Xét tuyển đại học không dùng điểm thi tốt nghiệp THPT: Kỳ thi quốc gia không còn tin cậy?
Việc trường đại học dự kiến không tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT dấy lên lo ngại sẽ không tạo được sự công bằng trong tuyển sinh, nhất là đối với thi sinh vùng nông thôn.
Học sinh bất ngờ, thay đổi kế hoạch học tập
Thông tin về đề án tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, trong đó có nội dung trường dự kiến không tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT từ năm 2023 đang được nhiều học sinh, giáo viên quan tâm.
Theo đó, từ năm 2023, trường dự kiến chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp, xét tuyển sớm với 100% chỉ tiêu, sau khi trừ số thí sinh tuyển thẳng theo quy chế.
Trường không tuyển theo các phương thức còn lại, kể cả sử dụng kết quả ba môn thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp - vốn là phương thức chủ đạo của Trường Đại học Kinh tế quốc dân trong những năm trước.
Không còn áp dụng phương thức xét tuyển theo tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp, kết quả từ kỳ thi này vẫn được dùng trong một số nhóm xét tuyển kết hợp, chẳng hạn chứng chỉ tiếng Anh với tổng hai môn thi tốt nghiệp.
Cụ thể, 70% chỉ tiêu đầu vào năm 2023 dành cho các thí sinh có chứng chỉ quốc tế, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy hoặc xét hai tiêu chí này cùng nhau. 30% còn lại dành cho những em xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh và các điểm học thuật khác.
Trước thông tin này, nhiều thí sinh không khỏi bất ngờ và lo lắng. Xác định đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân nên ngay từ đầu năm học lớp 11, em Nguyễn Gia Khánh học sinh lớp 11A2, Trường THPT Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) đã lên kế hoạch hoạch học tập và hiện tại em đang trong giai đoạn ôn để thi chứng chỉ tiếng Anh Quốc tế.
Dù đã có kế hoạch học và ôn luyện cụ thể nhưng ngay khi đề án tuyển sinh của trường đăng tải, Khánh bày tỏ băn khoăn rằng: “Với phương án tuyển sinh này, em lo lắng cơ hội trúng tuyển với các thí sinh liệu có càng khó khăn hơn?”.
Không chỉ có học sinh thành phố, với học sinh vùng nông thôn, đề án tuyển sinh dự kiến này khiến các em gia tăng áp lực.
Em Nguyễn Văn Bảo, học sinh lớp 11, Trường THPT Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tình) cho biết, điểm mới dự kiến theo đề án tuyển sinh của trường khiến em phải thay đổi kế hoạch học tập trong năm học mới.
Theo Bảo, phương thức xét tuyển kết hợp sẽ là một trở ngại lớn bởi em không có điều kiện học và thi chứng chỉ tiếng Anh Quốc tế. Vì vậy, hiện tại, Bảo đang chọn phương án ôn tập để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Năm học tới sẽ là áp lực lớn với em. Em đang phân vân thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào một trường đại học khác”, Bảo chia sẻ.
Chuyên gia nói gì?
Kể từ khi Luật Giáo dục được ban hành, các trường đại học bắt đầu mở rộng phương thức tuyển sinh với nhiều phương thức. Trường Đại học Kinh tế quốc dân là trường đầu tiên đưa ra dự kiến không tuyển sinh từ điểm thi tốt nghiệp THPT.
Điều này dấy lên lo ngại rằng tới đây, các trường đại học, đặc biệt là các trường top đầu sẽ dần không dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT là một phương thức xét tuyển độc lập.
Về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc tuyển sinh từ điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp với các tiêu chí khác là quyền của các trường đại học.
Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh, khi ra đề án về phương thức tuyển sinh, các trường phải tính toán cẩn thận xem có đủ năng lực để đề xuất phương thức xét tuyển đó hay không và đề án được Bộ GDĐT duyệt mới được áp dụng.
Bên cạnh đó, các trường phải chứng minh được kỳ thi tốt nghiệp THPT - một kỳ thi huy động toàn bộ các lực lượng tham gia không đáng tin cậy bằng kỳ thi do một trường tổ chức hoặc không bằng các phương thức xét tuyển khác. Việc trường chứng minh được kỳ thi tốt nghiệp này không đạt yêu cầu thì khi đó đưa ra phương thức xét tuyển khác mới thuyết phục.
TS Lê Viết Khuyến cũng đặt câu hỏi: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nhưng không dùng để làm phương thức tuyển sinh độc lập mà còn phải kết hợp với các phương thức khác, liệu có đi ngược với tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương?”.
Dưới góc độ giáo viên, bà Đào Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Đảo 2 (Vĩnh Phúc) khẳng định ý nghĩa của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là kỳ thi đánh giá cả quá trình cố gắng 12 năm học tập của học sinh phổ thông.
Vì vậy, dù các trường đại học tới đây không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển độc lập hay thay đổi theo bất kỳ hình thức nào, học sinh cũng cần phải thích ứng và đổi mới.
Theo bà Hà, thay đổi dự kiến này có thể gây bất lợi cho học sinh ở nông thôn, miền núi khi không có điều kiện dự thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc không đủ điều kiện thi đánh giá năng lực.
Song, bà Hà đưa ra lời khuyên: “Các em học sinh không được chủ quan, lơ là mà phải nỗ lực học tập bởi còn rất nhiều ngôi trường khác sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Thế nên, các em có rất nhiều sự lựa chọn cho các trường có chương trình đào tạo tương tự”.