Người thầy đặc biệt ở Tả Phìn

TÙNG ANH 26/06/2022 10:07

Chưa từng theo học ngành sư phạm, cũng không thuộc biên chế của ngôi trường nào, nhưng ông già ở bản Dao ấy đã làm được những điều tuyệt vời, hơn cả một người thầy ở núi rừng Tây Bắc.

Người thầy đặc biệt lưu giữ, truyền dạy tiếng Nôm Dao.

Người thầy khuyết tật gieo tiếng Nôm Dao

Con dốc nhỏ dẫn vào thôn Tả Chải sau cơn mưa đêm trở nên trơn trượt, những vệt dép trẻ em nhệu nhạo đan nhau. Đã nghe từ đầu ngõ giọng trẻ đồng thanh đọc bài học tiếng Dao, đó là lớp học tiếng Nôm Dao của thầy Siệu. Khi nhắc tới ông Tẩn Văn Siệu, những người Dao ở xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa, Lào Cai) thể hiện sự tôn kính gọi ông là thầy giáo.

Ngôi nhà gỗ kê 5 chiếc bàn học cho đám trò nhỏ ngồi quây tròn. Lớp học có gần 40 trò, thầy Siệu phân thành hai nhóm và có con trai lớn trợ giảng. Bên ngoài kê bàn uống nước sạch sẽ.

Nhịp thước gõ của thầy tựa quản ca. Tiếng trò đồng thanh rõ ràng từng đoạn Nôm Dao. Thầy nhường thước gõ cho con trai rồi ra bàn ngoài tiếp khách. Nhà báo được nghe thầy dịch lại đoạn đồng thanh khi nãy là “Khuyên can người đôi bên đều lợi, chê bai người cùng thiệt cả hai/ Tích đức nhiều phúc, tích ác lắm họa/ Đừng tức chuyện không đâu, trời có lúc xế bóng/ Của đến bất nghĩa, ra đi dễ dàng”.

Bát nước lá thật ngọt nhưng nhuốm chút nỗi niềm. Năm 19 tuổi, chàng thanh niên Tẩn Văn Siệu không may gặp tai nạn. Hỏng một mắt, cụt một tay, anh Siệu đã rất bi quan. Đã 15 năm theo học lớp Nôm Dao cổ, anh đang chuẩn bị được làm lễ cấp đèn làm thầy, mà tất cả như sụp đổ. Tháng ngày bi quan tự nhốt mình trong nhà, anh Siêu ngẫm đến tương lai mà thấy buồn.

Nhưng không thể bỏ buông số phận, người bản Dao phải giàu nghị lực, cái báo cái đài nói đến bao tấm gương mạnh mẽ, sao mình bỏ phí vốn Nôm Dao cổ nhiều năm theo học. Anh Siêu đứng bật dậy lúc mờ sáng trong ngôi nhà gỗ có chữ Nôm Dao khắc nghĩa làm người. Cái chữ cài trên cột gỗ kia là văn hóa Dao, phẩm giá Dao, phải được gìn giữ, trao truyền cho thế hệ trẻ học làm người...

Mở lớp dạy chữ Nôm Dao miễn học phí. Vợ con tỏ ý lo lắng khi cả nhà bữa ăn còn chưa đủ, lấy đâu ra gạo, rau, muối chăm học trò. Nhưng rồi nhiều ngày kiên trì thuyết phục, tâm nguyện về mở lớp học Nôm Dao cổ của thầy Siệu đã trở thành hiện thực.

Thầy Siệu kể với nhà báo, mỗi học trò có thể đọc thông viết thạo Nôm Dao cổ phải theo học 3 năm liên tục. Nhận mặt con chữ, đọc thuộc lòng, hiểu về đạo lý làm người mà con chữ chứa đựng. Năm cuối thì trò được dạy các bài cúng, bài hát Dao và cách thức tổ chức các nghi lễ như lễ cấp sắc, lễ cúng tết, ngày rằm.

Giờ ra chơi rôm rả tiếng nô đùa trò nhỏ nhưng vẫn có mấy em chụm đầu cuối sân đọc lại câu dân ca cổ vừa học, lại thi thoảng một bạn cầm sách chạy lại hỏi thầy vài từ chưa rõ nghĩa. Hai bé trai khác ngồi ở góc xa hơn đầu nhà.

Đó là cậu bé Lý Láo Tả, nhà tận thôn Tả Chải, đang hướng dẫn bạn học Tẩn Láo Lở ở thôn Lâm Sinh đến từ huyện Văn Bàn. Tả 10 tuổi nhưng đã theo học lớp thầy Siệu từ 5 năm, đã rất thạo mặt chữ. Lở thì mới nhập lớp. Tả cười khích lệ em Lở mỗi lần em đọc đúng. Tiếng cười như của Tả như đang khích lệ cả bản Dao yêu con chữ hơn...

Lớp học miễn phí của thầy Siệu..

Bước qua hủ tục

Từ bao đời, người Dao không cho con gái đi học chữ nôm cổ, cứ nghĩ rằng giới nữ đến lớp thì các bài học về lễ cúng không còn linh nghiệm. Thầy Siệu nghĩ khác.

