Giao thông khó thu hút đầu tư, vì sao?
Theo nhận định của giới chuyên gia, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nhưng đến nay còn nhiều bất cập, thiếu các quy định, hướng dẫn… nên việc thu hút đầu tư PPP trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được như kỳ vọng.
Nhiều quy định làm nản lòng nhà đầu tư
Theo các Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á, hợp tác công tư theo mô hình BOT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông hiện là mô hình được dùng nhiều nhất tại châu Á, chiếm gần 46% trong số hợp đồng đối tác công - tư (không kể các hợp đồng dịch vụ). Ở Việt Nam, thực tế cũng ghi nhận các dự án BOT hạ tầng giao thông đã góp phần thay đổi diện mạo giao thông đường bộ. Tuy nhiên, quá trình xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực này trước đây được thực hiện trong bối cảnh thiếu khung pháp lý đầy đủ ở mức độ đạo luật, thiếu các hướng dẫn đồng bộ gây ra một số vấn đề cần sớm tháo gỡ và giải quyết.
Đề cập đến vấn đề này, ông Trần Chủng- Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, cho rằng mặc dù luật PPP đã có hiệu lực nhưng phương thức đối tác công tư này không đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong khi đó dư địa cho huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư các dự án công còn rất lớn.
Theo ông Chủng, bản chất của phương thức PPP là Nhà nước và tư nhân cùng ký hợp đồng để phân chia lợi ích, rủi ro cũng như trách nhiệm trong xây dựng công trình hay cung cấp dịch vụ công. Như vậy, hai chủ thể này là đối tác bình đẳng theo pháp luật dân sự thông qua hợp đồng dự án. Nhưng ông Chủng cho biết Luật PPP không có điều nào quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của hai chủ thể này.
Cũng theo ông Chủng, các nhà đầu tư quá mệt mỏi khi các cơ quan nhà nước quản lý các dự án này với vốn tư nhân đầu tư chiếm 80% nhưng được đối tác “soi” vào đủ thứ. Quy định pháp luật trong đầu tư theo phương thức đối tác công tư đặt quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư bình đẳng, hài hoà lợi ích các bên. Tuy nhiên, trong khi cơ quan nhà nước yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện nhiều cam kết, nếu không thực hiện đúng sẽ bị xử lý vi phạm nhưng ở chiều ngược lại, cơ quan nhà nước trong các trường hợp không thực hiện đúng cam kết như cấp vốn chậm, tự cắt trạm thu phí theo phương án tài chính; không tăng phí theo cam kết; mở đường song hành làm giảm lưu lượng; ra lệnh đóng trạm hay áp đặt điều kiện thu phí không dừng…, làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ngân hàng thì không có chế tài xử lý.
Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng
Đồng quan điểm ông Dương Đăng Huệ- Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp, cho biết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định của Luật PPP và các văn bản hướng dẫn thi hành còn diễn ra khá phổ biến. Ví dụ như Khoản 3, Điều 8 Nghị định số 28 ngày 26/3/2021 quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư như sau: nhà đầu tư phải chủ động bỏ vốn chủ sở hữu, vốn vay để thực hiện các hạng mục công trình trước. Chỉ sau khi hạng mục công trình đó đã được cơ quan ký kết hợp đồng dự án xác nhận là đã hoàn thành thì mới được Nhà nước giải ngân.
Từ những vướng mắc trên, theo các chuyên gia, cần sớm hoàn thiện văn bản pháp luật, bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của hai chủ thể này trong PPP nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia PPP. Đồng thời, nới biên độ tỉ lệ hỗ trợ của ngân sách nhà nước (có thể hơn 50%) tùy vào tính chất và đặc thù của từng dự án cũng là giải pháp cần làm ngay nhằm hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt các dự án ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới hay vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với những dự án có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc gia, biên giới, biển đảo, vùng dân tộc, nhà nước cần có những ưu đãi nhất định, có sự tham gia nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước như là vốn mồi để hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân tham gia. Vốn mồi đó có thể thông qua tỷ lệ vốn đầu tư công tăng hỗ trợ cho các dự án vùng sâu, vùng xa mà lưu lượng xe thấp hoặc nhà nước đầu tư vào các hạng mục công trình có xuất đầu tư lớn như cầu, hầm lớn và bằng các chính sách khác hấp dẫn thêm nhà đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) Nguyễn Hải Minh, Luật Đất đai cấm việc thế chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất để đảm bảo cho bên vay nước ngoài, khiến bên nước ngoài không dám cho vay vì không có bảo đảm. Cùng với đó, việc thiếu các hướng dẫn hiện hành liên quan tới Quỹ Bù đắp tài chính và thời gian thu xếp tài chính quá ngắn chỉ 18 tháng kể từ khi ký kết hợp đồng dự án cũng khiến các nhà đầu tư e ngại. Chính vì vậy, cần sớm ban hành các hướng dẫn rõ ràng cho Luật PPP và đưa các quy định hiện hành lên một tiêu chuẩn quốc tế nhằm gia tăng sự hấp dẫn của các dự án PPP Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời tiếp tục làm tinh gọn các chính sách và hướng dẫn liên quan đến các dự án PPP, bao gồm thực hiện các quy định tập trung vào các yếu tố chủ yếu như khả năng huy động và giải ngân của nguồn vốn và các biện pháp hỗ trợ tín dụng.
Theo ông Trần Chủng- Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, vấn đề quan trọng là năng lực triển khai thể chế vào thực tiễn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ cách tổ chức đến con người thực hiện. Phải tạo sự minh bạch, bình đẳng để nhà đầu tư tin cậy, yên tâm bỏ vốn vào làm ra những công trình phục vụ đất nước, phục vụ người dân.