Cảnh giác với thực phẩm chay
Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, càng ngày sản phẩm chay càng phát triển mạnh với đa dạng chủng loại, mẫu mã. Rất nhiều sản phẩm chay không nhãn mác vẫn đang được bày bán trên thị trường và người tiêu dùng thì vẫn vô tư sử dụng...
Sôi động thị trường đồ chay
Theo khảo sát của PV tại một số chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội, rất nhiều các thực phẩm chay được chế biến sẵn được bày bán với hình thức rất bắt mắt, tuy nhiên về chất lượng thì hầu như chưa được kiểm chứng. Thậm chí nhiều sản phẩm còn không có nhãn mác rõ ràng, thế nhưng người tiêu dùng vẫn vô tư mua về sử dụng.
Không chỉ trên các chợ truyền thống, tại chợ online như các kênh mạng xã hội zalo, facebook, đồ chay cũng được rao bán khá rầm rộ.
Giá bán đồng thời cũng tăng khoảng 10-15%.Thị trường cũng có nhiều thực phẩm chay nhập khẩu từ nước ngoài với mức giá cao gấp 3 - 4 lần hàng trong nước sản xuất. Tuy đa dạng chủng loại, song điều đáng lo ngại, không ít sản phẩm chay giả mặn như các loại giò, chả, heo quay, đùi gà… được bọc gói sơ sài, bên ngoài không có nhãn hiệu hay bất cứ thông tin gì về thành phần sản phẩm hay hướng dẫn sử dụng chi tiết, nhất là ngày sản xuất và hạn sử dụng. Chưa kể, các loại thực phẩm chay được quảng cáo nhà làm, handmade… không qua kiểm nghiệm, không có thông tin nhãn mác rõ ràng, khó bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Thu (ở Ngã Tư Sở, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị ăn chay trường nên các sản phẩm chay chính là sở trường của chị. “Tôi hay mua của người quen nên thường chỉ đặt niềm tin vào họ chứ không quan trọng nhãn mác, xuất xứ. Vì mua rất lâu rồi nên hoàn toàn tin về chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm, từ giò chay, cho đến các loại nem chay... những ngày rằm, mùng 1 đều đặt hàng qua người quen” – chị Thu cho biết.
Thực tế, nhiều bà nội trợ không hề có mối quen, mà chỉ ra các chợ dân sinh, hoặc lên các chợ trực tuyến để mua hàng. “Các loại chay giả mặn có nhiều sản phẩm hấp dẫn như đùi gà, heo quay, pate, xúc xích. Tuy chúng không có nhãn mác nhưng giá phải chăng nên rất hút người dùng” – bà Phạm Thu Hoài (ở phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết.
Không chỉ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng là thị trường khá sôi động sản phẩm chay.
Chị Lan Hương, ở quận 3, TPHCM cho hay, trước đây chị hay tự mua nguyên liệu về chế biến đồ chay, nhưng nay các món làm sẵn khá phong phú nên chị cũng hay mua về dùng. “Hầu hết các sản phẩm tôi mua đều không có nhãn mác, thế nhưng giá cả hợp lý nên không chỉ tôi mà rất nhiều bà nội trợ chọn mua tại các chợ truyền thống” – chị Hương cho hay.
Người tiêu dùng cần tự bảo vệ sức khỏe
Thực tế thì, những sản phẩm đồ chay đang bán trên thị trường hiện nay không hoàn toàn đáng tin như niềm tin của các bà nội trợ gửi gắm. Thời gian qua, lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố đã liên tục phát hiện, thu giữ, tiêu hủy các lô hàng, thực phẩm chay vi phạm, không rõ nguồn gốc tuồn vào nội địa tiêu thụ.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp vừa phát hiện và thu giữ 500 kg thực phẩm chay, trên nhãn hàng hóa là tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định tại xã An Hòa, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Lực lượng chức năng đã phát hiện 50 thùng (500 kg) giấy carton có chứa hàng hóa là thực phẩm chay do nước ngoài sản xuất, trên nhãn hàng hóa là tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định, trị giá tang vật gần 34 triệu đồng. Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật và đang hoàn tất hồ sơ trình Cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp.
Trước đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang phối hợp các ngành chức năng tiến hành tiêu hủy 600kg chả nấm trên nhãn hàng hóa không thể hiện khối lượng tịnh, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng 6 tháng và không có người thừa nhận.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, thị trường thực phẩm chay đang phát triển mạnh mẽ với sự phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, công tác quản lý các sản phẩm này còn thiếu thống nhất, bộc lộ nhiều bất cập, nên chất lượng thực phẩm chay đang bị thả nổi. Trong khi đó, việc kiểm soát, thu hồi triệt để mặt hàng bảo đảm an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn... là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm không đáng có.
Trước thực tế này, giới chuyên gia y tế khuyến cáo, người tiêu dùng cần tự nâng cao cảnh giác trong mua sắm và sử dụng thực phẩm chay. Nên ưu tiên các cơ sở kinh doanh uy tín, có thương hiệu, nhãn sản phẩm ghi đầy đủ thông tin. Đặc biệt, đối với tất cả các loại đồ hộp dù chay hay mặn, người tiêu dùng cần nấu chín trước khi ăn để đảm bảo vệ sinh. Việc nấu lại thức ăn đóng hộp ở 70 độ C trong khoảng từ 10 - 20 phút có thể ngăn ngừa nhiễm độc hiệu quả.
Thời gian qua, lực lượng chức năng địa phương đã liên tục phát hiện, thu giữ, tiêu hủy các lô hàng, thực phẩm chay vi phạm, không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát hiện, giám sát và xử lý của cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cần tự nâng cao cảnh giác trong mua sắm và sử dụng thực phẩm. Nên ưu tiên các cơ sở kinh doanh uy tín, có thương hiệu, nhãn sản phẩm ghi đầy đủ thông tin. Đặc biệt, đối với tất cả các loại đồ hộp dù chay hay mặn, người tiêu dùng cần nấu chín trước khi ăn để đảm bảo vệ sinh.