Nhờ UNCLOS, các quốc gia có cơ sở để quản lý, sử dụng biển một cách bền vững
Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh, Quyền Viện trưởng Viện Biển Đông (Học viện Ngoại giao) bên lề Đối thoại Biển lần thứ 8- đối thoại nhân kỷ niệm 40 năm Công ước Luật Biển (UNCLOS 1982), diễn ra hôm 29/6.
Thưa bà, trong 40 năm qua UNCLOS đã đạt được những thành tựu gì?
- Có thể nói, trong không khí của Đối thoại Biển hôm nay chúng ta thấy nhiều đại biểu đã đề cao tinh thần giá trị phổ quát của UNCLOS; khẳng định UNCLOS là một bản Hiến pháp về đại dương, đã định ra một trật tự pháp lý, định ra quyền và nghĩa vụ của các quốc gia không chỉ ở ven biển mà còn ở quốc gia không có biển, quốc gia có hoàn cảnh địa lý đặc biệt khác.
Dựa trên cơ sở pháp lý mà UNCLOS đã dày công xây dựng dựng thì các quốc gia đã có được một cơ sở hoàn thiện để quản lý sử dụng biển một cách bền vững cũng như có cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp theo hướng hòa bình, ổn định và mang lại thịnh vượng chung cho tất cả các quốc gia.
Bà có thể đánh giá về những giải pháp đưa ra để giải quyết những thách thức mới xuất hiện trên đại dương ở trong thời gian gần đây?
- Có thể nói trải qua rất nhiều năm nhưng hiểu biết về đại dương vẫn là một bí ẩn và trong bối cảnh hiện nay thì đại dương mang đến thách thức mới cho quá trình phát triển bền vữn;, chẳng hạn như là sự thay đổi nguồn nước biển dâng hay là sự biến đổi khí hậu, thậm chí là có những vấn đề về môi trường biển như rác thải biển, trong đó đặc biệt nghiêm trọng đó là rác thải nhựa.
Trước những thách thức mới này, UNCLOS không bị lạc hậu mà thậm chí vẫn khẳng định là một khuôn khổ pháp lý cung cấp cơ sở nền tảng, giúp các quốc gia có thể phát triển. Trong đối thoại biển ngày hôm nay chúng tôi sẽ dành một phiên thảo luận về quyền và nghĩa vụ hợp tác của các quốc gia ven biển nửa kín - một biển đặc thù mang tính chất của Biển Đông của chúng ta.
Và theo đó cơ sở pháp lý của Công ước Luật biển quy định tại Điều 122 và Điều 123 sẽ giúp các quốc gia ven biển nửa kín như Việt Nam cùng các quốc gia Đông Nam Á có cơ sở pháp lý để tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác, phát huy những thực tiễn tốt về hợp tác thành công trong quá khứ để hướng tới việc giải quyết bền vững những thách thức trong tương lai về nước biển dâng và ô nhiễm môi trường biển.
Một trong những vấn đề đặt ra đối với các nước hiện nay, đó là việc thực thi UNCLOS để duy trì hòa bình, ổn định trên các vùng biển. Tuy nhiên, có thực tế là một số nước đặc biệt, một số nước lớn họ không tuân thủ các luật lệ UNCLOS dẫn tới tình trạng tranh chấp. Vậy thì trách nhiệm của các quốc gia cần phải được đặt ra như thế nào?
- Hôm nay chúng tôi cũng đề cập đến một chủ đề đó là Công ước được thực thi như thế nào với những quốc gia có biển và quốc gia không có biển, với những quốc gia là thành viên và không là thành viên của Công ước. Có một điểm đặc biệt thú vị với các quốc gia ven Biển Đông đó là có sự hiện diện của cả quốc gia là thành viên, không phải là thành viên, có sự hiện những quốc gia ven biển, cũng như là quốc gia không có biển (như Lào), có sự hiện diện của những nhóm là quốc gia quần đảo hay quốc gia đang phát triển nhưng cũng có những quốc gia có tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ phát triển mạnh.
Với nội dung đối thoại, thảo luận hôm nay chúng tôi hướng đến mục tiêu đó là UNCLOS trải qua 40 năm hình thành và phát triển đã tạo ra những giá trị phổ quát. Có rất nhiều quy định của UNCLOS đã được đi vào thực tế, áp dụng như là tập quán quốc tế và ràng buộc chung về giá trị pháp lý với các quốc gia là thành viên hay không phải là thành viên, các quốc gia dù lớn hay bé, dù có tiềm lực phát triển không có phát triển đều có chung một nghĩa vụ như nhau phải thực thi thì giá trị phổ quát của UNCLOS để đóng góp vào hòa bình, ổn định chung của môi trường biển thế giới.
