Một loại tội phạm liều lĩnh
Ngày 22/6, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3839 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về vụ sử dụng con dấu, tài liệu giả của Thủ tướng Chính phủ. Thực trạng tội phạm làm giả con dấu, tài liệu và sử dụng con dấu, tài liệu giả danh cơ quan nhà nước không mới, nhưng ở cấp độ này thì hết sức liều lĩnh, nguy hiểm.
Xác minh của cơ quan Công an cho biết, đối tượng đã mạo danh là cán bộ Văn phòng Chính phủ, sử dụng con dấu, tài liệu giả của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về giải ngân nguồn vốn an sinh xã hội cho các doanh nghiệp vay, nhằm mục đích chiếm đoạt tiền đặt cọc, tiền vốn đối ứng 3% khoản vay này của các doanh nghiệp.
Hiện Bộ Công an đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ các đối tượng liên quan đến việc làm giả tài liệu, con dấu của Thủ tướng Chính phủ và cơ quan Nhà nước; việc sử dụng các tài liệu, con dấu này vào hoạt động vi phạm pháp luật.
Tại Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định rõ: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp làm giả 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Như vậy, hai tội danh (làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả) là gần giống nhau, tuy hành vi khác nhau.
Đáng chú ý, với loại tội phạm này, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là đối tượng phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì luật pháp quy định tội phạm cũng đã hoàn thành. Tuy nhiên hậu quả sẽ là tình tiết xác định khung hình phạt.
Tội phạm có nhiều loại, riêng với tội giả mạo, giả danh là loại tội phạm rất cần phải cảnh báo. Những vụ án được xét xử liên quan đến loại tội phạm giả danh cho thấy chúng thường giả danh cán bộ nhà nước; giả làm thân nhân cán bộ lãnh đạo (vợ, con, người nhà); úp mở cho biết mình là thân tín, tâm phúc, là “tả phù hữu bật” của cán bộ lãnh đạo. Mục đích cuối cùng và duy nhất của loại tội phạm này là chiếm đoạt tiền bạc. Tuy nhiên, nó đã gây phương hại, ảnh hưởng uy tín của tổ chức, cá nhân mà chúng giả mạo, giả danh.
Với loại tội phạm làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ, cũng như sử dụng để trục lợi là rất nguy hiểm. Hành vi này nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, được xác định tương tự như hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự; cho dù dùng bằng giả không mang yếu tố tiền bạc rõ ràng mà để xin việc, để được bổ nhiệm, để tăng lương, để được đi lao động nước ngoài; làm giả sổ hộ khẩu để được mua nhà ở thành phố, để được giao đất trồng rừng...
Trở lại với việc đối tượng sử dụng con dấu, tài liệu làm giả của Thủ tướng Chính phủ phải coi là hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự thì khung hình phạt sẽ nhẹ, không tương xứng. Chưa cần biết hành vi ấy đã trục lợi được bao nhiêu, chỉ cần làm giả, sử dụng thì tội phạm cũng đã hoàn tất. Vì thế, trong trường hợp này, rất cần áp dụng các biện pháp tăng nặng để lượng hình và về lâu dài cũng rất cần bổ sung mức độ tội phạm nguy hiểm này vào luật, để có tính răn đe cao hơn.
Còn với doanh nghiệp, người dân, cũng cần nêu cao cảnh giác, không vội cả tin, không vì hám lợi để tội phạm lừa đảo. Trong trường hợp nghi vấn cần báo ngay với cơ quan công an để xác minh, làm rõ vì bản thân người dân, doanh nghiệp rất khó tự xác minh đối tượng, hoặc giấy tờ đó là thật hay giả.