Thế giới rã rời vì mưa lũ và nắng nóng

THẾ TUẤN 26/06/2022 09:09

Thế giới đang phải  trải qua những ngày thiên tai dồn dập. Ngày 22/6, chính quyền tỉnh Paktika (Afghanistan) cho biết số người thiệt mạng trong động đất xảy ra tại thành phố Khost đã tăng lên ít nhất 1.500 người. Đây là trận động đất kinh hoàng nhất tại đất nước này trong vòng 20 năm. Trong khi đó, mưa lũ khủng khiếp diễn ra ở Ấn Độ, Bangladesh, miền nam Trung Quốc. Còn ở châu Âu và bờ Đông nước Mỹ là một mùa hè dữ dội. Vùng Sừng châu Phi thì khô khát, đất đai biến thành hoang mạc. 

Một cô gái cầm quạt để làm mát tại Madrid, Tây Ban Nha. ẢNH: REUTERS.

Tại Trung Quốc, truyền thông địa phương ngày 23/6 cho biết, mưa như trút làm nước tràn bờ đến mức nguy hiểm tại sông Châu Giang. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia Trung Quốc, lượng mưa trung bình ở tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến và Quảng Tây từ đầu tháng 5 đến thời điểm này lên tới 621 mm, mức cao nhất kể từ năm 1961. Thành phố Thiều Quang (tỉnh Quảng Đông) đã phát cảnh báo đỏ về lũ lụt.

Nóng nơi miền đất lạnh

Châu Âu vốn là vùng đất lạnh, mùa hè cũng không quá nóng. Nhưng năm nay, từ cuối tháng 5, nắng đã trải khắp châu lục. Cho tới lúc này, nhiều người Âu đã phải thốt lên rằng “chúng ta đang sống trong một chảo lửa”.

Nhiệt độ tại Pháp, Tây Ban Nha, Đức những ngày qua liên tục tăng cao, dao động từ 37 đến trên 40 độ C. Có nghĩa là cao hơn khoảng 10 độ C so với trung bình nhiều năm. Để tránh nóng nhiều người châu Âu đổ xô đến các công viên, hồ bơi, quán cà phê, kể cả vòi phun nước công cộng.

“Nắng nóng tăng cao cũng đồng nghĩa với việc lượng điện tiêu thụ cũng tăng cao. Tại Pháp trong 2 ngày cuối tuần, các mặt hàng quạt điện gần như cháy hàng do lượng người mua quạt tăng đột biến” - Michelle Martine, chủ một cửa hàng bán đồ điện dân dụng ở Paris nói.

Tại Tây Ban Nha, ban ngày cũng nóng hầm hập. Trưa ngày 23/6, ở Barcelona, thành phố từng được coi là “chốn mát mẻ” cũng lại rơi vào nền nhiệt tới 43 độ C.

“Tất cả các vòi phun nước trong thành phố đều kín người. Chúng tôi không biết làm cách nào tốt hơn để giảm nhiệt bằng cách đưa đầu vào những vòi nước công cộng. Với tình trạng nắng nóng này, tôi chỉ muốn đến những nơi có thể làm dịu không khí xuống. Thời tiết thực sự nóng nực” - A.Laffied, một người vẽ chân dung đường phố nói.

Thủ đô Madrid, cái nóng cũng bao phủ. Nhiều bà nội trợ khi ra đường mua sắm cho bữa ăn hàng ngày phải mang trên tay một chiếc quạt giấy và liên tục phe phẩy. Đã hơn một tuần qua, họ mất thói quen mua thức ăn theo ngày mà một lần mua cho vài ba ngày, vì ngại ra đường nắng nóng.

“Quạt của tôi đã bị gãy và vậy tôi phải mua cái mới. Trời nóng quá” - một bà nội trợ nói.

Ngồi dưới bóng râm bên ngoài nhà thờ lớn ở thành phố Zaragoza, bà Marisa Gutierrez nói với Reuters: “Gió nóng cứ như là thổi từ sa mạc ấy. Thời gian này trong năm nhiệt độ thường dễ chịu chứ không nóng đến vậy”.