Các nước đang tiến hành đàm phán thúc đẩy COC để tạo thêm một khuôn khổ pháp lý như UNCLOS trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong các vùng biển. Vậy thì trách nhiệm của các quốc gia, đặc biệt là các nước ven biển, việc thực thi, nỗ lực thúc đẩy đàm phán cần tiến hành như thế nào?
- Có thể nói 2 năm vừa qua do đại dịch Covid-19, không phải chỉ quá trình đàm phán COC ở Biển Đông mà còn có rất nhiều đàm phán thực chất khác bị gián đoạn. Bây giờ cùng với sự mở cửa trở lại bình thường mới thì các bên đang tích cực nối lại quá trình đàm phán. Chúng tôi tin tưởng rằng quá trình đàm phán sẽ có những diễn biến mới trong thời gian tới.
Điều quan trọng nhất để đạt được những phát triển thực chất thì các bên phải tuân thủ vào những hệ thống pháp luật quốc tế sẵn có, trong đó nền tảng như chúng ta vừa đề cập, đó là giá trị phổ quát, đó là những quy định đã được quy định thậm chí và tập quán quốc tế của UNCLOS tạo ra một hệ thống pháp luật quốc tế trên toàn cầu để giúp các quốc gia quản lý và sử dụng biển một cách bền vững cho các thế hệ trong tương lai.
Vậy, Việt Nam đã đóng góp gì vào nỗ lực để thực thi UNCLOS, thưa bà?
- Trong 40 năm qua, Việt Nam không có điều kiện may mắn như các quốc gia khác tham gia vào những giai đoạn đầu của Hội nghị Luật Biển lần thứ nhất, lần thứ hai. Nhưng sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, ngay từ năm 1977, Việt Nam đã tích cực tham gia vào Hội nghị Luật Biển lần thứ 3. Trong quá trình tham gia tại Hội nghị Luật Biển, Việt Nam đã tích cực đóng góp những quan điểm của quốc gia đang phát triển của quốc gia ven biển để đóng góp vào việc hình thành nên các quyền và nghĩa vụ quốc gia ven biển trong trật tự pháp lý về biển hiện nay.
Cụ thể, vào năm 1977, Việt Nam đã ra tuyên bố về các vùng biển Việt Nam và sau này hoàn toàn phù hợp với các quy định của UNCLOS. Năm 1982, chúng ta đã ra tuyên bố về đường cơ sở thẳng. Năm 1994, Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn để Việt Nam trở thành một trong những thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982. Đến năm 2012 thì Việt Nam đã chính thức ban hành Luật Biển Việt Nam.
Trải qua những mốc thời gian như vậy, Việt Nam luôn thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm thực thi nghiêm chỉnh tất cả những quyền và nghĩa vụ của một quốc gia ven biển, phù hợp với quy định của Công ước Luật biển 1982 cũng như quy định của pháp luật quốc tế.
Trong bối cảnh có những diễn biến địa chính trị phức tạp hiện nay thì giải pháp nào cần được tính tới các bên tìm tới để ngăn chặn những đụng độ và xung đột tranh chấp trên biển?
- Trong bối cảnh hiện nay, địa chính trị có những phát triển mới, cũng có những phức tạp thì điều quan trọng nhất mà các bên cần để giải quyết được một cách ổn định những khác biệt đó chính là tuân thủ nguyên tắc hòa bình, giải quyết tranh chấp, như chúng ta vừa mới nghe thẩm phán Rüdiger Wolfrum đề cập trong bài phát biểu dẫn đề của Đối thoại về biển, Công ước Luật biển đã có cơ chế giải quyết tranh chấp hòa bình, giúp các bên có thể giải quyết những bất đồng trong việc thực thi và giải thích Luật Biển. Đó chính là một cơ sở đầu tiên quan trọng nhất để giúp các bên tiếp tục hóa giải những bất đồng của mình.
Cơ sở thứ hai đó chính là thúc đẩy hợp tác, chỉ thông qua hợp tác xây dựng lòng tin, giải tỏa được những thách thức hiện tại cũng như trong tương lai thì mới tạo ra được một môi trường hòa bình, ổn định để giúp các bên khắc phục những bất đồng.
Như vậy, các nước lớn sẽ là những nước phải cần phải làm gương trước tiên?
- Các nước dù lớn, dù nhỏ thì đều bình đẳng trước Luật biển cũng như pháp luật quốc tế. Và chính vì như vậy nên cho dù các nước lớn hay các nước nhỏ thì đều phải có nghĩa vụ ràng buộc với những phán quyết, với những quy định của luật pháp quốc tế.
Trân trọng cảm ơn bà!