Dấu ấn Nghiêm Bá Hồng
Khi chúng tôi ở tuổi thất thập ngồi với nhau trò chuyện về âm nhạc thì ai cũng nhắc đến nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng, một người viết cho thiếu nhi với những bản nhạc đi cùng năm tháng.
Người nào cũng thuộc, cũng từng hát cho con nghe, rồi hát cho cháu, không hát được thì đem đĩa của ca sĩ nhí Xuân Mai mở ra cho con, cháu hát theo.
Những bài hát vừa hay, dễ thuộc, thích hát theo, vừa như những bài học tác động vào nhận thức thơ ngây của các bé những điều đẹp đẽ: “…Bàn tay xíu xíu trông như năm cánh hoa/ Đây bàn tay cha còn đây bàn tay mẹ… Em muốn được khen ngoan/ Mai này khôn lớn dựng xây cho nước nhà”.
Hay: “Dậy đi thôi là dậy bạn ơi/ Chim hót vang khi thấy ông mặt trời/ Dậy ra sân em tập em chơi/ Cùng với chim em hát em cười. Mẹ mua cho em bàn chải xinh/ Như các anh em đánh răng một mình/ Mẹ khen em bé mà vệ sinh. Thật đáng yêu răng ai trắng tinh”.
Một bài hát khác của Nghiêm Bá Hồng được phủ sóng rộng rãi không chỉ trẻ em mà người lớn cũng thích hát, đó là “Lời chào của em”: “Đi đến nơi nào lời chào đi trước/ Lời chào đẫn bước con đướng bớt xa/ Lời chào thành quà khi tặng các cụ già/ Lời chào thành hoa nở ra bao việc tốt… Lời chào của em là cơn gió mát…/ Mỗi sớm từng ngày/ Nên dẫu đi đâu em cũng mang theo…” (Phỏng thơ Nguyễn Hoàng Sơn).
Tôi chơi thân với vợ chồng nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Vợ Nghiêm Bá Hồng là chị Đào Mỹ Dung, sau khi tốt nghiệp khoa Văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, về làm ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Nhờ có người vợ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” nên Nghiêm Bá Hồng ngoài việc đi dạy học, còn lại toàn tâm vào văn học nghệ thuật. Nhà của họ là nơi tụ hội của nhiều văn nghệ sĩ: Đỗ Chu, Tô Hoàng, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Phạm Tiến Duật, Trịnh Đình Khôi, Lê Thân…
Hồi đó, nhà chỉ khoảng 20m2 trong cái nhà chung ở phố Sinh Từ, người ngồi trên giường, người ngồi dưới nền, chen chúc nhau nhưng không ai coi là chật. Ai cũng thích đến. Văn Tấn từ Tây Nguyên xuống, Hoàng Sửu từ Hải Phòng lên, đôi khi Đỗ Bạch Mai, Bế Kiến Quốc cùng đến… chuyện trò sôi nổi. Chuyện thời sự, chuyện sáng tác, đọc thơ của nhau, hát bài hát mới.
Nghiêm Bá Hồng luôn là trung tâm, giải quyết mọi bất đồng, cuối cùng là… dùng bữa. Nhà có gì ông nhạc sĩ nghèo đem ra hết đãi bạn, không có thì nhờ mua rồi vợ về thanh toán. Tôi thi thoảng cũng có mặt ở những bữa như thế, cái gì cũng ngon. Rượu nút lá chuối. Có lần mua phải rượu “nặng đô”, nhạc sĩ họ Nghiêm đổ thêm nước cà phê vào, bảo: “Cho nó thơm và nhẹ đi một tí”.
Ngày đó, chưa ai biết đến khái niệm ngộ độc thực phẩm, cái gì ăn được, là ăn, uống được là uống. Thuốc lá cuốn mỗi người mua 2 điếu một. Một buổi mua tới 5 lần. Tôi hỏi: “Sao không mua luôn một lần đỡ mất công?”. Thì bảo: “Mua cách ra, chứ mua luôn một lúc thì có điếu nào hút hết ngay điếu đó”.
Ngày đấy chiến tranh rồi hậu chiến. “Gạo châu, củi quế”, mọi thứ tem phiếu. Có lần đang nấu canh thì bếp hết dầu, nhạc sĩ loay hoay mở ngăn kéo tìm phiếu dầu hỏa đưa tôi đi mua. Khổ thế nhưng ai cũng vui, người ta tìm kiếm cái vui tinh thần, và vui nhất là đến với những bạn bè cùng sở thích. Cũng cãi nhau liên tục, nhưng chỉ cãi về hay dở của nghệ thuật, của những sáng tác mới.
Tôi nhớ, say sưa tranh luận nhất, to tiếng nhất là nói về thơ và kịch Lưu Quang Vũ. Kịch đang công diễn ở Nhà hát lớn hay Nhà hát Kịch Hà Nội. Những vở “Người đốt đền”, thơ thì chép tay. Cái câu: “Con chim xẻ tóc xù/ Con chim sẻ của phố ta/ Đừng buồn nữa nhá/… Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước trong veo đến thế?...” Là câu được mổ xẻ nhiều nhất. Hay vở “Ông không phải là bố tôi” và chuyện tình của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Lưu Quang Vũ trẻ hơn lớp đàn anh Nghiêm Bá Hồng, Phạm Tiến Duật, có đời sống khó khăn nhưng đang vào lúc sáng tạo dồi dào hơn, mạnh mẽ quyết liệt hơn.
Nhắc đến người đang chiếm sự chú ý của công chúng nhất một cách tưởng thưởng, chứ không ganh tỵ. Sự liên tài rất rõ ràng và cao thượng. Nghệ sĩ trọng nhau, công bằng với nhau, công bằng với tác phẩm. Họ có thể cãi nhau về tác phẩm, góc nhìn khác nhau nhưng cãi nhau để tiệm cận gần với tác phẩm và để yêu hơn tác giả. Cãi xong rồi họ cũng thấy cần nhau hơn…
Nghiêm Bá Hồng sinh năm 1943, trong một gia đình 7 người con sống tại phố Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến), Hà Nội. Ông là con cả. Thời đấy, các bậc cha mẹ luôn trao cho người con cả nhiệm vụ: gương mẫu với các em. Nghiêm Bá Hồng đã làm trọn trách nhiệm đó khiến bà mẹ rất hài lòng. Đã đẹp trai lại “cầm kỳ thi họa”. Bóng bàn luôn ẵm giải nơi ông công tác những năm 1960 ở ngành giáo dục Hà Tây. Sau, tốt nghiệp Khoa Sáng tác Nhạc viện Hà Nội, rồi đi làm báo, biên tập viên âm nhạc, chuyên viên bản quyền tác giả âm nhạc…
Tôi ấn tượng với Nghiêm Bá Hồng với các tài lẻ trong thể thao, trong những lần diễn thuyết. Không chỉ bạn bè văn nghệ sĩ mà bà mẹ của ông đã nhiều lần bảo tôi “Anh ấy mà nói thì con giun dế trong hang cũng phải bò ra để nghe đấy”. Nhưng tôi nhớ nhất những lần ông biên tập thơ, chữ ông thay thế là chữ rất đắt. Những học trò hay bạn bè đọc thơ cho ông nghe nhờ ông thẩm định và biên tập không ít.
Nghiêm Bá Hồng rất khó tính trong vai trò người biên tập. Có nhiều phóng viên nộp bài, qua tay ông biên tập, ông bắt bẻ đến vã mồ hôi. Ông cũng khó với chính ông, nếu ban thời sự đòi hỏi ở ông một phóng sự nhanh là không đúng người. Nhưng sống trọn vẹn với đam mê sáng tạo âm nhạc. Ông dành thời gian đi khắp nơi để tìm chất liệu và cảm xúc cho sáng tác mới. Đặc biệt là chất liệu dân gian vùng cao.
Đi nhiều, vui hết cỡ nhưng khi ngồi vào sáng tác ông luôn nghiệt ngã và dằn vặt bản thân khi không tìm được ngôn ngữ đủ chứa đựng được sự đa chiều của cuộc sống. Có lẽ vì thế nên số lượng tác phẩm ca khúc của ông không nhiều. Song, với khí nhạc có vẻ như ông đã chuyển tải được nhiều ý tưởng và triết lý của ông hơn. Và thành công hơn.
Những ca sĩ đã lựa chọn hát bài của ông, cho thiếu nhi có Hồng Nhung, Xuân Mai, ca khúc người lớn có Hồng Vy, Thu Lan, Trọng Tấn. Những tác phẩm âm nhạc cho thiếu nhi có thể kể đến: “Thật đáng yêu”, “Mùa xuân”, “Em đi trong nắng mùa thu”, “Lời chào của em”; một số nhạc cảnh thiếu nhi: “Cơn mưa đằng đông”, “Mèo con và chuột nhắt”, và các ca khúc người lớn: “Tiếng hát từ những cánh rừng”, “Kỷ niệm Trường Sơn, “Vĩnh Phúc yêu thương”, “Lời then phố núi”, “Đêm trắng Khau Vai”, “Mùa xuân quê núi”, “Hoa ban đêm xòe”, “Hành khúc Điện Biên”…
Ca khúc của Nghiêm Bá Hồng giai điệu, ca từ đẹp. Nhạc sĩ sử dụng chất liệu dân gian vùng miền rất nhuần nhuyễn. Trong các cuộc đi ấy ông tham gia đào tạo. Các ca sĩ trẻ, những người mới sáng tác đều thích ông thầy Nghiêm Bá Hồng có phương pháp sư phạm hướng dẫn tận tình. Sau mỗi ngày họ lại vui với nhau bên chén rượu men lá vùng cao…
Nghiêm Bá Hồng cũng có những tác phẩm khí nhạc. Những bản viết cho piano, cho violon của Nghiêm Bá Hồng được giới chuyên môn đánh giá cao. Ông đã nhận được: Giải C khí nhạc, giao hưởng thơ “Âm dương và cánh cò” (Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1993); ca khúc “Hoa ban đêm xòe” - Giải Tư, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 2004.
Kể từ năm 2015 Nghiêm Bá Hồng bị tai biến do cú trượt dốc khi dắt xe máy từ nhà xuống đường. Lúc đó ông đã 74 tuổi. Ông định đi xe đến cuộc hướng dẫn học trò. Nhà có ô tô, nhưng ông thích tự do, không phiền đến con cháu, và giấu chúng việc bác sĩ khuyên không nên đi xe máy, không được uống rượu nữa - dù là rượu nhẹ. Vợ và các con ông đều là những người thành đạt. Có thể nói cả cuộc đời sống trong tình yêu thương vô bờ bến của họ. Nhưng chất nghệ sĩ vẫn kéo ông đến với đam mê sáng tạo. Bây giờ ngồi xe lăn, nhưng khi tỉnh ông vẫn có nhu cầu trò chuyện về tác phẩm và hy vọng về những sáng tác mới…
Những ca sĩ đã lựa chọn hát bài của ông, cho thiếu nhi có Hồng Nhung, Xuân Mai, ca khúc người lớn có Hồng Vy, Thu Lan, Trọng Tấn. Những tác phẩm âm nhạc cho thiếu nhi có thể kể đến: “Thật đáng yêu”, “Mùa xuân”, “Em đi trong nắng mùa thu”, “Lời chào của em”; một số nhạc cảnh thiếu nhi: “Cơn mưa đằng đông”, “Mèo con và chuột nhắt”, và các ca khúc người lớn: “Tiếng hát từ những cánh rừng”, “Kỷ niệm Trường Sơn, “Vĩnh Phúc yêu thương”, “Lời then phố núi”, “Đêm trắng Khau Vai”, “Mùa xuân quê núi”, “Hoa ban đêm xòe”, “Hành khúc Điện Biên”… Những bản viết cho piano, cho violon của Nghiêm Bá Hồng được giới chuyên môn đánh giá cao. Ông đã nhận được: Giải C khí nhạc, giao hưởng thơ “Âm dương và cánh cò” (Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1993); ca khúc “Hoa ban đêm xòe” (Giải Tư, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 2004).