Cùng với nắng nóng, cảnh báo cháy rừng đã được ban bố trên khắp khu vực phía tây Địa Trung Hải, do nhiệt độ cao và khô hạn kéo dài là điều kiện dễ gây bắt lửa. Liên minh châu Âu đã bật độ “trực chiến” và điều 12 máy bay cứu hỏa và 1 máy bay trực thăng luôn trong tình trạng sẵn sàng để hỗ trợ các quốc gia đang vật lộn với những trận hỏa hoạn lớn trong mùa hè này.

Trong đó, nguy cơ “cực kỳ nguy hiểm” được ghi nhận tại Tây Ban Nha (nghiêm trọng nhất là Zamora, gần biên giới với Bồ Đào Nha); vùng thung lũng sông Rhone ở Pháp; các vùng Sardinia, Sicily của Italy.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, năm nay mùa hè khốc liệt là khó tránh khỏi vì thông thường tại châu Âu, nắng nóng thường xảy ra vào tháng 7 và 8, nay đã xảy ra ngay từ tháng 5. Tại Pháp, các nhà khí tượng học mô tả tình hình là “thực sự bất thường”, với nhiệt độ trong ngày 22/6 đạt đỉnh 43 độ C. Không kém khốc liệt, nhiệt độ tại Đức có nơi chạm ngưỡng 38 độ C.

Các chuyên gia cho hay, nắng nóng đến sớm như hiện nay là dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ cực đoan vốn chỉ xuất hiện vào tháng 7 và 8 nay lại xảy ra vào tháng 6.

Bên kia đại dương, người dân tại hơn 12 bang của Mỹ cũng đã nhận được cảnh báo nắng nóng. Theo CNN, từ thành phố Lincoln của bang Nebraska tới thành phố Fargo ở bang Bắc Dakota, nhiệt độ vượt mốc 37,8 độ C. Vòm nhiệt cao phủ trên các bình nguyên ở phía bắc rồi lan dần sang phía đông tới các vùng trung tây và nam nước Mỹ.

Châu Á hứng chịu những trận mưa cực lớn

Trái ngược với diễn biến thời tiết tại châu Âu, nhiều nơi tại châu Á như Trung Quốc và khu vực Nam Á như Ấn Độ và Bangladesh lại đang phải hứng chịu những tác động của mưa lũ kéo dài.

Các trận mưa lũ kéo dài tại Bangladesh và Ấn Độ chỉ trong 1 tuần đã làm ít nhất 41 người thiệt mạng và hàng triệu người bị mắc kẹt. Tại Bangladesh, các trận mưa như trút đã làm ngập một vùng rộng lớn ở miền đông bắc nước này. Quân đội phải triển khai để sơ tán các hộ dân bị mưa lũ cô lập.

Trong khi đó, cùng thời điểm, tại Ấn Độ, ít nhất 16 người ở bang Meghalaya đã thiệt mạng khi mưa to gây ra các vụ sạt lở và nước sông dâng tràn bờ làm ngập đường phố.

Còn tại Trung Quốc, nhiều vùng rộng lớn ở miền nam nước này đã bị tàn phá nặng nề bởi những cơn mưa. Mưa to gây lũ lụt ở các thành phố và lở đất ở các vùng nông thôn. Cơ quan khí tượng quốc gia Trung Quốc dự báo mưa lớn sẽ còn tiếp tục ở các tỉnh Quý Châu, Giang Tây, An Huy, Chiết Giang, Quảng Tây.

Mùa hè là thời điểm thường xảy ra lũ lụt ở Trung Quốc nhưng trong những năm gần đây, ảnh hưởng của mưa lũ có xu hướng nặng hơn do tác động của suy thoái rừng, san lấp các vùng đất ngập nước và việc xây đập thủy điện, thủy lợi.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, lượng mưa ở một số khu vực thuộc miền nam nước này ở mức cao nhất trong vòng 60 năm, gây lũ lụt, lở đất nhiều nơi và đang bước vào giai đoạn đỉnh “nước thuyền rồng”.

Cái tên này xuất phát từ việc ở miền nam Trung Quốc, những tuần trước và sau Lễ hội Thuyền rồng vào đầu tháng 6 theo truyền thống được đánh dấu bởi thời tiết mưa và bất ổn do không khí ấm và ẩm ở phía nam va chạm với các khối không khí mát hơn từ phía bắc, tạo ra những trận mưa rất lớn.

