Đẩy nhanh các nguồn lực phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Ngày 29/6, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 52 điểm cầu trên toàn quốc, với sự tham dự của trên 1.000 đại biểu.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Nông Quốc Tuấn, Lê Sơn Hải, Hoàng Thị Hạnh chủ trì Hội nghị.
Báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", tình hình kinh tế xã hội địa bàn các vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã chuyển biến tích cực, đúng hướng; an sinh xã hội được đảm bảo, đồng bào các DTTS tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, bên cạnh việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương vùng đồng bào DTTS&MN còn ban hành các chính sách đặc thù riêng.
Theo tổng hợp có 19 tỉnh ban hành chính sách đặc thù, tổng số 55 chính sách, nội dung chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực như: đầu tư phát triển hạ tầng tại các thôn bản khó khăn; phát triển sản xuất nông nghiệp; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tạo nguồn, phát triển nguồn nhân lực; bảo hiểm y tế; hỗ trợ học tập cho học sinh dân tộc thiểu số; lắp đặt đồng hồ nước sinh hoạt; cấp muối i-ốt...
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2022, an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS&MN cơ bản được đảm bảo, người dân vui xuân đón Tết không bị thiếu lương thực trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ gần 22.326.000 tấn gạo cho 17 tỉnh, thành phố, trợ giúp 379,8 nghìn hộ, hơn 1,2 triệu nhân khẩu có nguy cơ thiếu đói.
Ngoài ra, còn huy động các nguồn lực xã hội, trao hàng nghìn phần quà cho các hộ gia đình DTTS nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, học sinh DTTS nghèo vượt khó và người lao động gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác dân tộc còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, như: một số chính sách dân tộc triển khai còn chậm; việc ban hành hướng dẫn, phân bổ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 còn chưa kịp thời…
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, Ủy ban Dân tộc đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời đưa ra một số giải pháp thực hiện cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc trong 6 tháng cuối năm 2022.
Trong bối cảnh đặc thù về thời gian giao vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 vào thời điểm cuối tháng 6; căn cứ các quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và Luật Đầu tư công năm 2019 cùng các văn bản hướng dẫn, việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, nhất là tiến độ phân bổ, giải ngân vốn của Chương trình được dự báo gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, việc sớm tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 có ý nghĩa quan trọng đối với công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước hiện nay.
Trên cơ sở những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra, trong 6 tháng cuối năm 2022, Ủy ban Dân tộc đang tập trung phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 theo chức năng quản lý ngành, đảm bảo tiến độ được giao.
Cùng với đó Ủy ban Dân tộc cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030.
Một giải pháp quan trọng nữa là Ủy ban Dân tộc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, quản lý điều hành, theo dõi, giám sát tình hình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, quán triệt ở tất cả các cấp về vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, quản lý điều hành, theo dõi, giám sát và tổ chức triển khai thực hiện chương trình.
Ủy ban Dân tộc cũng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời phổ biến và nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động nguồn lực, sự tham gia của các đối tác phát triển, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng, người dân.