Ngư dân cần được tiếp sức
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành khai thác thủy sản của nước ta đảm bảo việc làm, thu nhập cho hơn 600.000 ngư dân trực tiếp tham gia khai thác thủy sản trên biển và gần 4 triệu lao động làm các nghề dịch vụ thủy sản ven biển. Cùng đó, sự có mặt của đội tàu cá khai thác trên biển còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Thời gian qua, giá xăng dầu tăng mạnh đã khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn. Có địa phương, 50% số tàu cá đã phải nằm bờ.
Vì thế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi các bộ liên quan đề nghị đề xuất Chính phủ hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao, trước mắt là thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng 6 tháng (trung bình 3,44 triệu đồng/người/tháng).
Theo Bộ NNPTNT, chi phí nhiên liệu để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường đã tăng thêm khoảng 3.776 tỷ đồng/tháng so với trước đây. Cả nước hiện có 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển, nhu cầu xăng, dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, trong khi giá dầu diesel - nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng lên 60,5% (so với thời điểm cuối năm 2021). Trong khi chi phí nhiên liệu chiếm từ 45-60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản.
Việt Nam là quốc gia biển, với 28 tỉnh có biển. Từ lâu, biển là nơi sinh cơ lập nghiệp của hàng triệu con người. Theo thời gian, vùng ven biển dần hình thành những đô thị sầm uất. Nhưng cũng tại đây, đời sống của nhiều hộ gia đình ngư dân còn nghèo. Nghề khai thác trên biển cũng như dịch vụ trên bờ chưa giúp nhiều hộ ngư dân thoát nghèo, vươn lên khá giả. Khu vực duyên hải nhiều nắng, nhiều gió, đất dễ bạc màu, canh tác khó khăn nên nguồn thu nhập của người dân hạn chế. Mùa này, tại các vùng ven biển, nắng chang chang.
Mùa hè nóng bỏng ấy cùng với những đội tàu nằm bờ càng làm cho cái nóng như khủng khiếp hơn.
Chưa có một thống kê chi tiết nào về gia cảnh của ngư dân ven biển, nhưng có thấy họ ít có tích lũy, vì vốn liếng gom góp, vay mượn đã dành cả cho việc mua sắm tàu, các ngư cụ để ra khơi đánh bắt.
Vì thế, khi giá xăng dầu lên cao, kéo theo các mặt hàng khác, ngư dân chính là một trong những bộ phận gặp khó khăn nhất. Việc hỗ trợ cho ngư dân lúc này là hết sức cần thiết. Nếu chưa bao phủ rộng thì chí ít cũng cần hỗ trợ ngay cho số ngư dân trực tiếp khai thác trên biển, tiếp sức cho họ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Với đất nước ta, hỗ trợ cho ngư dân không chỉ là để họ không bị rơi vào cảnh túng quẫn, mà còn để họ đủ lực vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Trên biển cả mênh mông, những chiếc thuyền của ngư dân như chiếc lá tre trên sóng cả, nhưng cũng chính là những cột mốc chủ quyền thiêng liêng của quốc gia.
Từ việc khẩn cấp hỗ trợ cho ngư dân trực tiếp khai thác hải sản trên biển, cũng cần sớm có chính sách “giải cứu” những hộ ngư dân vay tiền ngân hàng đóng tàu vỏ thép. Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67 mang đến cơ hội để các tỉnh ven biển có điều kiện đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá, đóng mới, cải hoán tàu cá đánh bắt xa bờ. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm trang bị cho ngư dân, để bà con yên tâm vươn khơi, bám biển, vững vàng trước sóng gió trùng xa. Chủ trương này được ngư dân đón nhận rất tích cực. Nhưng trong quá trình triển khai, theo thời gian đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Giờ đây, nhiều tàu cá vỏ thép trở thành khoản nợ xấu rất lớn mà cả ngân hàng cho vay và chủ tàu đều không mong muốn.
Từ đó, một số tranh chấp giữa ngư dân và ngân hàng đã xảy ra. Để gỡ khó cho ngư dân lẫn ngân hàng rất cần một chủ trương chung, trên tinh thần bảo đảm Việt Nam có những đội tàu thép đủ mạnh hoạt động trên vùng biển xa.
Trước mắt, trong lúc ngư dân đang gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, thì họ rất cần sớm được hỗ trợ, để tiếp sức.