Điều chỉnh tuyển sinh đại học: Thí sinh tìm hiểu kỹ, tránh thiệt thòi
Đề án tuyển sinh của nhiều trường đại học đang có những điều chỉnh so với dự kiến trước đó. Các chuyên gia cho rằng, thí sinh cần theo dõi, tìm hiểu quy định của từng trường, từng ngành trong việc xét tuyển, nhất là phương thức xét tuyển kết hợp.
Giảm chỉ tiêu, đổi phương thức tuyển sinh
Sau khi Bộ GDĐT ban hành quy chế tuyển sinh, nhiều trường đã có những thay đổi về phương thức tuyển sinh, trong đó giảm chỉ tiêu so với đề án dự kiến tuyển sinh trước đó.
Học viện Ngoại giao vừa thông báo chính thức về các thông tin tuyển sinh trình độ đại học chính quy năm 2022. So với dự thảo đã công bố, trường giảm tổng chỉ tiêu, từ 2.200 xuống còn 2.010 chỉ tiêu; đồng thời phân chia lại tỷ lệ chỉ tiêu của các nhóm thí sinh trong 5 phương thức công bố cuối tháng 4.
Trong đó, trường dành tới 67% chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ với điều kiện thí sinh phải đạt điểm tổng kết trung bình từ 8 trở lên trong 3/5 kỳ học bất kỳ; đồng thời thuộc một trong ba nhóm: đoạt giải Olympic quốc gia, quốc tế; là học sinh trường THPT chuyên hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Ngoài ra, Học viện Ngoại giao dành 25% chỉ tiêu để tuyển sinh theo kết quả thi tốt nghiệp THPT; 3% xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT; 2% chỉ tiêu để xét tuyển sớm dựa trên kết quả phỏng vấn, áp dụng cho thí sinh học chương trình THPT của nước ngoài; 3% cho phương thức kết hợp xét học bạ và phỏng vấn, dành cho thí sinh có năng lực, thành tích đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học... hoặc đoạt giải các cuộc thi quốc tế.
Trong đề án tuyển sinh chính thức vừa được Trường Đại học Lao động Xã hội công bố, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh là 3.253 chỉ tiêu, giảm hơn 500 chỉ tiêu so với đề án dự kiến công bố tháng 4/2022.
Năm nay, tại Hà Nội, trường dành 1.900 chỉ tiêu xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, 473 chỉ tiêu xét học bạ. Với cơ sở ở TP Hồ Chí Minh trường xét 700 chỉ tiêu từ kết quả thi tốt nghiệp và 180 chỉ tiêu học bạ. Trường nhận hồ sơ xét tuyển thẳng và học bạ từ 20/6 đến 20/7.
Đáng chú ý là đề án tuyển sinh năm 2022 vừa được công bố của Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin trước đó, từ năm 2023, trường dự kiến chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp, xét tuyển sớm với 100% chỉ tiêu, sau khi trừ số thí sinh tuyển thẳng theo quy chế.
Trường không tuyển theo các phương thức còn lại, kể cả sử dụng kết quả ba môn thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp - vốn là phương thức chủ đạo của Trường Đại học Kinh tế quốc dân trong những năm trước.
Không còn áp dụng phương thức xét tuyển theo tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp, kết quả từ kỳ thi này vẫn được dùng trong một số nhóm xét tuyển kết hợp, chẳng hạn chứng chỉ tiếng Anh với tổng hai môn thi tốt nghiệp.
Thông tin này đang được nhiều học sinh và giáo viên quan tâm. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc trường đại học dự kiến không tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ không tạo được sự công bằng trong tuyển sinh, nhất là đối với thi sinh vùng nông thôn.
Bám sát thông tin tuyển sinh
Đến thời điểm này, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra. Theo các chuyên gia, dù các trường đại học thay đổi phương án tuyển sinh theo bất kỳ hình thức nào, thí sinh cũng cần phải linh hoạt thích ứng.
Năm 2022, Trường Đại học Thuỷ lợi tuyển sinh 37 ngành/nhóm ngành với chỉ tiêu toàn trường là 5.100 trong đó, tại Hà Nội là 4.500 chỉ tiêu. TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi cho biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay có giảm có giảm so với năm 2021.
Trước thông tin một số trường đại học thay đổi đề án tuyển sinh sau khi Bộ GDĐT công bố quy chế tuyển sinh đại học năm 2022, TS Trần Khắc Thạc lưu ý, sang tuần này, đề án tuyển sinh của các trường sẽ ổn định. Thí sinh cần bám sát thông báo tuyển sinh của các trường; theo dõi, tìm hiểu kỹ quy định của từng trường, từng ngành trong việc xét tuyển nhất là phương thức xét tuyển kết hợp nhiều thông số để đăng ký xét tuyển đúng, tránh thiệt thòi.
Năm 2022, Bộ GDĐT quy định, sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, từ ngày 22/7 đến 20/8, thí sinh mới đăng ký xét tuyển và mọi nguyện vọng của tất cả các phương thức xét tuyển đều đăng ký thống nhất trên hệ thống của Bộ GDĐT.
Trong khoảng thời gian này, thí sinh được quyền điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần. Do vậy, TS Trần Khắc Thạc đưa ra lời khuyên, khi đăng ký xét tuyển hay điều chỉnh nguyện vọng nên ưu tiên các nguyên vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức tuyển sinh sớm, sơ tuyển của các trường ở vị trí cao để đảm bảo sẽ trúng tuyển vào ngành mình yêu thích mà đã đủ điều kiênh trúng tuyển. Theo quy định, các trường sẽ thông báo kết quả trước ngày 21/7.
“Khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT, các em căn cứ vào các nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển của mình, kết quả thi thực tế và điểm chuẩn nhiều năm của các ngành để điều chỉnh các nguyện vọng cho phù hợp”, TS Trần Khắc Thạc nhấn mạnh.
Bộ GDĐT lưu ý thí sinh tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các cơ sở đào tạo (CSĐT) trên đề án tuyển sinh của CSĐT và thực hiện các quy định của CSĐT về điều kiện, hồ sơ, quy trình, thời gian dự tuyển. Thí sinh không đăng ký nguyện vọng vào những ngành, chương trình đào tạo hay phương thức tuyển sinh mà không đủ điều kiện.
Từ ngày 22/7 đến 17h ngày 20/8, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần và phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia
Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các CSĐT được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Bộ GDĐT cũng lưu ý, tất cả các nguyện vọng xét tuyển của thí sinh theo các phương thức xét tuyển của CSĐT được xử lý nguyện vọng trên Hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi đảm bảo điều kiện trúng tuyển;
Thí sinh đã hoàn thành việc dự tuyển vào CSĐT theo kế hoạch xét tuyển sớm của CSĐT, nếu đủ điều kiện trúng tuyển phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống để được xét tuyển theo quy định.