Đau đáu giữ gìn văn hóa truyền thống, nhất định phải xóa bỏ hủ tục, con gái Dao cũng có thể theo học các lớp Nôm Dao để rồi khi đẻ con ra sẽ kịp ươm mầm văn hóa, đạo lý giáo dưỡng sâu xa này phải làm từ nay. Trong lòng thầy Siệu cháy lên một kế hoạch dài hơn cho con chữ nâng tầm mảnh đất Tả Phìn.

Thầy Siệu ngoài buổi dạy học lại khăn gói quả mướp đến các bản, xã gần xa, đi sang cả Yên Bái, Lai Châu tìm gặp trưởng các dòng họ người Dao để thuyết phục. Hồi đầu có người ngạc nhiên nhìn thầy, từ chối ngay. Không nản chí, thầy Siệu kiên trì thuyết phục, có những trưởng dòng họ, thầy phải gặp gỡ 4-5 lần.

Mưa dầm Tây Bắc cùng người thầy ý chí đã thấm dần vào đất và người bản xa. Thế là con gái người Dao đã được theo học. Năm 2003, lớp học đầu tiên của thầy Siệu được mở với 20 học sinh, nhưng không có một bạn nữ nào. Đến năm 2015 lớp học chữ Nôm Dao cổ của thầy đã có học sinh nữ đầu tiên.

Cô bé Tẩn Mẩy Chiệp, nhà ở thôn Tả Chải, đã theo học thầy Siệu mấy mùa hè. Nhờ thầy mà em được theo học lớp Nôm Dao, được học những điều hay lẽ phải, biết phụ giúp bố mẹ làm cơm lễ, trân quý văn hóa dân tộc mình.

“Đán hành hảo sự, mạc vẫn tiền trình/ Dữ nhân phương tiện, tự kỳ phương tiện” (Việc cứ làm cho tốt, đừng tính chuyện mai sau/ Làm lợi cho người, mình khắc có lợi). Chiệp đọc cho nhà báo một đoạn dân ngữ Dao xưa.

Những đứa trẻ đến với lớp học đạo lý người Dao.

Vừa làm thầy, vừa làm cha

Lớp học có nhiều trò đến từ nhiều huyện khác và cả tỉnh bên, và cứ dịp tết lại có thêm đến nhập học. Tết và hè là “năm học”. Đồng bào Dao quan niệm ngày tết thì tổ tiên cũng được nghỉ và sẽ về để chứng giám việc con cháu học hành. Mỗi “năm học” kéo dài một tháng cho đến tháng rưỡi, trò nhà xa sẽ ở lại cùng gia đình thầy.

Dạy trò tự làm những việc chăm sóc bản thân như nấu ăn, giặt đồ…, thầy Siệu gánh luôn trọng trách làm cha, chăm sóc các con từ bữa ăn, giấc ngủ, nhất là ngày trái gió trở trời hay khi trò ốm mệt. Nhớ cái lần em Lý San Mẩy quê tận huyện Văn Bàn được bố mẹ đưa đến lớp vừa tròn 14 tuổi, lần đầu xa nhà đến ở với các bạn mới lạ, cứ khóc đòi về.

Thầy Siệu gọi tất cả các bạn đến rồi ngồi quây quần kể chuyện vui để Mẩy vơi đi nỗi nhớ nhà.

“Các con phải học để trưởng thành, bố mẹ đã gửi đến lớp là mong các con học hành chu đáo. Không biết phong tục người Dao, sẽ không biết được những đạo lý tốt đẹp, sẽ trở thành những kẻ bạo cường, giúp được gì cho bản, cho nhà”.

Lời khuyên bảo của thầy ngấm từng ngày. Sau đó, Mẩy không khóc nữa.

Nỗ lực giữ văn hóa truyền thống

“Những bài dân ca cổ Nôm Dao chứa đầy văn hóa, dạy cách làm người tốt, các nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Không học thì người Dao đi đâu cũng lầm lũi. Thầy Siệu tâm sự. Để lưu lại nét đẹp truyền thống, thầy kì công chép các câu dân ca bằng chữ viết cổ và dịch sang tiếng phổ thông.

Từ năm 1981, thầy Siệu bắt đầu viết các giáo trình để truyền dạy chữ Nôm Dao cho con cháu trong gia đình và một số người trong thôn. Tiêu biểu như cuốn sách “Thông sâu” do ông biên tập nói về tri thức dân gian, phong tục trong ma chay, cưới hỏi, xem ngày tốt, ngày xấu...

Đặc biệt cuốn “Nghi lễ cấp sắc” ghi lại các nghi lễ và các điều cấm kỵ, đã giúp ích rất nhiều cho công tác nghiên cứu và giới thiệu tri thức của người Dao.

Không chỉ dạy học, viết sách, thầy Siệu còn nhiệt tình tư vấn, giúp đỡ các thầy chữ nho khác, cung cấp giáo trình dạy học để họ cùng chung tay lưu giữ, bảo tồn truyền thống.

“Tôi có mong còn sức khỏe sẽ tiếp tục duy trì các lớp truyền dạy chữ viết Dao cổ tại địa phương, mở rộng các lớp truyền dạy tại các địa phương khác và nghiên cứu, biên soạn tài liệu về các giá trị văn hóa dân tộc Dao”.

Tẩn Văn Siệu là người thầy đặc biệt của núi rừng Tây Bắc.

TÙNG ANH