhờn sẽ giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg. Dầu hỏa dự kiến giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Trong khi đó, dữ liệu tính toán cho biết hiện chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30-40% trong cơ cấu giá thành vận tải hàng không; 35-40% giá thành vận tải đối với các dịch vụ xe container, xe tải nặng và khoảng 25% đối với các loại xe khác. Xăng dầu là nguyên nhiên liệu đầu vào của hầu hết ngành sản xuất trong nền kinh tế, đặc biệt là nhóm ngành huyết mạch như giao thông vận tải, điện năng lượng...
Ý kiến từ cơ quan quản lý nhà nước
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc rằng, cấp bách giảm thuế xăng dầu để hạ nhiệt mặt hàng này, từ đó giảm thiểu tác động đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế của đất nước.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng giảm thuế hay không thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
“Về giảm thuế môi trường trong xăng, dầu, đối với xăng là 4.000/lít, chúng tôi đã đề xuất thời gian vừa rồi, được Thường vụ Quốc hội chấp thuận là giảm 2.000 đồng. Như vậy, cả nước giảm mất 24.000 tỷ đồng tiền thu ngân sách. Theo quy định của luật, Thường vụ Quốc hội chỉ được quyết định giảm thêm 1.000 nữa, còn nếu muốn giảm tiếp 2.000 giá thuế môi trường trong xăng dầu thì thẩm quyền của Quốc hội” - ông Phớc nói và cho biết thêm, xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá, do Nhà nước bình ổn, vì vậy cho nên đến một lúc nào đó thì Nhà nước phải can thiệp vào để giảm giá xăng dầu.
Còn bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, đối với vấn đề giảm thuế xăng dầu, Bộ Công thương luôn phối hợp với Bộ Tài chính và các DN nhập khẩu xăng dầu trong nước để nắm bắt kịp thời tình hình thị trường, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vấn đề giảm thuế.
“Chúng ta cũng biết rằng thời gian qua, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đã giúp giá xăng dầu trong nước không bị tăng sốc khi thị trường thế giới tăng phi mã” - bà Nga nói.
Nâng mức dự trữ quốc gia
Có thể dễ dàng nhận thấy, việc giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng tăng lên. Hiện mặt bằng giá cả các mặt hàng cơ bản như lương thực thực phẩm, giá dịch vụ... đang tăng mạnh.
Tại một nhà hàng trên quận Hoàng Mai (Hà Nội), ngay từ giữa tháng 5 đã treo biển thông báo tăng giá khoảng 20% trên mỗi món ăn. Theo chia sẻ của anh Vũ Việt (chủ nhà hàng), dù biết việc tăng giá sẽ có nguy cơ mất một lượng khách nhưng trong tình hình giá rau, thịt cũng như các mặt hàng gia vị, mắm muối đều tăng, nếu không bán tăng giá món ăn thì sẽ không tránh khỏi lỗ.
Còn về phía người tiêu dùng, việc hầu hết các mặt hàng đều đang tăng giá cũng đang trở thành nỗi ám ảnh. Chị Thuý Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) là một công chức nhà nước có mức thu nhập trung bình mỗi tháng dưới 10 triệu đồng. Theo chia sẻ của chị, với mức lương này, nếu như trước đây vun vén chi tiêu thì vẫn có thể đủ tiền sinh hoạt cơ bản như chợ búa, điện nước cho 1 gia đình 4 người. Tuy nhiên, 2-3 tháng trở lại đây, quỹ chi tiêu của gia đình chị đang trở nên “quá tải” do giá cả leo thang.
Giới chuyên gia khẳng định, giá xăng tác động mạnh đến lạm phát. Chính vì vậy, việc giữ lạm phát dưới 4% trong năm 2022 là rất khó khăn. Kìm giá xăng là quan trọng, song hơn hết cần đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Chiếm từ 35-40% nguồn cung xăng dầu trong nước nhưng Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn chưa hoạt động ổn định, cho thấy nguy cơ thiếu hụt nguồn cung mặt hàng này. Vì thế, giới chuyên gia cho rằng cần nâng dự trữ quốc gia về xăng dầu.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Việt Nam cần phải có giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt là dự trữ xăng dầu. Dự trữ tốt sẽ giúp kinh tế Việt Nam không bị động trước diễn biến khó lường từ giá xăng dầu.
Theo quy định hiện nay về cơ cấu dự trữ xăng dầu của Việt Nam đến từ 3 nguồn: dự trữ thương mại tại các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối (20 ngày); thương nhân phân phối 5 ngày; dự trữ sản xuất tại hai nhà máy lọc dầu và dự trữ quốc gia. Hiện nguồn dự trữ quốc gia của Việt Nam tương đối mỏng, khoảng 5-7 ngày sử dụng.
Bộ Công thương đã trình Chính phủ đề án nâng dự trữ quốc gia về xăng dầu. Bên cạnh đó Bộ Công thương đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo chi tiết hơn về nâng mức dự trữ này.
Đại biểu quốc hội Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân:
Cần chấp nhận giảm thu ngân sách để giảm ngay Thuế Bảo vệ môi trường
Chính phủ cần linh hoạt sử dụng công cụ thuế phù hợp với tình hình.
Thời điểm này cần chấp nhận giảm thu ngân sách để giảm ngay Thuế Bảo vệ môi trường vì nhiều mục tiêu quan trọng hơn.
Với dư địa quỹ bình ổn đang ở mức thấp, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn đang âm quỹ, nên việc có các công cụ để có thể giảm giá xăng dầu là cần thiết, cũng như có lộ trình quản lý giá xăng dầu bền vững hơn, gắn với đảm bảo nguồn cung.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú:
Nếu để giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ dẫn đến lạm phát
Nếu để giá xăng dầu tiếp tục tăng cao chót vót sẽ tăng lạm phát, gây thêm khó khăn cho người dân, doanh nghiệp vốn đã chịu tổn thương nặng nề sau 2 năm dịch Covid-19.
Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu đã giảm 50% và một số chính sách khác nhằm hạn chế những biến động không có lợi chưa đủ sức để kéo giảm giá xăng, dầu cũng như giá các hàng hóa thiết yếu khác đang hình thành một mức cao hơn trên thị trường.
Vì vậy, nên tận dụng dư địa giảm Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Tiêu thụ đặc biệt và cả Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu để kiềm chế đà tăng của mặt hàng này. Tuy nhiên, giá xăng dầu chịu sự biến động theo giá thế giới nên phải có những giải pháp tiếp theo.