Không ra khơi đánh bắt để... tránh lỗ

Nhóm Phóng viên 29/06/2022 07:00

Trong công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Bộ Công thương và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đã đề nghị cùng xem xét để đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá.

Giá xăng dầu cao, nhiều tàu cá của Sóc Trăng phải nằm bờ.

Theo Bộ NNPTNT, tới nay ngoài giá nhiên liệu tăng cũng khiến giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng 10-15%; kéo theo chi phí đầu vào tăng 35-48%.

Tính đến ngày 31/12/2021 cả nước có 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển, trong đó tàu cá khai thác vùng ven bờ 42.642 chiếc; khai thác vùng lộng 18.683 chiếc; khai thác vùng biển khơi (xa bờ) 30.391 chiếc. Tính từ 15 giờ ngày 21/6, xăng E5 RON 92 tăng 185 đồng/lít lên 31.300 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 500 đồng/lít lên 32.870 đồng/lít và dầu diesel tăng lên 30.010 đồng/lít.

Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 13 lần điều chỉnh tăng hiện lên mức cao kỷ lục. Với ngư dân, giá nhiên liệu tăng cao, đặc biệt là với dầu diesel, sẽ mang đến khó khăn rất lớn, không chỉ cá biệt ở một hai địa phương mà còn là tình hình chung với ngư dân cả nước.

Tại thời điểm này ở Khu neo đậu tránh trú Bắc Cửa Việt (xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), ngư dân đã đưa nhiều tàu cá công suất lớn vào neo đậu gần bờ. Mỗi đội có từ 5 - 6 tàu kết lại thành hàng nằm “án binh bất động”. Giá dầu liên tục lập đỉnh, giá các mặt hàng khác cũng tăng theo khiến chi phí cho mỗi chuyến biển vượt quá khả năng của nhiều ngư dân.

Tỉnh Quảng Trị hiện có trên 2.300 tàu cá; trong đó, có hơn 230 tàu công suất lớn khai thác xa bờ.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá xăng dầu liên tục tăng cao cũng đã làm số tàu cá nằm bờ, tạm ngưng hoạt động ngày càng nhiều, khiến sản lượng khai thác thủy sản giảm. Nhiều nhà máy chế biến thủy sản trong vùng đối diện nguy cơ thiếu nguyên liệu.

Ông Trần Văn Phỉnh (thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) cho biết: là dân xứ biển hành nghề đánh cá nhiều năm nhưng chưa lúc nào ông thấy tàu nằm bờ lâu và nhiều như lúc này. Thông thường chi phí tiền dầu chiếm từ 70% cho một chuyến biển. Nhưng từ đầu năm đến nay, giá dầu liên tục tăng, trong khi giá các loại thủy hải sản lại không tăng nên việc đánh bắt càng ngày càng khó.

Ông Châu Minh Đảm - Chủ tịch UBND xã Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cho biết, “hiện ngư dân than nhiều hơn phấn khởi”, nguyên nhân chính là do giá nhiên liệu tăng quá cao.

Cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) là một trong những cảng cá nhộn nhịp bậc nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng những tháng gần đây tàu cập cảng cá thưa thớt dần. Theo thống kê của Ban Quản lý cảng cá, bến cá Kiên Giang, số lượng tàu cập cảng 5 tháng đầu năm giảm trên 14% so cùng kỳ, sản lượng hàng thủy hải sản bốc dỡ qua cảng hơn 40.100 tấn, giảm trên 44%.

Ông Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh có khoảng 4.000 tàu cá hoạt động xa bờ nhưng có đến một nửa đang nằm bờ, tạm nghỉ. Theo ông Thao, trước mắt để tháo gỡ khó khăn cho các chủ tàu cá, UBND tỉnh Kiên Giang đang trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết (dự kiến trong tháng 7/2022) hỗ trợ phí thuê bao thiết bị giám sát hành trình tàu cá, qua đó, hỗ trợ một phần chi phí cho ngư dân.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tình hình cũng khó khăn. Dù là mùa biển nhưng nhiều tàu cá của ngư dân không “bám biển” mà lại “bám bờ”. Ông Nguyễn Văn Vinh (huyện Xuyên Mộc) cho biết, trước Tết Nguyên đán 2022, mỗi chuyến ra khơi của ông thường kéo dài từ 25 ngày đến 1 tháng chi phí rơi vào khoảng 100 triệu đồng/chuyến tùy ngắn ngày hoặc dài ngày. Tuy nhiên hiện nay khi giá xăng dầu tăng thì theo ước tính của ông mỗi chuyến đi sẽ bị đội chi phí lên khoảng trên 150 triệu đồng. “Chúng tôi luôn đứng trước nguy cơ mất vốn. Nếu giá xăng dầu cứ tăng mãi thì việc ra khơi đánh bắt là rất khó vì không biết lấy tiền đâu để bù lỗ”- ông Vinh nói.

Cũng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Hoàng Văn Tình sau 23 ngày lênh đênh trên biển trở về cho biết, số hải sản bán được cũng chỉ đủ tiền trang trải chi phí xăng dầu, ăn uống, chia cho bạn tàu.

“Trung bình mỗi chuyến đi sẽ hết khoảng tầm 1.800 lít dầu hoặc nếu lâu ngày hơn thì tầm 2.100 lít. Lại còn tiền bỏ ra để mua nước sạch, đá, thức ăn, thuốc men… nên chi phí cho mỗi chuyến đi hiện nay sẽ lên đến hàng trăm triệu. Khó làm ăn lắm!” - ông Tình chia sẻ.

Một cán bộ thuỷ sản phường Thắng Nhì (thành phố Vũng Tàu) cho biết, để bảo đảm duy trì việc ra khơi và tránh thua lỗ nhiều ngư dân đã quyết định kéo dài thời gian đánh bắt trên biển còn một số ngư dân lại chọn cách ở yên trên bờ, không ra biển. Nếu như giá xăng dầu vẫn neo cao, ngư dân không nhận được hỗ trợ thì rất có thể số tàu cá nằm bờ sẽ ngày một nhiều lên.

Nhóm Phóng viên