'Cuộc đấu' giữa công viên 'của Nhà nước' và công viên tư nhân
“Hệ thống công viên Hà Nội đang bị lỗi thời về mặt tư duy xây dựng. Hiện tại trên thế giới đang có xu hướng xây dựng công viên hiện đại với sự đa dạng về hoạt động thay vì công viên “truyền thống". Các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam đã nắm bắt khá tốt điều này còn các công viên được xây bằng ngân sách nhà nước khác thì chưa mấy thay đổi”, TS.KTS Trần Minh Tùng (Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng - Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội).
PV: Theo số liệu thống kê, các công viên đã bị xuống cấp nghiêm trọng, trong khi việc trùng tu, cải tạo còn gặp phải nhiều rào cản. Thưa ông, đâu là những lý do chính dẫn đến tình trạng trên?
TS.KTS Trần Minh Tùng: Cách làm công viên của chúng ta từ xưa đến giờ chủ yếu vẫn theo kiểu bao cấp mặc dù xã hội đã chuyển sang nền kinh tế thị trường từ năm 1986. Điều này xuất phát từ khái niệm công viên là một loại phúc lợi xã hội do Nhà nước cung cấp cho người dân.
Vì vậy việc xây dựng công viên đôi khi lại trở thành một gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong khi chúng ta đang có quá nhiều thứ khác phải chi tiêu. Công viên là cần thiết nhưng chưa hẳn là một vấn đề cấp thiết, do đó trong bối cảnh phải chia sẻ với nhiều khoản chi cấp thiết khác thì sự quan tâm của ngân sách cho công viên sẽ giảm xuống.
Công viên là một thể loại công trình phúc lợi khó đem lại lợi nhuận do đó việc xã hội hóa cũng trở nên khó khăn hơn bởi các doanh nghiệp tư nhân không thể nhìn thấy lợi nhuận từ đây.
Gần đây, các công viên đã bắt đầu mở cửa tự do cho tất cả người dân vào sinh hoạt thay vì phải mua vé, đây là một động thái theo xu thế dân chủ trên thế giới và rất đáng được hưởng ứng. Tuy nhiên, điều này lại trở thành rào cản cho tư nhân nếu muốn khai thác, đầu tư vào công viên.
Từ những lí do trên, công viên tại Hà Nội sống “lay lắt” và chất lượng khó có thể nâng cao được. Trong khi đó, cuộc sống của người dân đô thị lại đang tiến lên, bên cạnh các hình thức giải trí đơn giản, chúng ta cũng có thêm những nhu cầu vui chơi, giải trí hiện đại khác đòi hỏi các trang thiết bị đắt tiền.
Nếu công viên chỉ dành để đi dạo và vui chơi đơn thuần thì có vẻ nó không còn hợp thời với sự phát triển hiện nay, nhất là với giới trẻ.
Để tư nhân có thể tham gia hiệu quả, những điểm nào cần được lưu ý trong quá trình xây dựng khung pháp lý liên quan đến việc quy hoạch và xây dựng hệ thống công viên?
- Về bản chất công viên phải miễn phí và dành cho tất cả mọi người. Nếu tư nhân tham gia vào, Nhà nước cần có các quy chế bổ sung, giải pháp đảm bảo quyền lợi đi kèm với trách nhiệm. Mục tiêu của tư nhân luôn là lợi nhuận, và nếu các công viên chỉ chạy theo lợi nhuận sẽ lập tức mất đi tính phúc lợi xã hội.
Chẳng hạn như các nhu cầu về giải trí cao cấp cần các trang thiết bị hiện đại, tư nhân có thể thu phí để bù đắp khoản đầu tư, trong khi đó những loại hình giải trí phổ thông hơn có thể miễn phí cho người dân. Nói cách khác, các điều khoản nên rõ ràng phần nào có thể đem lại được lợi nhuận, phần nào không.
Về quy hoạch hệ thống công viên, cần xem xét tổng thể các dự án xây dựng trong khu vực. Chẳng hạn như chúng ta có thể thấy vấn đề của đường Lê Văn Lương là sự nhồi nhét các dự án nhà ở cao tầng riêng lẻ nhưng không đi kèm trách nhiệm phải đảm bảo các không gian công cộng, không gian mở cho người dân.
Các chủ đầu tư này ngầm hiểu rằng nếu xé lẻ ra nhiều dự án như vậy, họ không có trách nhiệm phải hoàn thiện hạ tầng xã hội, trong đó có công viên như các dự án khu đô thị mới. Như vậy, gánh nặng xây dựng công viên lại trở về áp lực lên ngân sách nhà nước. Chính vì thế, thành phố cần có những chính sách cụ thể hơn để tư nhân hiểu rõ trách nhiệm xã hội của mình.
