Chuyển đổi số trong báo chí phải thay đổi tư duy
Chuyển đổi số là xu thế toàn cầu và báo chí cũng không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, báo chí muốn chuyển đổi số trước hết phải thay đổi tư duy người làm báo. Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định như vậy khi trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết xung quanh chủ đề này.
PV: Chuyển đổi số đang là vấn đề được quan tâm ở hầu hết các lĩnh vực hiện nay, trong đó có ngành báo chí. Ông đánh giá như nào về quá trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí trong thời gian qua?
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Chuyển đổi số là xu hướng tất cả mọi lĩnh vực phải triển khai, báo chí lại càng cần hơn và những người làm báo sẽ phải là lực lượng xung kích trong công cuộc chuyển đổi này.
Trong thời gian vừa qua đã có một số cơ quan báo chí tiên phong trong việc chuyển đổi số, khá nhiều cơ quan báo chí đã bắt tay vào việc này. Nhưng rõ ràng đây làm một việc làm không dễ, phải cần có nhiều yếu tố. Trong đó đầu tiên phải có nguồn nhân lực hiểu biết về công nghệ và làm chủ các cách làm báo mới, hiện đại. Bên cạnh đó phải có nguồn lực về tài chính và trang thiết bị công nghệ mới cũng như sự quan tâm của cơ quan chủ quản và người lãnh đạo cơ quan báo chí.
Chúng ta đã nói nhiều về chuyển đổi số nhưng hiểu như nào về vấn đề này thì lại chưa tường tận. Chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi về tư duy. Phải có tư duy làm báo mới, hiện đại. Sau đó chúng ta mới có thể làm các bước tiếp theo, tất nhiên cần có sự quyết tâm của cả hệ thống từ cơ quan chủ quan cho đến lãnh đạo cá cơ quan báo chí và cả từng phóng viên, nhà báo.
Thưa ông, trong cuộc chuyển đổi số như hiện nay, bên cạnh yếu tố công nghệ, máy móc thì những phóng viên, nhà báo phải thay đổi như nào để có thể thích ứng với thời kỳ số hóa?
- Phóng viên, nhà báo trước hết phải cập nhật được kiến thức về công nghệ, về cách làm báo mới nhưng phải được sự quan tâm của người lãnh đạo. Người làm quản lý nên mở những lớp đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho phóng viên.
Trong một tòa soạn muốn chuyển đổi số trước hết chúng ta phải chuyển đổi trong việc tổ chức thông tin, trong quy trình sản xuất thông tin và thậm chí số hóa trong quản trị tòa soạn.
Theo ông quá trình chuyển đổi số được thể hiện ra sao qua những tác phẩm báo chí dự Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI năm 2021?
- Tôi thấy có sự tiến bộ rất lớn trong việc áp dụng các loại hình báo chí mới, hiện đại so với mọi năm. Cách đây một vài năm đã có một giám khảo phản ứng rất gay gắt khi có sự xuất hiện của tác phẩm báo chí thể loại mới như Infographic, e-magazine hay megastory… vị này cho rằng đây là sự tạp nham, hổ lốn.
Nhưng hiện nay, việc xuất hiện một tác phẩm báo chí hiện đại đa phương tiện đã phản ánh một xu hướng phát triển của báo chí mà chúng ta cần phải có. Thời buổi hiện nay nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng đã khác, báo chí cũng phải có sự thay đổi để đáp ứng.
Trong Giải Báo chí năm nay xuất hiện các tác phẩm loại hình báo chí hiện đại nhiều hơn và được thể hiện tốt hơn. Ngay cả ở các cơ quan báo chí địa phương cũng đã có những tác phẩm như e-magazine hay megastory… Tôi nghĩ đây là sự tiến bộ đáng mừng mà báo chí chúng ta đã làm được trong quá trình tiếp cận với số hóa.
Theo đánh giá của Hội đồng giải, các tác phẩm tham gia giải báo chí quốc gia lần thứ XVI năm 2021 khá đồng đều, khoảng cách giữa báo chí Trung ương và báo chí địa phương được thu hẹp ở nhiều nhóm thể loại. Đây được cho là điều đặc biệt của mùa giải năm nay. Ông có thể đánh giá rõ hơn về chất lượng tác phẩm của giải báo chí năm nay?
- Một trong những nét đặc trưng của giải báo chí năm nay là khoảng cách về chất lượng giữa các cơ quan báo chí Trung ương và báo chí địa phương được thu hẹp rất đáng kể. Nhất là ở trong một số thể loại như phát thanh, báo điện tử… Xét về mặt công nghệ thì ở các cơ quan báo chí địa phương không có nguồn lực, nhân lực… như báo chí Trung ương. Tuy nhiên năm nay nhiều tác phẩm, đặc biệt ở thể loại phát thanh đã có sự xóa nhòa ranh giới. Nhiều tác phẩm phát thanh của báo chí địa phương được làm rất hiện đại, chỉn chu về mọi mặt. Ở thể loại truyền hình cũng có sự thay đổi như vậy.
Là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của báo chí cả nước, ở góc độ chuyển đổi số, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ làm gì để thúc đẩy xu hướng này?
- Vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam là cần truyền tải được quyết tâm chuyển đổi số đến các cấp Hội và từng hội viên, phải quán triệt tinh thần rằng, đây là một xu hướng không thể đảo ngược, một xu thế cần thiết để cho báo chí phát triển trong thời đại này.
Trong chuyển đổi số Nhà nước, của Chính phủ, các cấp chính quyền có những chính sách, giải pháp thì các cấp Hội nhà báo cũng có thể tác động vào chính sách này để giúp các cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số.
Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp hội sẽ cố gắng mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật những kiến thức mới về chuyển đổi số công nghệ mới cho các hội viên làm chủ được xu hướng này.
Trân trọng cảm ơn ông!