Bùng nổ du lịch hè

NGỌC HÀ - B.QUYÊN 26/06/2022 09:14

Hiện đang bước vào lúc người người nhà nhà đi du lịch. Đây cũng là cơ hội tốt cho ngành du lịch có thêm động lực phục hồi mạnh mẽ trở lại sau thời gian dài khó khăn do Covid-19. Tuy nhiên, như chiếc lò xo bị nén lâu ngày, du lịch đang bung mạnh khiến các tour du lịch hè tăng từng ngày, còn khách sạn, vé máy bay kín chỗ đến hết tháng 7. Nhưng liệu các sản phẩm du lịch có mới mẻ, đáp ứng được nhu cầu của du khách? Liệu những “bệnh cũ” của du lịch Việt có được cải thiện?

Bãi tắm ở Cát Bà đông nghẹt.

Du khách “nghẹt thở”

Mùa hè đến, nhu cầu du lịch biển ngày càng tăng. Theo ghi nhận, hầu hết các cơ sở lưu trú tại địa bàn như: Trung tâm thị trấn Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng), các địa phương có bãi biển của tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa… đều đã kín phòng đến hết tháng 7, đầu tháng 8.

Cuối tuần các bãi tắm gần trung tâm thị trấn Cát Bà bị quá tải, nhiều du khách sẵn sàng bắt tàu ra các đảo hoang để tận hưởng một mùa hè yên tĩnh nhưng cũng không tránh khỏi cảnh ồn ào, đặc kín người. Tại đảo Khỉ, trước đây bãi biển này không nhiều du khách lui tới nhưng nay cũng đông nghẹt.

Muốn có khoảng trời riêng, khu vực vịnh Lan Hạ còn rất nhiều bãi tắm đẹp, du khách có thể đi theo đoàn hoặc ghép tour để ra đảo nhưng giá khá đắt đỏ, khoảng 200.000 đồng/khách. Một số tour trọn gói đi tham quan đảo hoang, lặn ngắm san hô giá từ 500.000 đến 1.000.000 đồng/khách.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh: Tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho du lịch hè

Các địa phương và doanh nghiệp cần tập trung khai thác tốt giá trị văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, danh lam thắng cảnh và đặc biệt là tài nguyên du lịch biển của Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển điểm đến mới, đường bay mới theo nhu cầu và xu hướng mới. Không ngừng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Có những chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong du lịch.

Cần tập trung làm mới sản phẩm du lịch như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái, nông thôn; du lịch MICE. Trong đó, sản phẩm du lịch biển đảo phải được định hình rõ nét hơn với việc hình thành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế... Bên cạnh đó cần tập trung cho hoạt động xúc tiến quảng bá thông qua việc ứng dụng công nghệ số và các mạng xã hội. Quan tâm vấn đề quản lý điểm đến và phát triển bền vững, liên kết để tạo ra những sản phẩm du lịch mới với sức hấp dẫn và cạnh tranh cao.

Chúng tôi luôn đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp du lịch và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho du lịch hè 2022, tạo điều kiện để hoạt động kinh doanh du lịch được bình đẳng, môi trường du lịch văn minh góp phần sớm khôi phục và phát triển ngành du lịch.

Tuy vậy, đã có không ít du khách than thở về điểm đến Cát Bà, chị Trần Bảo Vân, Hà Nội nói: Do quá đông đúc nên dịch vụ của Cát Bà không được như mong muốn, phòng khách sạn điện yếu, thiếu nước sạch. Ra bãi biển thì chật như nêm, bãi biển ô nhiễm, xả rác bừa bãi...