Với nguồn ngân sách hạn hẹp như hiện nay, công viên nên ưu tiên tiếp tục xây mới hay cải tạo?
- Công viên được chia thành nhiều cấp độ, chẳng hạn như công viên cấp quốc gia, công viên cấp đô thị (hay công viên cấp thành phố), công viên cấp khu vực đô thị, công viên cấp khu dân cư (phục vụ cho một khu dân cư nhất định) và công viên của nhóm nhà (phục vụ cho một số nhà). Cấp càng cao tính công cộng càng cao và ngược lại.
Như vậy, công viên thuộc cấp khu dân cư hay nhóm nhà sẽ còn phải bảo đảm về mặt quyền lợi và tính riêng tư nên người dân từ các nơi khác không thể tiếp cận. Chẳng hạn như những công viên trong các dự án khu đô thị mới hay dự án nhà ở, để được sử dụng thì cần phải là cư dân của dự án do được đầu tư bởi chủ dự án.
Vì vậy, các công viên cấp đô thị do thành phố quản lý phải được bảo đảm về chất lượng, duy tu thường xuyên để phục vụ cho tất cả mọi người và có những đề xuất phát triển phù hợp thực tiễn với tình hình ngân sách.
Song hành với công tác tu sửa và cải tạo, trong bối cảnh dân số ngày càng tăng, việc xây mới luôn cần thiết. Công viên là một tiện ích kế cận, nghĩa là nhà ở xây đến đâu, công viên phải mở rộng đến đó. Hệ thống công viên phải xây dựng đều đặn, đảm bảo bán kính phục vụ để người dân có thể tiếp cận dễ dàng và đảm bảo chỉ tiêu về diện tích cây xanh, mặt nước theo số lượng người sử dụng dự kiến.
Theo quan sát tại những công viên được xây mới, số lượng người tham gia vẫn khá ít, có lúc chỉ bằng hiệu quả của một vườn hoa hay công viên mini tại khu dân cư, phải chăng công viên Hà Nội đã không còn hấp dẫn với người dân?
- Tham gia các hoạt động giải trí, văn hóa, nghệ thuật tại công viên là một nhu cầu bậc cao của con người. Trong khi đó, mức thu nhập và điều kiện sống của người dân tuy đã cải thiện nhưng chưa hẳn đã cao.
Hàng ngày còn rất nhiều người đang phải bươn chải mưu sinh, vì vậy, việc đến công viên có thể không nằm trong danh sách những thứ phải làm hàng ngày, hàng tuần của họ.
Bên cạnh đó, các công viên dần trở nên thiếu hấp dẫn và do lối tư duy xây dựng, công nghệ xây dựng của chúng ta chưa tiếp cận đến các xu thế mới hiện đại. Phần lớn công viên hiện nay đang ở trạng thái “tĩnh”. Tức là các công viên được xây lên để con người đến nhìn ngắm một cách thụ động. Xu hướng hiện nay là các công viên “động” với nhiều trang thiết bị có thể tương tác được với con người.
Các nhà đầu tư tư nhân nắm bắt điều này khá tốt nên họ tạo ra các công viên chuyên đề hoạt động hiệu quả hơn hẳn các công viên “của Nhà nước”. Tuy nhiên, hạn chế từ loại hình công viên tư nhân này là không phải người dân nào cũng có thể tiếp cận và phần nào góp phần vào việc phân cấp xã hội thông qua việc lựa chọn đối tượng sử dụng theo mức thu nhập của người dân.
Vậy từ góc độ tổng thể, hệ thống công viên tại Hà Nội hiện nay còn hiệu quả ra sao?
- Nhìn theo một hướng tích cực, hệ thống công viên “của Nhà nước” vẫn đang hiệu quả bởi sự phân hóa giàu nghèo diễn ra nhanh chóng, người có điều kiện sẽ lựa chọn những công viên chất lượng cao, có thu phí của tư nhân, còn người dân có mức sống thấp hơn sẽ lựa chọn công viên miễn phí “của Nhà nước”. Dù thuộc tầng lớp nào, mọi người cũng đang được đáp ứng những nhu cầu của bản thân về vui chơi, giải trí.
Chúng ta vẫn đang quen với suy nghĩ công viên là một loại phúc lợi xã hội thuần túy, được bao cấp và công bằng với tất cả mọi người sử dụng. Nhưng cơ chế thị trường lại xem công viên là những mảnh đất vàng chưa được sử dụng hiệu quả.
Vì vậy, trong định hướng, chúng ta cần phải phát triển đồng thời cả hai đặc tính của công viên: một là đặc tính phúc lợi xã hội của Nhà nước để đảm bảo quyền sử dụng của tất cả người dân, mặt khác là đặc tính kinh tế để có thể thu hút sự đầu tư từ khu vực tư nhân nhằm nâng cao chất lượng công viên, từ đó nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân.