Ở nơi đại kỳ xưa trấn ngự

TÙNG DUY - NGÔ HÙNG 04/07/2022 11:11

Lộng lẫy vươn cao như chạm đến tầng mây, cột cờ Hưng Hóa - một trong "tứ đại kỳ cổ Việt Nam", trấn ngự nơi đắc địa bên dòng Hồng giang chảy qua đất Tam Nông (Phú Thọ). Một biểu tượng sức mạnh đoàn kết, đại kỳ cổ Hưng Hóa còn là điểm nhấn văn hóa đang truyền thêm năng lượng cho vùng quê giàu sức sống.

Cột cờ Hưng Hóa – một trong “Tứ đại kỳ cổ Việt Nam”.

Vẳng nghe tiếng vọng Cần Vương...

Kẻng điều lệnh vang lên lúc 5h sáng, Đại úy Trần Văn Nam cùng một vài người lính đã kịp thức dậy cầm chổi quét dọn sạch sẽ xung quanh chân cột cờ ở sân doanh trại. Phần việc tuy không phải của họ nhưng hằng ngày coi sóc cột đại kỳ Hưng Hóa đã như một nhiệm vụ rất vinh dự ở doanh trại Lữ đoàn N43, nơi cột cờ trấn ngự.

"Tự hào lắm chứ. Anh em hằng ngày còn mở cổng chào đón khách tham quan. Cột cờ linh thiêng nhắc nhở chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ của người lính công binh đấy", Thiếu tá Nguyễn Hữu Minh, người phụ trách bảo vệ cơ sở vật chất của N43 chia sẻ.

Có lẽ bất kỳ ai một lần về Tam Nông tận mắt ghé thăm cột cờ Hưng Hóa, bước đi thật nhẹ trên cỏ xanh trải rộng dưới chân kỳ đài, hẳn sẽ bần thần chiêm ngưỡng cột cờ lồng lộng mà vẳng như có tiếng vọng hào hùng Cần Vương.

Giặc Pháp chinh phạt từ Nam chí Bắc, sau khi Hà Nội lần thứ hai thất thủ (25/4/1882) buộc triều đình Huế phải ký hiệp ước 1883 xác định quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam, thành cổ Sơn Tây cũng mau chóng rơi vào ách trị thực dân. Chỉ còn lại thành Hưng Hóa, vị trí án ngữ hai dòng sông Hồng - Lô, tỉnh lỵ của Tam Tuyên xưa (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) do thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích cùng quân binh kiên cường trấn thủ. Thành Hưng Hóa theo sử mô tả là cả một hệ thống phức hợp các công trình kiến trúc liên quan mật thiết nhau và mang tính phòng thủ toàn diện. Tường thành kiên cố, pháo đài, đài giác bảo, pháo môn, tường bắn… cho đến hào thành, đường bao ngoài hào, tất cả thiết kế đều rất đặc biệt.

Nhưng giặc Pháp biết rất rõ "ma trận" tường thành sau kinh nghiệm tiêu diệt thành cổ Hà Nội, Nam Định, lần này chúng dồn lực 7.000 quân với hàng ngàn đại bác khổng lồ dội lửa. Sức cầm cự của đại quân "Phật sống Nguyễn Quang Bích" (dân chúng tôn kính gọi ông như vậy) gồm 1.000 người, trong đó có cả quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc, cũng chỉ được hai ngày. Đêm 12/4/1884 thành Hưng Hóa thất thủ. Ngàn quân ngã xuống...

Mấy mươi bậc đá trèo lên Kính Thiên đài trên đỉnh cột cờ, khẽ tay mở ô cửa nhìn ra mênh mông bốn phía quanh vùng thị trấn, anh Phó phòng Văn hóa huyện cũng thoáng bần thần tâm trạng nói: "Giờ cứ hình dung ra khoảng khắc cụ Nguyễn Quang Bích từng đứng chỗ này định tuẫn tiết vì nghĩa lớn khi thành cổ rơi vào tay giặc. Đất dưới kia cứ sâu thẳm rờn rợn, mới cảm nhận nghĩa khí cha ông lớn quá".

Sử chép, "Phật sống" Nguyễn Quang Bích đã được quân sĩ kịp ngăn lại, vực ông lên lưng ngựa thoát khỏi thành Hưng Hóa nhằm hướng Tiên Động (vùng Sông Thao, tức Cẩm Khê và Yên Lập ngày nay) an toàn. Trước lúc rời thành, ông căn dặn con trai và quân vệ chung quanh câu nói bất tử: "Ta đem thân báo đền ơn nước, thì không cần đi lại thăm hỏi làm gì nữa. Sau này cứ lấy ngày thành Hưng Hóa thất thủ làm ngày giỗ ta...". Rồi sau ông nối kết nhiều thủ lĩnh khác, hiệu triệu dân chúng bốn phương, xây dựng trung tâm kháng chiến mới cho cuộc chiến lâu dài đánh Pháp theo chiếu Cần Vương.

Mấp mô hai ụ đất lớn cách chân kỳ đài vài chục mét, cỏ phủ xanh dầy lạ thường, cây sấu già trĩu quả thấp xuống. "Nền móng xưa của đại kỳ cổ là đây", cán bộ phòng văn hóa dẫn nhà báo tiến lại gần. Hai ba vị khách tham quan cũng đang đứng cạnh đó chắp tay im lặng.

Có chuyện kể rằng hồi nhà thầu thi công phục dựng đại kỳ, hôm khởi công tất cả máy móc thò gầu múc đất bị hỏng, chết máy rất lạ. Máy sửa xong đưa ra bên ngoài đào thử nổ xoành xoành, nhưng đưa vào đào xúc chỗ nền móng cũ thì lại hỏng tức thì. Gần một tháng loay hoay không đào nổi cái nền theo thiết kế, nhà thầu xin điều chỉnh dự án, và tỉnh Phú Thọ đã quyết định dịch chuyển công trình cột cờ sang vị trí bên cạnh. Máy thi công lại chạy ầm ầm...

Lại bần thần mãi lâu chúng tôi mới rời đại kỳ cổ.

Nhiều bạn trẻ đến tham quan đại kỳ lịch sử Hưng Hóa.

Đại kỳ soi bước Tam Nông

Những tảng đá ong vuông vắn lộ thiên - dấu tích của kỳ đài và thành cổ may mắn sót lại, được một đơn vị quân đội gìn giữ hàng chục năm kể từ ngày hòa bình lập lại. "Các cụ bảo con cháu sau này xây lại cột cờ thì tốt. Sau đúng là cột cờ phục dựng, dân vui lắm", ông Trần Văn Huấn, cán bộ văn hóa thị trấn, tỏ rõ niềm vui khi nói chuyện với chúng tôi. Ông nhớ thuở trẻ ra đây đá bóng trưa hè còn trèo lên chỗ đá ong nhặt bóng rơi...

Các vương triều xưa đã rất chú trọng lập trung tâm giao thương kinh tế và văn hóa ở Hưng Hóa. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, đại kỳ Hưng Hóa là nơi Mặt trận Việt Minh cắm cờ đỏ sao vàng, dán truyền đơn và tổ chức mít tinh ra mắt chính quyền nhân dân đầu tiên của Đất Tổ.

Chiếu Cần Vương soi lòng yêu nước, cờ Việt Minh hiệu triệu đoàn kết tứ phương. Phải lẽ nhân văn tôn kính thủ lĩnh xưa xả thân vì nước, một công trình biểu tượng thấm đẫm ái quốc của quân, tướng, sĩ phu xưa, cột cờ Hưng Hóa được hồi sinh sau những đau đáu của bao thế hệ người dân và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ. Cũng là hàm ý trao truyền trách nhiệm cho đất và người Tam Nông phải giàu mạnh, xứng tầm hơn nữa về sau.

Tam Nông đắc địa quan trọng cho miền xuôi bước chân đầu tiên lên núi rừng Tây Bắc. Phóng tầm mắt từ Kính Thiên đài trên đỉnh cột cờ mà ngẫm tầm giang san. Đây theo sông Lô ngược dòng đến xứ Tuyên. Kia men sông Đà mấy chốc đã chạm Hòa Bình, Sơn La. Và giữa là sông Hồng cõng phù sa từ biên viễn đổ về. Hưng Hóa vừa là cửa ngõ, vừa là phên dậu miền Tây Bắc của Hà thành kinh đô. Tam Nông sao thể hụt chân nhịp bước làm giàu...

Hơn chục cây số quốc lộ 32 chạy xuyên Tam Nông giờ đã như một con phố dài, nhà tầng khang trang cơ man tứ bề, sinh động toát lên gia cảnh người dân ấm no. Thu ngân sách đã gần 400 tỷ đồng từ đầu năm tới nay dù đại dịch, toàn huyện gần 3.000 hộ kinh doanh thành lập mới, 33 hợp tác xã, hơn 1.100 lao động có việc làm mới, sáu tháng đã đạt gần 1.700 tỷ đồng tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ nghèo giờ chỉ còn 3%, cả 11/11 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Huyện có khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng, sân golf, sân bóng tập SEA Games, có giao thông kết nối liên vùng, có đền cổ lưu giữ nhiều đạo sắc phong nhất Việt Nam, cả ngàn lượt khách tham quan kỳ đài hằng năm...

"Tam Nông sắp đón chuẩn nông thôn mới đấy" - bên chén trà khó bề dứt chuyện với Bí thư Huyện ủy Vương Đức Thủy khi tiếp chúng tôi, đã hiện ra rõ hơn một Tam Nông ngày mới có nguồn năng lượng đặc biệt truyền dẫn từ tòa đại kỳ...

Cột cờ Hưng Hóa và thành cổ Hưng Hóa gắn liền với cuộc đời anh hùng của thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích trong phong trào Cần Vương, đi vào lịch sử dân tộc với những trang sử oanh liệt kháng Pháp cuối thế kỷ XIX, bên cạnh những tên tuổi nhiều sỹ phu yêu nước như Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân, Nguyễn Thiện Thuật...

Thành cổ được triều Nguyễn xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX ở làng Trúc Phê (nay thuộc thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông, Phú Thọ). Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) thì được xây vững hơn bằng đá ong, loại vật liệu đáp ứng yêu cầu bền chắc của công trình phòng thủ, lại rất sẵn có ở vùng Trung du Bắc Bộ. Trong thành có cột cờ lớn, còn gọi là kỳ đài, được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ 3 (năm 1842) có nền móng đá ong và gạch sét nung đỏ rất vững chắc. Cả thành cổ và kỳ đài có nét đặc trưng rất rõ phỏng theo kiểu kiến trúc phòng thủ Vauban của Pháp (giống như cột cờ Hà Nội, Nam Định và thành Huế), có dạng hình vuông với bốn góc lồi hình cong. Thành có chu vi hơn 360 trượng (1440m), còn cột cờ có đế hình vuông (rộng 17,52m). Thân cột hình bát giác, bên trong có 55 bậc với tổng thể cột cờ cao 23,84m.

Toàn bộ thành cổ bị đại bác của giặc Pháp tàn phá nặng nề năm 1884 biến thành phế tích, cột cờ Hưng Hóa bị tổn thương nặng nề. Năm 1947, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, nhân dân đã tháo dỡ cột cờ, lập vườn không nhà trống quyết không để đại kỳ làm đài quan sát của địch. Di tích lịch sử này đến năm 2009 được tỉnh Phú Thọ phục dựng với kích thước, hình dáng nguyên trạng. Đền thờ Nguyễn Quang Bích và các nghĩa sĩ Cần Vương cũng được xây dựng trên vùng nền cũ thành Hưng Hóa xưa.

TÙNG DUY - NGÔ HÙNG