Tuyển sinh đại học: Điểm ưu tiên phải đúng đối tượng
Tất cả các trường đại học (ĐH), cao đẳng hiện nay đều có nhiều hơn 1 phương thức xét tuyển vào trường. Trong đó, phương án xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là một trong những phương án phổ biến nhất. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng và tạo thuận lợi cho các thí sinh, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề xuất cần có những thay đổi trong thời gian tới.
PV:Theo quy chế tuyển sinh ĐH 2022 vừa được Bộ GDĐT ban hành, những thí sinh có điểm thi tốt nghiệp càng cao càng giảm điểm cộng ưu tiên nhằm hạn chế tình trạng thí sinh 29, 30 điểm vẫn trượt ĐH. Một lần nữa, câu chuyện vào ĐH bằng điểm thi thực chất được đặt ra, ông có ủng hộ?
TS LÊ VIẾT KHUYẾN: Không có công bằng tuyệt đối trong mọi vấn đề, tuyển sinh ĐH cũng vậy. Vào ĐH bằng điểm thi thực chất, tôi ủng hộ trên quan điểm điểm thi là đúng thực lực của thí sinh, không mua bán, đổi chác, gian dối. Còn việc cộng điểm ưu tiên cho một số đối tượng thí sinh lại là câu chuyện khác bởi xét về điều kiện học tập, môi trường sống,… thì sự thiệt thòi của các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa so với thí sinh ở thành phố là điều không phải bàn cãi. Vấn đề ở đây là phải minh bạch và đúng đối tượng.
Ông nghĩ sao khi nhiều nước phát triển giáo dục như Mỹ, Anh… không có chính sách cộng điểm ưu tiên khi tuyển sinh ĐH?
- Điều này không có gì ngạc nhiên khi bối cảnh văn hóa, truyền thống, phương pháp đánh giá năng lực thí sinh của từng nước là khác nhau. Theo tôi biết, tuyển sinh ĐH ở Mỹ cũng rất đa dạng. Một số trường ĐH tuyển sinh chủ yếu dựa trên kết quả của kỳ thi SAT. Thí sinh chỉ cần đạt 700, 800 điểm là đã có đến 90% được tuyển vào các trường ĐH này rồi.
Trong khi đó, những ĐH danh tiếng, họ lấy thí sinh có điểm thi SAT từ 1.200-1.400 và tiếp đó thi tuyển vòng 2 hoặc căn cứ vào các năng lực khác như khả năng hoạt động xã hội, những đóng góp cho cộng đồng. Nghĩa là họ không chỉ đưa ra 1 tiêu chí, không tuyệt đối một điểm thi, điểm trung bình môn học… mà xét tuyển toàn diện các năng lực của thí sinh để từ đó quyết định thí sinh đó có trúng tuyển hay không. Thí sinh cũng không có quyền thắc mắc về việc tại sao trường lấy người điểm thấp hơn mà không lấy người điểm cao vì điểm thi chỉ là một trong nhiều căn cứ tuyển sinh.
PV:Tuyển sinh xét trên năng lực toàn diện của thí sinh cũng đang là mục tiêu nhiều trường ĐH hướng tới khi thực hiện tự chủ tuyển sinh. Song điều này có làm gia tăng thêm áp lực cho thí sinh và gia đình hay không khi chỉ tính riêng các phương thức tuyển sinh ĐH năm nay cũng đã ghi nhận tới hơn 20 phương thức tuyển sinh khác nhau?
- Tự chủ không có nghĩa là thả nổi. Trước khi các trường công bố đề án tuyển sinh đều phải trình Bộ GDĐT. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GDĐT cần kiểm soát chặt chẽ không chỉ về chỉ tiêu tuyển sinh, các phương thức tuyển sinh làm sao để không gây xáo trộn lớn trong việc tuyển sinh, đảm bảo quyền lợi của các thí sinh ở mọi vùng miền đất nước.
Tôi lấy ví dụ, có những ngành đào tạo không phải chuyên về ngoại ngữ, tại sao một trong các phương thức tuyển sinh lại căn cứ vào điểm thi IELTS, TOEFL… với điều kiện đi kèm là tốt nghiệp THPT? Năng lực ngoại ngữ mặc dù rất cần thiết nhưng chỉ nên là một trong những điều kiện để được cộng điểm ưu tiên so với các thí sinh khác có cùng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc cùng điểm trung bình học bạ (nếu xét tuyển bằng học bạ)… đối với các ngành học không phải là ngoại ngữ. Điều này cũng phù hợp với quan điểm công bằng trong tuyển sinh ĐH. Bởi chúng ta đều biết, các thí sinh ở thành phố sẽ có nhiều ưu thế hơn so với các thí sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong việc học ngoại ngữ. Nếu hàng loạt thí sinh đổ xô đi thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ để chắc suất vào ĐH thì những cơ hội học ĐH của những thí sinh vùng khó sẽ càng khó hơn.
Tôi ủng hộ xét tuyển toàn diện năng lực của thí sinh bởi ngoài việc điểm số, còn cần tính đến sự phù hợp với ngành học của thí sinh. Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị đối với các ngành hot, có điểm thi năm nào cũng ở mức cao và rất cao, các trường nên thực hiện tuyển sinh 2 vòng. Trong đó, ở vòng 1 có thể lấy các thí sinh có điểm thi tốt nghiệp từ một mức nào đó, chẳng hạn 25 điểm thay vì 29 điểm mới đỗ vào ngành đó. Trong 2.000 thí sinh có điểm thi từ 25 này, nhà trường tổ chức thi vòng 2 với bài thi phù hợp với yêu cầu của ngành học. Chẳng hạn, với ngành báo chí là bài thi tự luận về một vấn đề của xã hội, ngành y đa khoa là bài thi về giải phẫu sinh lý… Việc chỉ căn cứ vào điểm số duy nhất của một kỳ thi là sẽ tạo áp lực lớn cho các thí sinh và nhà trường bởi với những ngành hot, thực tế có những thí sinh 29 điểm vẫn trượt là điều đã xảy ra. Kéo theo đó là những tranh cãi về điểm ưu tiên, điểm trúng tuyển ra sao nếu thí sinh thi lần 1, lần 2, làm sao để công bằng…
Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng thí sinh 29, 30 điểm vẫn trượt ĐH, tôi cho rằng khâu ra đề thi cần phải cải tiến làm sao để tăng khả năng phân hóa giữa các thí sinh nhóm khá và giỏi. Cần bám sát trình độ học sinh trong cả nước để xây dựng đề thi không rơi vào tình trạng mưa điểm 10 hoặc ngược lại, quá khó khiến đánh giá chất lượng dạy và học phổ thông không chính xác.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đối với những ngành hot, ngành có điểm trúng tuyển cao khiến cho những thí sinh 29, 30 điểm thi tốt nghiệp vẫn có nguy cơ trượt ĐH vì không có điểm cộng ưu tiên, TS Lê Viết Khuyến đề xuất cần xem xét việc thi tuyển 2 vòng với vòng 1 là điểm thi tốt nghiệp, vòng 2 là định hướng nghề nghiệp - sự phù hợp của thí sinh với ngành học.