Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã đến đoạn cuối?
Trong lúc “bóng ma” suy thoái kinh tế đang ám ảnh toàn cầu, lạm phát tại nhiều quốc gia tăng nhanh, thì đã xuất hiện một động thái mới gây chú ý: Đó là việc Mỹ xem xét bỏ thuế với nhiều mặt hàng nhập từ Trung Quốc. Phải chăng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sắp đến hồi kết khi các mức thuế tự động hết hiệu lực vào ngày 6/7 tới?
Lần đầu tiên sau 4 năm qua, hàng trăm mặt hàng của Trung Quốc xuất sang Mỹ có thể được cắt giảm thuế. Trong một thông điệp mới được đưa ra, Tổng thống Joe Biden tuyên bố chống lạm phát là ưu tiên số 1 hiện nay của nước Mỹ. Với nhiều giải pháp được tính đến thì câu chuyện thuế quan từ 4 năm trước đã được lật giở lại.
Bà Karine Jean-Pierre - Phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết: "Một số thuế quan từ thời Tổng thống Trump không giúp thúc đẩy nền kinh tế hoặc an ninh quốc gia. Chúng tôi đang thảo luận về vấn đề này và đang làm việc để điều chỉnh thuế quan và các ưu tiên, nhằm bảo vệ lợi ích của người lao động và các ngành công nghiệp quan trọng".
Một trong những nhà hoạch định chính sách ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng cắt giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để chống lạm phát là Bộ trưởng Tài chính, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang, bà Janet Yellen. "Tôi tin rằng một số mức thuế thực sự khiến người Mỹ phải trả giá, gây tổn hại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ, và chúng tôi đang xem xét để tìm cách điều chỉnh lại các mức thuế đó theo cách mang tính chiến lược hơn". Trong khi đó, bà Katherine Tai - Đại diện Tổ chức Thương mại Mỹ nói: "Trung Quốc là một đối tác thương mại đồng thời cũng là một đối thủ, một đối thủ lớn mà sự hợp tác là cần thiết để giải quyết những thách thức toàn cầu trong một phạm vi nào đó".
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều cũng đã được đưa ra, trong đó ý kiến của ông Bob Bilbruck - Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Captjur được cho là đại diện: "Việc dỡ bỏ thuế quan không giúp ích cho những mặt hàng lạm phát cao nhất như xăng và thực phẩm, cũng không có gì đảm bảo Trung Quốc sẽ giảm giá hàng hóa của họ khi xuất sang Mỹ chỉ vì chúng ta đã giảm thuế cho những sản phẩm này".
Từ câu chuyện này, giới quan sát đã “lật lại hồ sơ” cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hay còn gọi là cuộc chiến thuế quan. Nó đã từng rất nóng trong suốt hai năm (2018-2019) và rồi tạm lắng trong hai năm (2020-2021) khi hai bên đạt được một sự hòa hoãn được gọi là Thỏa thuận Giai đoạn 1, và cũng vì đại dịch Covid-19 bùng phát toàn thế giới.
Ngày 6/7/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức kích hoạt hàng rào thuế quan lên đến 25% đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả cũng với mức thuế 25% và 34 tỷ USD hàng hóa Mỹ, đồng thời cáo buộc Washington khởi đầu "cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử".
Ngày 23/8/2018: Vòng áp thuế thứ hai. Hai bên công bố loạt thuế mới 25% với số hàng hóa trị giá 16 tỷ USD mỗi bên. Ngày 24/9/2018: Vòng áp thuế thứ ba. Loạt thuế thứ ba của Mỹ trị giá 200 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc đáp trả áp thuế với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Tới năm 2019 được coi là “đàm phán nước rút” khi các mức thuế mới được công bố và rồi được trì hoãn nhằm tìm kiếm một thỏa thuận giữa hai bên.
Tháng 1/2020, Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1, theo đó Trung Quốc nhập khẩu thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong vòng hai năm, còn Mỹ dừng áp thuế đối với 162 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, và giảm một nửa thuế nhập khẩu đối với lượng hàng trị giá 110 tỷ USD.
Tháng 5/2022, Mỹ bắt đầu đánh giá lại thuế quan đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trước khi các mức thuế tự động hết hiệu lực vào ngày 6/7 tới, trừ khi có yêu cầu tiếp tục gia hạn từ các ngành công nghiệp Mỹ.
Trước những động thái mới từ Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, cho rằng thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc không giúp ích gì cho Trung Quốc cũng như Mỹ. Ông này dẫn chứng, trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 275 tỷ USD. Sau đó, trong 4 năm (từ 2018 đến 2021), thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc so với năm 2017 lần lượt tăng 17,2%, 7,3%, 14,7% và 43,8%. Năm 2021, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên tới 396 tỷ USD.
Ý kiến này được giới quan sát cho rằng Bắc Kinh “đang ngầm hối thúc Washington” chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai bên, đã kéo dài 4 năm, trong khi suy thoái kinh tế toàn cầu ngày một rõ ràng hơn.
Trong cuộc điều trần kéo dài 2 ngày trước Hạ viện Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell thừa nhận khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái. Trong quý I, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ giảm 1,5%. Doanh số bán nhà đang sụt giảm mạnh và có một số dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm tăng chậm lại, trong khi tiền lương sau khi trừ lạm phát giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Powell cho rằng việc tìm cách đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm” không rơi vào suy thoái sẽ là “một thử thách rất khó khăn”, khi mà chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ dự báo trong tháng 6 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981.