Tiểu vùng Nam Trung Bộ: Liên kết để cùng phát triển

Thùy Trang 25/06/2022 15:00

Ngày 24/6, tại thành phố Nha Trang, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với tỉnh Khánh Hòa, tổ chức buổi tọa đàm về việc liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ trong bối cảnh mới.

Một đoạn cao tốc nối Nha Trang (Khánh Hòa) với Đà Lạt (Lâm Đồng).Ảnh: Đức Tài

Phát biểu tại tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ trong bối cảnh mới có ý nghĩa rất quan trọng. Tiểu vùng Nam Trung bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) có diện tích khoảng 21.523,4 km2; dân số khoảng 3,95 triệu người, mật độ dân số khoảng 186 người/km2. Tiểu vùng có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng với quần đảo Trường Sa và thềm lục địa rộng lớn; có nhiều eo, cửa sông, vũng, vịnh thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, vận tải với kết cấu hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi gồm 2 sân bay, một số cảng, đường sắt, đường bộ Bắc - Nam đi qua, gần TP Hồ Chí Minh và là cửa ngõ của Tây Nguyên ra Biển Đông. Tiểu vùng Nam Trung bộ có điều kiện phát triển các khu kinh tế biển gắn với phát triển công nghiệp cơ khí đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, khí cụ điện, công nghiệp chế biến nông sản, thủy hải sản, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, dệt, đường và các ngành công nghiệp nhẹ khác; phát triển khai thác hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm sú; có điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống các âu thuyền và cầu tàu ở các vùng cửa sông và đảo nhỏ ven bờ; là khu vực có thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa dân tộc gắn với phát triển các đô thị ven biển như thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), thành phố Phan Thiết (Bình Thuận)…

Tuy nhiên, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng lưu ý, tiểu vùng còn chưa tự cân đối được ngân sách; quy mô nền kinh tế còn nhỏ và dễ bị tổn thương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chưa có sự đột phá; tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn khá lớn; các ngành thâm dụng lao động và giá trị gia tăng cao chưa có tỷ trọng lớn và chưa giữ được vai trò chủ đạo. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện chậm; nguồn vốn đầu tư mới đáp ứng một phần yêu cầu phát triển...

Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh và không đồng bộ, các đô thị chưa được liên kết tốt để tạo thành một hệ thống thống nhất. Liên kết vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động; thiếu vai trò “nhạc trưởng” định hướng, dẫn dắt. Do vậy việc liên kết vùng là xu hướng tất yếu để cùng nhau phát triển.

Thùy Trang