Tình trạng thiếu thuốc có ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia BHYT?

Quang Thành 26/06/2022 15:29

Việc các bệnh viện thiếu thuốc ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người bệnh, nhất là những bệnh nhân khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Nhiều bệnh viện công đang thiếu thuốc men, hóa chất trầm trọng. Ảnh minh họa: TTXVN
Nhiều bệnh viện công đang thiếu thuốc men, hóa chất trầm trọng. Ảnh minh họa: TTXVN.

Thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại nhiều bệnh viện lớn

Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao trước việc các bệnh viện công lập lớn nhỏ tại nhiều tỉnh, thành phố rơi vào tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế do những bất cập, hệ lụy từ việc chậm đấu thầu, mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế.

Đơn cử như tại Bệnh viện Mắt Thái Bình (Thái Bình), bệnh viện này tồn tại tình trạng thiếu hụt thủy tinh thể nhân tạo phục vụ phẫu thuật thay thủy tinh thể cho các bệnh nhân mắc các bệnh liên quan thủy tinh thể một thời gian dài.

Tình trạng trên cũng xảy ra tại Bệnh viện E (Hà Nội) khi nhiều loại thuốc trong danh mục được BHYT chi trả thiếu hụt nghiêm trọng.

Thừa nhận tình trạng trên, trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, có bệnh nhân đã thắc mắc về việc họ đến khám BHYT, được kê đơn 3 loại thuốc thì 2 loại thuốc là insulin và thuốc uống điều trị tiểu đường phải mua ngoài trong khi 2 loại thuốc nói trên đều nằm trong danh mục BHYT chi trả mà bệnh nhân được hưởng.

Trước đó, cuối tháng 4/2022, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cũng cũng xảy ra tình trạng hết một số thuốc trong danh mục BHYT chi trả. Đáng chú ý trong đó có thuốc chống thải ghép cho bệnh nhân ghép thận.

Những loại thuốc bệnh nhân ghép thận tự túc mua bên ngoài gồm: Advagraf 5mg, 1mg, 0,5mg; Prograf 1mg; Cellcept 500mg, 250mg. Các loại thuốc này có giá bán trên thị trường rất cao: Advagraf từ 37.000 – 254.000 đồng/viên (từ 0,5mg - 5mg); thuốc Prograf 1mg là 55.000 đồng/viên.

Với mức giá này, để mua đủ thuốc cho đợt điều trị, bệnh nhân phải trả đến cả chục triệu đồng, trong khi trước đây, các thuốc này do bệnh viện cung cấp và được bảo hiểm y tế chi trả.

Ngoài những trường hợp kể trên, còn nhiều bệnh viện ở Cần Thơ, Hậu Giang, Khánh Hòa, Phú Thọ, … rơi vào tình trạng thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế do chậm đấu thầu mua sắm, ảnh hưởng quyền lợi bệnh nhân.

Việc các bệnh viện công lập thiếu thuốc, hóa chất, vật tư thiết bị y tế ảnh hưởng không nhỏ đến người bệnh, đặc biệt là những người khám chữa bệnh bằng BHYT khi đã áp lực vì bệnh tật, nay lại thêm gánh nặng tài chính, tự xoay xở với thuốc men và vật tư y tế.

Quyền lợi người tham gia BHYT có bị ảnh hưởng?

Là bệnh nhân tiểu đường đã nhiều năm, ông Nguyễn Quang Q. (60 tuổi, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) tham gia BHYT để được bảo hiểm chi trả cho nhiều loại thuốc điều trị. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông phải mua một số loại thuốc nằm trong danh mục BHYT chi trả mà bệnh nhân được hưởng do bệnh viện "khan" thuốc.

“Mỗi lần như vậy, tôi phải chi trả từ 300.000 - 400.000 đồng để mua thuốc bên ngoài. Tuy số tiền này không quá nhiều nhưng kéo dài thì đây không còn là số tiền nhỏ nữa. Việc bệnh viên thiếu thuốc ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của những bệnh nhân có thẻ BHYT. Bởi người bệnh bỏ tiền tham gia BHYT nhưng khi khám chữa bệnh lại không được cấp thuốc mà phải bỏ tiền ra mua. Thêm nữa, khi mua thuốc ngoài, bên cạnh gánh nặng tài chính thì nguồn gốc, chất lượng cũng không được đảm bảo như thuốc do bệnh viện cung cấp”, ông Q. bày tỏ.

Tình trạng thiếu thuốc trong danh mục BHYT chi trả khiến người dân phải mua thuốc bên ngoài là do cơ sở y tế không cung ứng đủ thuốc. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định cơ quan BHXH thanh toán lại tiền thuốc cho bệnh nhân mua thuốc BHYT bên ngoài do bệnh viện thiếu thuốc.

Liên quan đến tình trạng này, tại cuộc họp với Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra vào ngày 25/6, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong kham chữa bệnh BHYT là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn ra tại một số cơ sở khám chữa bệnh, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia BHYT.

Trước đó, BHXH Việt Nam đã có công văn 1576/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh về việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ở một số cơ sở y tế hiện nay, đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh BHYT.

Công văn nêu rõ qua công tác theo dõi của BHXH Việt Nam và phản ánh của người bệnh, tại một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT xảy ra tình trạng không cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh.

Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh đã tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh phối hợp với sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT theo dõi tiến độ đấu thầu thuốc của từng gói thầu tập trung, đấu thầu bổ sung để kịp thời có ý kiến, tránh tình trạng chậm đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc phục vụ điều trị và phát sinh việc mua sắm thuốc không đúng quy định của pháp luật.

BHXH các tỉnh chủ động cung cấp thông tin về kết quả đấu thầu vật tư y tế tại các địa phương, đơn vị để các Hội đồng đấu thầu vật tư y tế trên địa bàn tham khảo, lựa chọn chủng loại vật tư y tế và xây dựng giá kế hoạch phù hợp, đúng quy định của pháp luật đấu thầu.

Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị trong công tác cung ứng thuốc,vật tư y tế cho người bệnh BHYT để được hướng, dẫn, chỉ đạo.

BHXH Việt Nam cũng có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị phối hợp có chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc này để không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT.

Quang Thành