Danh sách thoái vốn của SCIC thiếu vắng nhiều doanh nghiệp lớn
Danh sách thoái vốn năm 2022 của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) không có tên một số doanh nghiệp lớn như Nhựa Tiền Phong, Bảo Minh, Bảo Việt, Vinatex.
Danh sách thoái vốn năm 2022 của SCIC có 101 đơn vị, trong đó có những doanh nghiệp thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán như Nhiệt điện Quảng Ninh (UpCom: QTP), Nhiệt điện Hải Phòng (HNX: HTP), Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP), Nhựa Việt Nam (UpCom: VNP), Tổng công ty Licogi (UpCom: LIC), Seaprodex (UpCom: SEA).
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn có trong danh sách thoái vốn năm 2021 lại không có tên trong danh sách năm 2022 như Sabeco, Nhựa Tiền Phong, FPT, Bảo Việt, Vinatex.
Trong số những doanh nghiệp trên, Bảo Việt, Bảo Minh và Nhựa Tiền Phong từng được Bộ Tài chính đề nghị SCIC tập trung thoái vốn vào cuối năm 2021.
Trước đó, tại báo cáo về tình hình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tình hình thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước 8 tháng năm 2021, Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN) thuộc Bộ Tài chính cho biết đã xây dựng kế hoạch thoái vốn tại 6 doanh nghiệp trong năm 2022 gồm Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tập đoàn FPT, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam.
Việc thoái vốn tại 6 doanh nghiệp sẽ giúp ngân sách thu về tối thiểu 30.000-40.000 tỉ đồng trong năm 2022. Nhưng nếu thương vụ thoái vốn tại Sabeco không thể diễn ra, ngân sách chỉ có thể thu về tối thiểu 10.000 tỉ đồng.
Về danh sách thoái vốn 2022, SCIC đã bán vốn thành công tại 17 đơn vị. Có một vài trường hợp đáng lưu ý như bán 28% vốn Công ty Xuất nhập khẩu An Giang và 49% vốn Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam (HEJ), Khoáng sản Tuyên Quang.
Mới đây, SCIC tiếp tục triển khai thoái vốn tại Địa ốc Vĩnh Long, Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Tổng công ty Thăng Long, Vật liệu xây dựng Bến Tre.