Gỡ điểm nghẽn hạ tầng cho Thủ đô
Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3 vừa kết thúc. Kỳ họp được cho là quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Đầu tư theo PPP - đột phá mới trong xây dựng hạ tầng
Nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì đây là, lần đầu tiên tại một kỳ họp của Quốc hội, có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án mà Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án với tổng mức đầu tư lên đến 392.644 tỷ đồng.
Đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của các vùng và từng địa phương có dự án đi qua. Một trong 5 dự án được Chủ tịch Quốc hội nêu trong phát biểu chính là chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội.
Riêng với đường Vành đai 4, “Quốc hội đã thống nhất áp dụng hình thức đầu tư theo phương thức PPP đối với dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội”- Chủ tịch Quốc hội nói. Đây là lần đầu tiên một dự án đường vành đai được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đây có thể xem là một đột phá để đường vành đai sớm được khởi công và đi vào xây dựng, giải quyết điểm nghẽn hạ tầng vốn đã rất cam go cho Hà Nội. Có lẽ cũng là lần đầu tiên một dự án đường vành đai sử dụng cách thức theo kiểu “Nhà nước và nhân dân” cùng làm.
Có tổng chiều dài 112,8 km, đi qua TP Hà Nội là 58,2 km; Hưng Yên 19 km, Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7 km, chia thành 3 nhóm dự án, 7 dự án thành phần. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành 2 bên. Mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là nhằm kết nối khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Hà Nội với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng khác như tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh.
Làm xong đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô, kỳ vọng của Hà Nội và các tỉnh lân cận là sẽ phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhất là mới đây, ngày 5/5/2022, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh: “Tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả; trong đó chú trọng phân bổ, ưu tiên hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, kết hợp với đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng, nhất là dưới hình thức đối tác công tư (PPP), gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Thủ đô.
Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống. Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030…”.
Ngày 22/6, Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 15. Tại đây, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh: “Cần lưu ý rằng, việc thực hiện Nghị quyết không chỉ của riêng Hà Nội, mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước. Trong đó, các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng Sông Hồng, Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có liên quan nhiều đến sự phát triển Thủ đô cần xác định rõ trách nhiệm của mình, chủ động phối hợp với thành phố Hà Nội để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết”.
Hiệu quả kinh tế lớn trong tương lai gần
Trở lại với dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, khoan nói chuyện tổng mức đầu tư mà chỉ nói mong muốn của người Thủ đô để thấy ý nghĩa của việc triển khai được dự án này. “Sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp vô cùng to lớn, do có thêm vài ngàn hecta đất trở thành "đất vàng, đất bạc", có thêm nhiều khu đô thị, nhiều khu công nghiệp, các trung tâm văn hóa, khoa học, trường đại học,... giá trị địa tô các vùng mở rộng đó sẽ tăng cao, rất cao”, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nói.
Việc hình thành các tuyến đường này không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm đi áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm mà sẽ tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các đường vành đai này thì đặc biệt là một số ít các đường của địa phương đề xuất nhưng lại mang tính chất liên vùng và cũng sử dụng rất nhiều nguồn lực của địa phương.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nói và nhấn mạnh thêm: “Riêng đường Vành đai 4 Hà Nội, chúng ta thấy rằng khi chưa có thì hiện nay áp lực vào các đường Vành đai 3 là rất lớn, tình trạng tắc đường Vành đai 3 thường xuyên và việc này không chỉ ảnh hưởng đến Thủ đô Hà Nội mà còn ảnh hưởng cả đến việc lưu chuyển hàng hóa từ khu vực phía Nam lên phía Bắc cũng đang bị ách tắc. Như vậy, các tuyến đường này mà được xây dựng thì không chỉ phát triển cho vùng Thủ đô mà còn phát triển cho lưu thông kinh tế hàng hóa trong cả nước. Với ý nghĩa đó những tuyến đường này đã được đưa vào kế hoạch phát triển ở giai đoạn 2011-2020, nhưng do khó khăn nguồn lực, cho nên đến thời điểm này chúng ta mới có điều kiện xem xét”.
Nói về hiệu quả kinh tế, ĐBQH Nguyễn Phi Thường cho rằng, Vành đai 4 vùng Thủ đô gần như là trục xương sống để kết nối 4 hành lang kinh tế lớn.
Ở đây chúng ta thêm đoạn 9,7km đường nối giữa điểm cuối cao tốc Nội Bài - Hạ Long với điểm đầu là cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đây là trục cực kỳ quan trọng liên quan đến hành lang kinh tế Côn Minh - Hải Phòng, liên quan đến Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hải Phòng thông ra cảng biển Lạch Huyện, kết nối quốc tế. Khép kín để phát huy tốt nhất đồng bộ, tổng thể dự án Vành đai 4 nhưng cũng là giúp thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế.
Bên cạnh đó, về quy hoạch và hình thái đô thị vùng Thủ đô (cũng giống như TP Hồ Chí Minh) chưa phát huy được hiệu quả với hạt nhân, 2 siêu đô thị đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, hụt hơi với những điểm nghẽn. Hai siêu đô thị với hệ thống giao thông hướng tâm, với cấu trúc đô thị hút đầu tư, hút nguồn lực, hút dân di cư vào khu vực lõi. Dân số cơ học mỗi năm đều tăng khoảng 200.000 người, từ đây thì quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Các đô thị vệ tinh được quy hoạch đều chưa thể hình thành, bởi thiếu giao thông kết nối.
Chính vì thế, một trong những sứ mệnh quan trọng mang tầm chiến lược của dự án Vành đai 4 là tái cấu trúc lại hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của vùng Thủ đô với 10 tỉnh, thành. Kỳ vọng với Vành đai 4 sắp tới ta sẽ dễ dàng hình dung vùng Thủ đô, thành phố phát triển như thế nào với trục xương sống là cao tốc Vành đai 4.
“Riêng đường Vành đai 4 Hà Nội, chúng ta thấy rằng khi chưa có thì hiện nay áp lực vào các đường Vành đai 3 là rất lớn, tình trạng tắc đường Vành đai 3 thường xuyên và việc này không chỉ ảnh hưởng đến Thủ đô Hà Nội mà còn ảnh hưởng cả đến việc lưu chuyển hàng hóa từ khu vực phía Nam lên phía Bắc cũng đang bị ách tắc. Như vậy, các tuyến đường này mà được xây dựng thì không chỉ phát triển cho vùng Thủ đô mà còn phát triển cho lưu thông kinh tế hàng hóa trong cả nước. Với ý nghĩa đó những tuyến đường này đã được đưa vào kế hoạch phát triển ở giai đoạn 2011-2020, nhưng do khó khăn nguồn lực, cho nên đến thời điểm này chúng ta mới có điều kiện xem xét”, ĐBQH Hoàng Văn Cường bày tỏ.