Để đặt được bữa ăn thì quá vất vả, từng đoàn phải chen lấn như “đánh trận”, đã thế nhà hàng còn cho ăn đồ đông lạnh. Đó là chưa kể giá dịch vụ cao gấp 2, 3 lần những nơi khác khiến du khách như bị “chặt chém”. Phòng khách sạn có mức giá 1.000.000 đồng/ngày mà không khác gì nhà trọ. Đi lại vất vả, tàu phà chen chúc dài cả cây số…

Cuối quần qua, tỉnh Quảng Ninh đón lượng khách tăng mạnh với khoảng 160.000 lượt người tới tham quan các danh lam thắng cảnh, khu di tích trên địa bàn. Trong đó, riêng vịnh Hạ Long đón 53.000 lượt khách.

Đây là con số cao nhất của vịnh Hạ Long kể từ khi du lịch mở của trở lại. Số du khách tăng cao cũng khiến du lịch Quảng Ninh quá tải khiến du khách “nghẹt thở”.

Còn tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), anh Nguyễn Việt Tuấn đến từ Bắc Ninh chia sẻ: Gia đình tôi tránh ngày cuối tuần nhưng đầu tuần vẫn đông kín người đến nghỉ ngơi, tắm biển.

Hầu hết các khách sạn trên địa bàn, nhân viên lễ tân ở đây đều trả lời đã có khách đặt trước đó. Vì chủ quan không đặt phòng trước nên gia đình tìm cả buổi chiều mới thuê được một nhà nghỉ dạng homestay.

Nhiều người dân địa phương thông tin, để đặt được phòng nghỉ tại khu nghỉ dưỡng cao cấp thì phải đặt trước khoảng 1 tháng. Giá dịch vụ thuê cả căn biệt thự từ 8 - 10 phòng dao động khoảng 16 triệu đồng/ngày đêm (ngày thường). Còn cuối tuần thì khoảng 23-25 triệu đồng/ căn biệt thự.

“Tuần trước, tôi gọi đặt phòng khách sạn trong khu 5 sao nhưng không có phòng trống, nên tôi phải đặt khách sạn bên ngoài. Nhưng khách sạn bên ngoài loại tốt cũng không còn trong 2 ngày cuối tuần. Do vậy, cả gia đình phải đi từ đầu tuần. Nhưng đầu tuần thì vẫn chen chân, giá cả ăn uống thì đắt đỏ”, chị Trần Ngọc Hòa, du khách đến từ Hà Nội cho biết.

Có một kỳ nghỉ như “hành xác” tại Sầm Sơn (Thanh Hóa): Chị Thùy Dương, du khách từ Thái Nguyên cho rằng: Nên lấy chất lượng khách làm tiêu chí chứ không phải lấy số lượng khách như hiện nay. Thiên nhiên có phong phú bao nhiêu thì cũng sẽ bị tàn phá nếu không biết cách tận dụng vào du lịch.

Nhiều quốc gia có cảnh đẹp, và họ chủ trương thà ít khách mà giữ được tài nguyên. Vì thế dịch vụ của họ khá cao nhưng luôn luôn thu hút. Nhiều điểm đến du khách nội địa đi một lần là sợ chứ đừng nói tới khách nước ngoài.

Không chỉ với các kỳ nghỉ ở biển đảo, khách du lịch đến Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng đang tăng chóng mặt. Phòng Văn hóa Thông tin TP Đà Lạt cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, tổng lượng khách đến Đà Lạt tham quan, nghỉ dưỡng ước đạt 500.000, tăng 22,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Lượng khách nội địa ước khoảng 494.000 lượt, tăng 23 lần so cùng kỳ năm 2021 (qua lưu trú 344.500 lượt khách). Khách quốc tế cũng bắt đầu tăng trở lại với 6.000 lượt, tăng 13,3 lần so cùng kỳ năm 2021 (qua lưu trú 5.500 lượt khách).

Ghi nhận ngay từ đèo Prenn - cửa ngõ vào Đà Lạt, rất nhiều xe chở khách từ 29 đến 45 chỗ lên Đà Lạt nghỉ ngơi, tham quan du lịch. Trên các trục đường chính và các tuyến đường lớn khu vực trung tâm thành phố, lưu lượng xe đi lại đông đúc dù không phải dịp cuối tuần. Nhiều quán ăn, điểm tham quan, khu du lịch luôn trong tình trạng đông khách, thậm chí quá tải ở một số cơ sở ăn uống.

