Sợ sai, sợ trách nhiệm hay còn gì nữa?
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế và các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế, chiều ngày 23/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành Y tế cần nhanh chóng rà soát các quy định để làm tốt hơn, tránh tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm. Cần chỉ ra nguyên nhân của việc thiếu thuốc, vật tư y tế, trong đó có trách nhiệm của Bộ Y tế.
Vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân với tinh thần trách nhiệm cao nhất, Thủ tướng đề nghị rà soát lại, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về đấu thầu tập trung cả ở Trung ương, địa phương trên tinh thần công khai, minh bạch, khách quan, rõ ràng, không được tiêu cực, tham nhũng. Bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ cho các cơ sở y tế, trước mắt là thuốc theo diện bảo hiểm y tế.
Trước đó, ngày 20/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng cũng đã khẳng định, không để thiếu thuốc, vật tư gây ảnh hưởng cho công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Các bộ, ngành liên quan cần có văn bản hướng dẫn về mua sắm tập trung để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.
Như vậy là chỉ trong 3 ngày, đã có 2 cuộc họp quan trọng do lãnh đạo Chính phủ chủ trì nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về việc thiếu thuốc chữa bệnh, vật tư, trang thiết bị y tế; cho thấy tình hình đã ở mức nghiêm trọng.
Có nhiều nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ người bệnh, tuy nhiên nổi lên là việc ngành y sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị thanh tra, điều tra khi tổ chức mua bán. Nỗi lo sợ này xuất phát từ chỗ thời gian qua hàng loạt quan chức ngành y từ Trung ương đến địa phương đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, liên quan đến việc thông thầu, nâng khống giá, bắt tay với doanh nghiệp tư nhân mua bán, lắp đặt, sử dụng những loại máy móc đắt tiền - dưới danh nghĩa xã hội hóa, để trục lợi.
Tâm lý này đã dẫn đến sợ hãi không dám tổ chức đấu thầu.
Cùng đó, theo đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, còn một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng. Đó là các bệnh viện rơi vào tình thế bị động trong mua sắm thuốc thuộc danh mục đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia (công việc này do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thực hiện theo quy định). Nếu chờ có kết quả từ Trung tâm này thì nhiều khả năng thuốc bị thiếu. Còn nếu chủ động đấu thầu lại sẽ gặp khó khăn trong thanh toán khi Trung tâm có kết quả đấu thầu với giá thấp hơn giá mua của các bệnh viện đã đấu thầu trước đó.
Như vậy, vấn đề thủ tục từ Bộ Y tế (cụ thể là từ Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia) đã và đang gây khó cho các bệnh viện, khi họ không dám chủ động tự tổ chức đấu thầu, mua bán thuốc, trang thiết bị y tế để phục vụ người bệnh. Cùng với “đả thông tư tưởng” để cán bộ không sợ sai, chủ động trong công việc thì lãnh đạo Bộ Y tế cũng cần chỉ cho Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia phải thấy rõ trách nhiệm của mình, sớm thông báo kết quả đấu thầu tập trung để các đơn vị y tế có cơ sở thực hiện.
Vướng mắc cũng chính là ở khâu này.
Một lần nữa xin được nhắc lại một nghịch lý đang diễn ra: đó là trong khi các bệnh viện công thiếu thuốc nhưng các nhà thuốc bên ngoài thì thuốc gì cũng có. Trong khi Bộ Y tế và Bảo hiểm Y tế kêu gọi người dân tham gia bảo hiểm y tế, nhưng khi tham gia rồi lại không được hưởng ưu đãi như mong muốn. Thuốc điều trị thiếu, máy móc tiên tiến không có. Như vậy, người tham gia đóng Bảo hiểm Y tế thiệt thòi vì không được hưởng các chính sách vốn dĩ họ phải được thụ hưởng.