Huy động sự đóng góp của xã hội cho công tác đền ơn đáp nghĩa
Ngày 29/6, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh làm việc với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam để nghe Hội đề xuất một số nội dung với MTTQ Việt Nam có liên quan đến công tác đền ơn đáp nghĩa.
Tại buổi làm việc, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng cho biết, theo số liệu thống kê, trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam, hiện nay cả nước ta có hơn 4 triệu thường dân bị chết do bom đạn, do kẻ thù giết hại.
Có 127.000 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng có chồng, con hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và có 1.146.250 liệt sĩ.
Trong đó, có hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy, thi thể các anh còn nằm lại trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia… hơn 300.000 hài cốt liệt sỹ đã đưa về quy tập tại các nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa xác định được danh tính tên tuổi, quê quán, đơn vị.
Từ ngày thành lập đến nay, Hội đã có nhiều nỗ lực hoạt động nhằm hỗ trợ các gia đình liệt sĩ về thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giám định ADN xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, huy động nguồn lực từ xã hội để tri ân các gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng có hoàn cảnh khó khăn; tham gia nghiên cứu, đề xuất được nhiều nội dung chính sách, giải pháp thực hiện cụ thể trong công tác tri ân, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và việc thờ cúng liệt sĩ… hoạt động trên đã đạt kết quả bước đầu đáng ghi nhận, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần đối với gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Tại buổi làm việc, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam kiến nghị với Đảng và các Bộ, ngành có liên quan về chủ trương xây dựng ngân hàng Gen của 53 vạn liệt sĩ; trong đó cần tranh thủ lấy mẫu phẩm thân nhân liệt sĩ còn sống, lấy mẫu phẩm hài cốt đã có. Vấn đề này cần sớm có chủ trương, cần xã hội hóa mới đủ sức, đủ kinh phí để thực hiện.
Mặt trận cần có tiếng nói để Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, các cơ quan báo, đài phát thanh và truyền hình, nhất là VTV4 dành cho đồng bào ở xa Tổ quốc thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhắn tìm đồng đội…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh bày tỏ sự thấu hiểu cũng như nhận thức sâu sắc trách nhiệm với thương binh liệt sĩ, gia đình và thân nhân liệt sĩ.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, trong nhiều năm qua, các Bộ, ngành ở Trung ương các địa phương đã thực hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp để tri ân các gia đình liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng.
Hàng năm MTTQ Việt Nam cũng có thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong cả nước xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa để tri ân, thăm hỏi gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng, tôn tạo, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ….
Trên tinh thần đó, MTTQ với các tổ chức chính trị - xã hội như: Đoàn thanh niên, công đoàn, Hội Phụ nữ… cùng phối hợp thực hiện.
Trân trọng cám ơn sự đóng góp của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam với công tác vận động quần chúng nói chung cũng như chăm lo cho gia đình chính sách trong thời gian vừa qua, bà Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, những kiến nghị của Hội rất xác đáng.
Hội mong muốn được trở thành thành viên của MTTQ là việc rất đáng được hoan nghênh vì đây cũng là việc Mặt trận rất mong muốn để tập hợp, đoàn kết các giai tầng xã hội cũng như sự hợp lực của toàn dân tộc.
Chính nhờ sức mạnh đó mà trong 2 năm vừa qua khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch bệnh mà thành công chính là tinh thần đoàn kết.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, với nhưng tỉnh đã có Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam rồi thì sẽ hướng dẫn để MTTQ các tỉnh tiếp nhận.
Đối với những tỉnh chưa có Hội sẽ đề nghị với MTTQ các tỉnh kiến nghị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chính quyền các cấp để thành lập. Đây là đề nghị hết sức chính đáng nên rất cần sự động viên, khích lệ để thực hiện.
Bên cạnh đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân đều hiểu và thực hiện tốt hơn công tác đền ơn, đáp nghĩa cũng như huy động sự đóng góp nhiều hơn nữa của xã hội.