Mặt khác, trước áp lực giá xăng dầu tăng cao, giá vé máy bay đến các điểm du lịch nội địa trong dịp cao điểm hè rơi vào tình trạng nhích giá từng ngày. Chị Nguyễn Thị Hoa (Long Biên, Hà Nội) cho biết, đặt vé máy bay cho cả gia đình gồm 4 người lớn, 2 trẻ em đi Phú Quốc vào giữa tháng 7 nhưng giá vé tăng cao cộng với tiền phòng khách sạn 3-4 sao, chưa tính ăn uống đã ngót nghét 30 - 35 triệu đồng.

Chị Hoa cho biết, giá vé rẻ nhất của Vietjet cho mỗi người chặng khứ hồi Hà Nội - Phú Quốc hơn 3,7 triệu đồng/vé, tính ra cả gia đình 6 người tốn gần 19 triệu đồng tiền vé. Cùng thời điểm này, vào những dịp du lịch hè trước đó, vé chỉ khoảng 9 - 12 triệu đồng dành cho 6 người. Dù canh vé đúng ngày hãng bay khuyến mãi và đặt vào khung giờ sáng sớm hoặc tối muộn nhưng giá vé vẫn cao.

Các đại lý bán vé máy bay khẳng định thời điểm hè không dễ mua được giá ưu đãi, nếu có chỉ 1 - 2 chỗ trên chuyến bay mở bán với giá rẻ nhưng cộng thuế phí vào đã lên đến tiền triệu. Cùng với đó, giá xăng tăng mạnh lại càng không có chuyện hàng không giảm giá vé. Mua gần ngày bay thì chắc chắn giá vé sẽ càng đắt hơn. Do đó hành khách cần có kế hoạch đặt mua vé sớm.

Chất lượng dịch vụ vẫn… hạn chế

Có thể thấy, du lịch đang phục hồi trở lại và mùa du lịch hè 2022 là thời điểm vàng để ngành công nghiệp không khói này hồi sinh. Dù đã có sự chuẩn bị sau 2 năm dịch bệnh Covid-19 về dịch vụ nhưng vẫn thấy ngành du lịch còn nhiều hạn chế, chất lượng dịch vụ chưa cao, sản phẩm đơn điệu.

Một trong những vấn đề lớn mà du lịch Việt Nam đang phải đối mặt là ô nhiễm môi trường, cảnh quan bị xâm hại. Trong một thời gian dài khách nội địa cũng như quốc tế thích thú với vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc của các danh thắng, nhưng ngày nay nhiều nơi bị ô nhiễm, giao thông ách tắc do lượng khách lớn và hạ tầng xuống cấp.

Như tại Vịnh Hạ Long, số rác thu gom hàng năm trên vịnh là hơn 1.000 tấn, hầu hết là đồ nhựa như vỏ chai lọ, túi nilon, phao xốp. Tính riêng lượng rác thải nhựa ra biển, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới, ở mức 0,28 - 0,73 triệu tấn.

ThS Nguyễn Lâm Tùng - Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển THT nêu: Tình trạng mất vệ sinh, an ninh, trật tự tại các điểm du lịch vẫn thường xuyên xảy ra; taxi dù, hiện tượng chèo kéo, bán hàng rong, lừa đảo, ép khách du lịch vẫn thường xuyên diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là vào mùa cao điểm...

Trong khi đó, nguồn tài nguyên du lịch còn chưa được thống kê, đánh giá, phân loại và xếp hạng để quản lý khai thác một cách bền vững, hiệu quả, dẫn tới tài nguyên du lịch thì nhiều, nhưng khai thác bừa bãi, mới dừng ở bề nổi, khai thác cái sẵn có chưa phát huy giá trị của tài nguyên.

Theo ThS Tùng, sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể kinh tế và các ngành, tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về công nghệ dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích... tác động tiêu cực tới phát triển du lịch bền vững.

Tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá cũng chưa được nâng cao. Sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn chậm đổi mới, nghèo nàn, đơn điệu, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo, còn trùng lặp giữa các vùng miền, giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm du lịch thấp, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm.

Công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản, chưa hiệu quả; mới dừng ở quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch. Kinh phí Nhà nước đầu tư còn hạn chế, chưa tạo được hiệu ứng kích cầu.Hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng tiếp cận điểm đến còn thiếu đồng bộ. Nguồn nhân lực du lịch cũng là điểm yếu kém lớn của ngành du lịch.

Chủ tịch Lux Group Phạm Hà cũng chỉ ra một số hạn chế lớn liên quan đến cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch và xúc tiến du lịch.

Ông Hà nhấn mạnh hạn chế lớn nhất là về sản phẩm du lịch, hiện du lịch Việt đang thừa các sản phẩm giống nhau, nhưng thiếu các sản phẩm độc đáo. Khách du lịch hạng sang không những cần những sản phẩm cao cấp đáp ứng cao nhất những nhu cầu và mong muốn của họ, mà còn cần những trải nghiệm, những sản phẩm không thể tìm thấy ở bất cứ đâu.

Ngoài ra khách du lịch, đặc biệt là khách hạng sang, không có chỗ chơi hay nơi để tiêu tiền, nên thay vì chọn đến Việt Nam thì họ thường có xu hướng lựa chọn Thái Lan, Indonesia hay các điểm đến khác có nhiều tổ hợp giải trí về đêm kết hợp với nghỉ dưỡng.

Làm gì để du lịch phát triển bền vững?

Lượng khách du lịch tăng cao trong mùa du lịch hè là tín hiệu vui với ngành du lịch các địa phương nhưng đồng thời cũng là áp lực với những địa phương khi mà nguồn lực còn hạn chế. Trước thực trạng du lịch phát triển “nóng”, theo ThS Nguyễn Thị Dung - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, để phát triển du lịch theo hướng bền vững, văn hóa, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường phải được gìn giữ và phát huy, nhất là giá trị các di sản lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống và những bản sắc đặc trưng của cộng đồng dân cư địa phương, tại các điểm du lịch.

Bà Dung cũng nhấn mạnh, cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực có chất lượng trong cả quản lý ngành du lịch, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ. Rà soát, bổ sung cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và thực hành nghiệp vụ du lịch nhân lực hiện có; ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường, trong quản lý và phát triển du lịch, trong đào tạo nguồn nhân lực cần quan tâm đến yếu tố văn hóa của nguồn nhân lực.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, ThS Nguyễn Lâm Tùng đề xuất: Quản lý chặt chẽ các loại dịch vụ, phí dịch vụ phục vụ du khách; Nâng cao ý thức phục vụ trong kinh doanh, tránh làm mất giá trị văn hóa truyền thống của người Việt.

“Cần phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là các chuỗi liên kết và dịch vụ, đáp ứng các bộ tiêu chuẩn du lịch quốc tế, đi đôi với bảo tồn, phát triển, quảng bá hình ảnh và phát huy vai trò các vùng di tích lịch sử, các điểm đến và khu du lịch; Xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nhận diện du lịch quốc gia có chiều sâu và tầm cao”, ông Tùng gợi mở.

Theo Tổng cục Du lịch, 5 tháng đầu năm khách quốc tế đến Việt Nam đạt 365.300 lượt người, gấp 4 - 5 lần so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa đạt khoảng 48,6 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 211.000 tỉ đồng. Năm 2022, ngành du lịch dự kiến sẽ đón 5 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ khoảng 60 triệu lượt khách nội địa. Để đạt được mục tiêu này, việc đổi mới quảng bá, xúc tiến thu hút khách là quan trọng, nhất là với khách quốc tế để chuẩn bị cho mùa du lịch cao điểm từ tháng 9.

NGỌC HÀ - B.QUYÊN