Xuất khẩu thủy sản bứt phá
Năm 2022, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 4,7 tỷ USD, tăng 44% so cùng kỳ năm 2021.
Theo VASEP, 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 160 thị trường, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang tất cả các thị trường chính đều bứt phá với tăng trưởng 2 con số. Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm nay, các nhà máy chế biến cá tra Việt Nam đều đã nỗ lực chạy hết công suất chế biến, tổng giá trị xuất khẩu đạt 1,21 tỷ USD, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng tốt ở hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn bù đắp cho hơn 3 năm ngành cá tra bị tổn thương nặng nề do Covid-19. Dự báo, xuất khẩu cá tra có thể đạt 2,6 tỷ USD trong năm nay.
“Trong các tháng 3, 4 và 5, xuất khẩu thủy sản đạt mức kỷ lục với 1 tỷ USD/tháng. Ước tính 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt xấp xỉ 6 tỉ USD" - ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho hay.
Cũng theo ông Hòe, bên cạnh những điều kiện thuận lợi như nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các thị trường chính đều tăng mạnh sau dịch Covid-19; doanh nghiệp (DN) tận dụng lợi thế thuế quan ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường như EU, Australia, Canada, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Anh…, ngành thủy sản cũng đối diện với nhiều khó khăn.
Cụ thể, các DN có thể thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu; dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine khiến chi phí đầu vào tăng mạnh làm xói mòn lợi nhuận của người nuôi và DN, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Cùng với đó là cước vận tải biển tăng gấp 6-10 lần so với trước dịch, thiếu container để vận chuyển. Chính sách “zero Covid-19” nghiêm ngặt tại Trung Quốc gây ách tắc xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Bên cạnh những khó khăn trên, theo giới chuyên gia vấn đề gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU trong đánh bắt hải sản là vấn đề rất đáng lưu tâm đối với ngành chế biến và xuất khẩu hải sản Việt Nam.
Đề cập đến vấn đề gỡ "thẻ vàng" IUU của Ủy ban châu Âu (EC), ông Hòe cho biết, kể từ khi EC đưa ra cảnh báo vào năm 2017 về “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định (IUU), Việt Nam vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU. Các thủ tục chứng nhận cho nguyên liệu khai thác cũng còn quá nhiều hạn chế.
Trong khi đó, IUU hiện không còn là yêu cầu riêng của EU mà đang dần trở thành yêu cầu của các thị trường lớn khác. Cụ thể, Nhật Bản mới đây cũng đã thông qua đạo luật về việc chống đánh bắt bất hợp pháp. Điều này đặt ra thách thức cho các DN khi sử dụng nguồn nguyên liệu đánh bắt có chứng nhận.
Trước đó, tại "Hội nghị đối thoại kiểm soát IUU và kết nối ngư dân - cơ sở thu mua - DN và địa phương" do VASEP phối hợp Chi cục Thủy sản Khánh Hòa tổ chức, nhiều ngư dân cũng như DN phản ánh, khó khăn của ngư dân khi thực thi quy định IUU là bởi thu nhập từ nghề đánh bắt hải sản quá thấp. Trong khi đó, phí tổn xăng dầu quá cao, ngư trường trong nước cạn kiệt, sản lượng đánh bắt thấp... Điều này khiến ngư dân vô tình có những hành động vi phạm khi đánh bắt.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó Chủ tịch VASEP cũng cho biết, VASEP vừa tổ chức chuyến công tác tại 3 tỉnh Bình Định, Khánh Hòa và Phú Yên nhằm ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các ngư dân, cảng cá, các chi cục thủy sản trong hơn 4 năm nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU. Theo đó, đối với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá, thời gian qua có tình trạng các tàu tắt định vị khi đi tới vùng biển có cá nhằm “giữ vùng biển đó cho riêng mình”. Điều này là vi phạm quy định. Việc ghi chép nhật ký khai thác cũng còn nhiều sai sót.
Từ những tồn tại trên, bà Sắc cho rằng, để thúc đẩy gỡ thẻ vàng, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ ngư dân sử dụng nhật ký điện tử để cập nhật đúng số liệu, tránh tình trạng số liệu không trùng khớp do ghi tay. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ hỗ trợ số hóa thông tin để tập hợp, truy cập, truy xuất nhanh nhằm thuyết phục EC gỡ thẻ vàng nhanh nhất có thể.
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2022 sẽ chạm ngưỡng 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,2 tỷ USD, xuất khẩu cá tra đạt 2 tỷ USD và xuất khẩu hải sản đạt 3,8 tỷ USD. Nếu đạt được con số này, đây là con số xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cao nhất từ trước đến nay. Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP, dù còn khó khăn nhưng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng có nhiều thuận lợi vì nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các thị trường chính đều tăng mạnh sau dịch Covid-19.