Kết nối sân khấu truyền thống với du lịch: Cái 'bắt tay' chưa chặt
Sân khấu truyền thống từ lâu đã được xem là điểm đến trong việc kết nối với du lịch. Tuy nhiên, có một nghịch lý là sau hàng loạt những xúc tiến thì việc liên kết đến nay vẫn chưa mang lại những hiệu quả thiết thực.
Khó đủ đường
Sân khấu truyền thống (tuồng, chèo, cải lương, múa rối…) từ bao đời nay không chỉ là hồn cốt của văn hóa dân tộc mà hiện còn đang trở thành những “món ăn” đặc sản dành cho du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, dù đang sở hữu từ nguồn lực cho đến chất liệu sân khấu phong phú nhưng đến nay câu chuyện kết nối với du lịch vẫn đang loay hoay ở “vạch” xuất phát.
Ngay tại Hà Nội - nơi quy tụ hàng loạt các “anh cả” của ngành sân khấu truyền thống như Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam… việc thành công trong việc “bắt tay” với du lịch hiện nay vẫn chỉ lác đác ở một vài chương trình. Còn nếu có sự gắn kết vững thực tế vẫn chỉ có duy nhất “điểm sáng” là Nhà hát Múa rối Thăng Long. Được biết, mỗi ngày đơn vị này hiện đang diễn 6-8 suất, luôn “cháy” vé. Trung bình đơn vị này đón khoảng 730 nghìn lượt khách mỗi năm (không tính thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng).
Lý giải về khó khăn trong việc kết nối với du lịch, theo lãnh đạo các nhà hát đều thừa nhận là đang “khó đủ đường”. Điều đầu tiên chính là việc hầu hết các Nhà hát đang nằm ở những vị trí xa trung tâm, cá biệt như Nhà hát Cải lương Việt Nam đến nay vẫn chưa có địa điểm biểu diễn cố định.
Theo NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết, khách du lịch là đối tượng tiềm năng, nhưng muốn thu hút khách đến xem biểu diễn nghệ thuật thì sản phẩm nghệ thuật phải phù hợp hành trình di chuyển của du khách. Nhiều nhà hát hiện rất khó tiếp cận du khách bởi địa điểm quá xa khu vực trung tâm, cũng không gần những điểm đến du lịch nổi tiếng nên không tiện kết nối với lịch trình của khách. Khi kết nối với các công ty lữ hành, chương trình đều được đánh giá cao nhưng khi xây dựng tour lại gặp một rào cản là du khách ngoài việc xem biểu diễn còn yêu cầu thêm về không gian, quang cảnh, có các dịch vụ khác ẩm thực, mua sắm, vui chơi... Những điều này vượt quá khả năng đáp ứng của Nhà hát nên chương trình chưa thực sự hút khách.
Đồng quan điểm, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Thanh Ngoan, cho biết từ nhiều năm nay, Nhà hát đã xây dựng đề án sân khấu du lịch với các chương trình đặc sắc được thiết kế linh hoạt hướng đến từng đối tượng du khách khác nhau, có chương trình 20 phút, 30 phút, 50 phút để thuận lợi cho việc lựa chọn, sắp xếp lịch trình của du khách. Nhà hát cũng đã tiếp thị tới một số hãng lữ hành nhưng kết quả chưa được như mong đợi.
“Hiện nay công tác quảng bá, tiếp thị về các loại hình nghệ thuật truyền thống chưa chuyên nghiệp, nên khó tiếp cận được khách du lịch” - NSND Thanh Ngoan nói.
“Lận đận” không hẳn do chất lượng
Có thể nói, câu chuyện kết nối sân khấu truyền thống và du lịch vẫn đang là một hành trình dài để đi đến cái đích thành công. Bởi thực tế việc kết nối đến nay đều do các Nhà hát “tự thân vận động” mà thiếu đi một người Tổng chỉ huy. Cho dù trước đó vào năm 2016, Bộ VHTTDL cũng đã triển khai chương trình mang nghệ thuật đỉnh cao biểu diễn tại Nhà hát Lớn, trong đó có việc gắn kết với du lịch. Thế nhưng chỉ sau một thời gian thí điểm chương trình này đã sớm chìm vào lãng quên.
Ở một chiều khác, dù khó thu hút du khách quốc tế tới Nhà hát, nhưng khi mang các tiết mục nhỏ lẻ vào biểu diễn miễn phí tại các không gian công cộng thì các loại hình sân khấu truyền thống của Việt Nam lại luôn nhận được hưởng ứng từ du khách trong và ngoài nước. Có nghĩa, sự “lận đận” đang có không hẳn là vấn đề về chất lượng của các loại hình sân khấu truyền thống. Tuy nhiên, với các sân khấu công cộng thì các chương trình thường mang nặng yếu tố quảng bá, khó lòng có thể bán vé tạo được nguồn thu. Chưa kể, với lòng tự trọng các nghệ sĩ cũng khó lòng “ngửa mũ” xin tiền khán giả tại các chương trình này.
Về vấn đề này, theo NSND Triệu Trung Kiên- Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho rằng, nếu ngành văn hóa xây dựng một tổ hợp vui chơi giải trí nghệ thuật tập hợp được nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội trọng việc kết nối với du lịch. Các nhà hát hiện nay không thể đáp ứng được nhu cầu của quá trình công nghiệp hóa sân khấu và đưa ra những sản phẩm du lịch thực sự. Việc bê nguyên si các trích đoạn kinh điển bị không ít du khách phàn nàn về nhịp điệu, tiết tấu chậm rãi và kéo dài lê thê. Vì thế, sản phẩm sân khấu chào bán theo tour tuyến cần phải được tính toán.
Từng khá thành công trong việc kết nối Tuồng với du lịch, NSND Phạm Ngọc Tuấn- Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam phân tích, hiện nay các công ty kinh doanh du lịch phải hoạt động theo quy luật “lời ăn lỗ chịu”, việc đưa sản phẩm mới vào lịch trình tour cũng đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng. Không phải cứ thấy hay là có thể dẫn khách tới, trong khi không nhiều người làm du lịch hiểu về nghệ thuật truyền thống.
Để gắn kết du lịch với sân khấu truyền thống đang cần những giải pháp đồng bộ không chỉ đến từ một phía là các nhà hát. Nhiều người cho rằng phải sớm có một “tổng chỉ huy” để tạo nên sự gắn kết. Đồng thời chiến lược quảng bá cần được đầu tư và có sự điều phối giữa các loại hình nghệ thuật để tạo nên tính hấp dẫn, đa dạng cho sân khấu du lịch.