Nhà phân tích Wang Weiyue thuộc Cục Khí tượng Trung Quốc, cho biết: “Không khí lạnh và ấm đã hội tụ ở miền Nam Trung Quốc, hai bên đã đi vào bế tắc và giằng co, tạo ra những trận mưa cực lớn”. Điều này khiến người ta lo ngại khi nhớ tới trận mưa lũ khủng khiếp hồi tháng 7/2021, thành phố Trịnh Châu có tới hàng trăm người thiệt mạng, trong đó nhiều người chết vì mắc kẹt trong đường tàu điện ngầm ngập nước.

Hạn hán khiến vùng Sừng châu Phi xơ xác

Mohamed được mẹ đưa vào bệnh viện ở Hargeisa, thủ đô của nước cộng hòa tự xưng Somaliland, vùng Sừng châu Phi. Cậu bé là một trong những nạn nhân của đợt hạn hán tồi tệ nhất trong khu vực trong hơn 40 năm qua.

Bác sĩ Abdul Rahman Abdulahi (Bệnh viện Hargeisa) nói với phóng viên Sky News: “Nếu mưa không đến nhanh, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn từng ngày và số lượng bệnh nhân sẽ tăng lên thậm chí từng giờ mà chúng tôi không thể xử lý hoặc không thể cứu được họ”.

Đã 4 năm, khu vực này chưa có một trận mưa. Đất đai khô khát, cằn cỗi. Mỗi khi gió thổi qua lại tung lên những đám bụi. Những đàn gia súc gầy giơ xương. Người dân thẫn thờ nhược người trong nắng.

Đã vậy giá cả các loại nhu yếu phẩm lại tăng vùn vụt. Trong khu chợ ở Hargheisa, những người bán ngũ cốc đều nói về giá ngũ cốc đã tăng 75% trong 3 tháng. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu đã tăng gần gấp đôi. Người dân phải mua nước từ những chiếc xe tải chở nước đậu trên đường phố.

Hạn hán hiện đang đe dọa gây ra nạn đói tồi tệ nhất trong nhiều năm. Sophia trước đây là một người chăn nuôi khá giả thì giờ phải sống túng thiếu trong một căn lều tạm bợ ở trại Mandera, gần Somaliland, sau khi hạn hán khiến tất cả gia súc của cô bị chết.

Cô nói với Sky News: “Cha tôi là một người chăn cừu. Nhà tôi đã từng có tới 500 con dê và 4 con lạc đà. Nhưng tất cả số gia súc này đã bị xóa sổ, tôi bây giờ không còn gì”.

Vùng Sừng châu Phi vốn đã nghèo, nay hạn hán kéo dài khiến nhiều vùng đất vốn để trồng trọt, chăn gia súc trở nên hoang hóa. Hoang mạc ngày một nới rộng, khó khăn ngày thêm chồng chất. Trong vòng 40 năm qua, thì mùa hè năm nay là mùa hè dữ dội nhất. Biến đổi khí hậu không còn là khái niệm xa xôi mà đã thấy ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi một người dân.

Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới Petteri Taalas.

Chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới năm 2022 là “Cảnh báo sớm để hành động sớm”. Theo ông Petteri Taalas - Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi thời tiết ngày càng trở nên dị thường hơn.

Chúng ta đang chứng kiến những đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng khắc nghiệt; những trận mưa dữ dội dẫn đến lũ lụt. Chúng ta dự đoán rằng xu hướng tiêu cực này vẫn sẽ tiếp tục.

Năm 2021, WMO đã công bố một báo cáo thống kê về thảm họa trong 50 năm qua, đã có hơn 11.000 thiên tai liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước, tương đương mỗi ngày có 1 thiên tai xảy ra và khoảng 115 người thiệt mạng. Số lượng các thiên tai đã tăng gấp 5 lần trong 50 năm qua và các thiệt hại kinh tế đã tăng gấp nhiều lần. Chính vì thế cảnh báo sớm là thực sự cần thiết với tất cả mọi người và cũng là để hành động sớm.

THẾ TUẤN